Tunisia: đối thoại để hòa bình

DANH ĐỨC 19/10/2015 22:10 GMT+7

TTCT - Việc giải Nobel hòa bình năm nay được trao cho “bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia” cho thấy chỉ khi nào có được thiện chí đối thoại mới có cơ may yên bình tại những xã hội “non trẻ”, và rằng đại diện thật sự của người lao động luôn là động cơ của mọi thay đổi.

Chủ tịch UTICA Wided Bouchamaoui, Tổng thư ký UGTT Houcine Abassi, Chủ tịch Liên đoàn nhân quyền Abdessattar Ben Moussa và Chủ tịch Luật sư đoàn Mohamed Fadhel Mahmoud (từ trái sang) tại cuộc họp báo ở Tunis ngày 21-9 -Reuters
Chủ tịch UTICA Wided Bouchamaoui, Tổng thư ký UGTT Houcine Abassi, Chủ tịch Liên đoàn nhân quyền Abdessattar Ben Moussa và Chủ tịch Luật sư đoàn Mohamed Fadhel Mahmoud (từ trái sang) tại cuộc họp báo ở Tunis ngày 21-9 -Reuters

Gọi là “non trẻ”, cho dù đất nước 10 triệu dân này đã độc lập từ năm 1956, là do dưới trào tổng thống đầu tiên Habib Bourguiba, Tunisia là nhà nước độc tài trong suốt 31 năm và chỉ kết thúc bằng một cuộc đảo chính vào tháng 11-1987 (bị thay thế bởi Zine el Abidine Ben Ali, người cầm quyền suốt 23 năm nữa trước khi tháo chạy vào ngày 14-1-2011).

Như tại các nước đồng cảnh ngộ khác, sau khi chế độ độc tài cáo chung là xuất hiện khoảng trống quyền lực và cuộc khủng hoảng tranh giành quyền lực. Song ở Tunisia, bi kịch này đã không xảy ra cho dù cũng đã có những xáo trộn sôi sục và đẫm máu không kém.

Thông cáo của Ủy ban Nobel nêu rõ lý do trao giải năm nay cho “bộ tứ đối thoại ở Tunisia” là vì những đóng góp mang tính quyết định trong việc xây dựng nền dân chủ tại Tunisia vào lúc nước này đang trên bờ nội chiến, giúp thiết lập một hệ thống chính quyền hợp hiến đảm bảo quyền cơ bản cho toàn dân, không phân biệt giới tính, xác quyết chính trị hoặc tôn giáo tín ngưỡng.

Đối thoại giữa giới lao động và giới chủ

Chọn lựa của Ủy ban Nobel rất sát thực tế: nếu không có các nỗ lực, kể cả tự kiềm chế cũng như thiện chí, để đối thoại được với nhau, của cái thực thể gọi là “bộ tứ đối thoại quốc gia”, e rằng Tunisia chưa được êm ả như hiện nay.

Bộ tứ đó gồm: Tổng liên đoàn Lao động (UGTT), Liên đoàn Công nghiệp - thương mại và thủ công mỹ nghệ (UTICA), Liên đoàn Nhân quyền và Luật sư đoàn. Đây là những tổ chức chỉ đóng vai trò trung gian, có lực lượng quần chúng trong tay song không tranh giành quyền lực. Và cuộc đối thoại mà họ gầy dựng ra nay vẫn còn tiếp diễn, thậm chí đang rất tranh cãi chính trong lúc giải Nobel được loan báo.

Trong một nền kinh tế mà lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn nửa GDP (51,7%), công nghiệp 33,2%, nông nghiệp 14,8%, việc các tổ chức đại diện cho giới viên chức như UGTT hay đại diện cho giới chủ như UTICA có những tiếng nói có trọng lượng trong xã hội là một điều đương nhiên. Nếu như UGTT quy tụ nửa triệu đoàn viên thì UTICA đại diện cho gần 150.000 xí nghiệp tư nhỏ và vừa, với 25.000 đoàn viên chuyên trách.

Cương lĩnh của UTICA nêu rõ ước vọng như sau: “…Vì một Tunisia mà sự lao động, nỗ lực, tính tự do hành nghề cùng sự thành đạt nghề nghiệp được nhìn nhận như những giá trị xã hội. Một Tunisia mà mọi lĩnh vực kinh tế, mọi tầng lớp xã hội, mọi vùng miền cùng mọi thế hệ đều có cơ hội đồng đều tham gia việc tạo nên của cải. Một Tunisia tôn trọng tài sản tư nhân và tập thể, đảm bảo quyền của công dân được an ninh cho bản thân và tài sản của mình. Một Tunisia mà các công dân liên đới với nhau và tin ở tương lai của mình…”.

Điều kỳ diệu tháng 10-2013

UGTT và UTICA đã đàm phán với nhau không chỉ chuyện lương bổng mà cả trong vấn đề trọng đại hơn là vạch ra một lộ trình chính trị cho đất nước mà các đảng phái lớn nhỏ lúc đó đang kình chống nhau, thậm chí sát hại nhau, phải tuân thủ.

Điều kỳ diệu trong lịch sử chính trị ấy đã được Sarah Chayes, nhà nghiên cứu cao cấp của tổ chức hòa bình Carnegie Endowment for Peace, thuật lại như sau trong một bài viết đề ngày 27-3-2014:

“Vào một buổi chiều thứ bảy tháng 10 năm ngoái, trong một trung tâm hội nghị trang trí rực rỡ với cờ và hoa màu trắng, nhà lãnh đạo lao động Tunisia, Houcine Abassi, chủ trì một buổi lễ ký kết sẽ đánh dấu số phận của đất nước mình...

“Cảm ơn quý vị đã đáp lời kêu gọi của đất nước”, ông nói với các nhà lãnh đạo của 20 đảng phái chính trị, trước khi mỗi người lần lượt đặt chữ ký lên những gì đã đến để được gọi là bản lộ trình”.

Một lễ ký kết tập thể như thế có ý nghĩa gì? Sarah Chayes giải thích: “Một số chính trị gia đã bị sốc khi phát hiện rằng họ sẽ bị buộc phải ký vào văn kiện nọ trước ống kính của truyền hình, và do đó bị ràng buộc bởi các điều khoản của văn kiện này.

Trên một lịch trình chặt chẽ, văn bản này kêu gọi thực hiện ba bước khổng lồ: toàn bộ nội các Tunisia từ chức và bổ nhiệm một thủ tướng không thuộc một đảng phái nào có nhiệm vụ tập hợp các đảng lại với nhau thành một nội các mới; hình thành một ủy ban bầu cử độc lập; sửa đổi và phê duyệt dự thảo hiến pháp”.

Đối thoại không ngừng

Làm thế nào mà UGTT lại có thể khuất phục được Thủ tướng đương quyền Rached Ghannouchi của Đảng Hồi giáo Ennahda ký thỏa thuận văn kiện trên? Đầu tiên là do tính chính đáng của UGTT. Trong chế độ Ben Ali, UGTT vẫn “hiện diện” trong đời sống hằng ngày của người dân nhờ quy chế tự do phát biểu và ứng cử trong nội bộ.

Sau này đối với rất nhiều người dân Tunisia, UGTT đại diện dân chúng hơn bất cứ đảng phái nào xuất hiện từ sau cuộc cách mạng năm 2011, đồng thời cũng chính đáng hơn, tác giả Sarah Chayes kết luận.

Điều này càng đúng khi xét đến chính quyền đương thời lúc đó là chính quyền do cánh Hồi giáo Ennahdha cùng hai đồng minh là các đảng trung tả CPR và Ettakatol nắm, sau cuộc bầu cử tháng 10-2011 cho một nhiệm kỳ duy nhất là một năm, với nhiệm vụ là soạn thảo xong bản hiến pháp.

Ba đảng liên minh này đã đánh mất uy tín vì sự lạm quyền và sự bất tài. Hết hạn một năm cầm quyền, ba đảng này không chịu rời khỏi quyền hành, đất nước Tunisia rơi vào khủng hoảng từ đó. Và đây là thời cơ của UGTT.

Trong thực tế, UGTT đã có những giai đoạn nổi bật xen kẽ với những giai đoạn “xuống sắc”. Gần nhất là vào năm 2008, UGTT đã đối đầu với chính phủ Ben Ali ở khu vực mỏ Gafsa qua một chuỗi đình công của thợ mỏ kéo dài sáu tháng, được dân chúng hậu thuẫn trên toàn quốc, trước khi bị dập tắt (*).

Việc UGTT đứng ra kêu gọi tổng đình công vào ngày 14-1-2011 dẫn đến việc tổng thống Ben Ali bỏ chạy cuối buổi chiều hôm đó, đã góp phần vào tính chính đáng của tổ chức công đoàn này.

Tất nhiên, không chỉ có mỗi UGTT mới nỗ lực thuyết phục, can ngăn. Giới chủ UTICA do bà Wided Bouchamaoui lãnh đạo, Liên đoàn Nhân quyền của Ben Moussa và Luật sư đoàn của Fadhel Mahfoudh cùng hợp lực để Đảng Hồi giáo Ennahda và hai đảng đồng minh chịu rút lui. Từ bản lộ trình ký kết tháng 10-2013 nêu trên, Tunisia đã trải qua một cuộc bầu cử mới vào năm ngoái, một chính phủ được người dân bầu lên.

Ngay cả trong hiện tại, UGTT và UTICA vẫn còn đang tranh cãi nhau về vấn đề tăng lương. Mới đây, tờ L’Economiste Maghrebin ngày 10-10 còn nêu câu hỏi qua tít: “Giải Nobel liệu sẽ làm giảm căng thẳng giữa UTICA và UGTT?” và động viên hai bên:

Việc được giải Nobel lẽ ra phải kích thích hai tổ chức quốc gia này song hành với nhau để đạt được những thỏa thuận xã hội cho lĩnh vực tư nhân.

Do lẽ nếu như hai tổ chức này đã có thể tránh cho đất nước tình cảnh vô chính phủ theo kiểu Ai Cập, nếu như “bộ tứ” đã có thể đưa con thuyền Tunisia đến bến trong bối cảnh căng thẳng của những vụ ám sát chính trị, thì việc thảo luận xã hội thành công không là điều không thể đạt được, nếu như UTICA và UGTT cũng sẽ sử dụng lại công thức diệu kỳ cũ: sự đồng thuận, sự đối thoại và sự đồng tình”.

Chính thiện chí đối thoại trong sự bình đẳng đã đưa đất nước Tunisia ra khỏi “số phận” mà các láng giềng Ai Cập, Libya nay đang gánh chịu.■

(*): Le syndicalisme, quel rôle dans le Printemps arabe?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận