10/11/2017 09:02 GMT+7

Từ việc hiến 5.147 lượng vàng, nghĩ gì về lòng yêu nước?

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Loạt bài về người hiến 5.147 lượng vàng cho đất nước đã chạm đến trái tim và truyền cảm hứng cho nhiều người về tình yêu nước hôm nay.

Từ việc hiến 5.147 lượng vàng, nghĩ gì về lòng yêu nước? - Ảnh 1.

Chỉ trong 3 ngày từ 6 đến 8-11 Tuổi Trẻ đã nhận được hơn 600 ý kiến đồng cảm, chia sẻ và tiếc thương người hiến vàng cho Nhà nước năm 1945 vừa qua đời. 

Bạn đọc Lê Anh xúc động chia sẻ: "Gia đình bà chính là biểu tượng, nhân chứng giúp tôi hoàn thành các bài giảng về tinh thần yêu nước, yêu cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua."

Thay vì dựng tượng, đặt tên đường để ghi nhớ người có công Thay vì dựng tượng, đặt tên đường để ghi nhớ người có công Người hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước qua đời Người hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước qua đời Gia đình cụ Trịnh Văn Bô: Chữ đức dành lại mai sau... Gia đình cụ Trịnh Văn Bô: Chữ đức dành lại mai sau...

"Một gia đình tuyệt vời. Bà đã từng nói: Nếu lịch sử có lặp lại, gia đình bà vẫn theo cách mạng cho dù gian khổ mấy. Vĩnh biệt bà, xin chia buồn cùng gia đình" - bạn đọc Lê Anh bộc bạch.

"Con kính cẩn nghiêng mình chia buồn cùng gia quyến! Cụ làm thế hệ trẻ chúng con phải suy ngẫm tất cả cách sống và làm việc sau này. Mong cụ yên giấc!"

Trích ý kiến bạn đọc Le

Bạn đọc Anh Đức đồng cảm: "Một cống hiến lớn lao cho đất nước. Thật ngưỡng mộ cụ. Xin chia buồn cùng gia đình cụ".


Cảm hứng lòng yêu nước từ câu chuyện hiến vàng - Video: Chế Thân - Trường Trung

Câu chuyện của cụ Hoàng Thị Minh Hồ hiến hơn 5000 lượng vàng cũng khiến nhiều bạn đọc nhắc lại thời kỳ hào hùng của dân tộc, toàn dân cùng nhìn về một hướng. 

Bạn đọc Si bình luận: "Khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử xưa kia lại dồn về trong mỗi chúng ta. Kính cẩn nghiên mình trước vong linh cụ."

Clip bạn đọc nói về tình yêu nước hôm nay từ câu chuyện của cụ Hoàng Thị Minh Hồ - Video: Chế Thân - Trường Trung

Nhiều bạn đọc từ cảm hứng của người hiến vàng cho rằng, tình yêu nước xưa và nay dù có bối cảnh khác nhau nhưng đều sắt son như một. Chính nhân dân - những người áo vải giản dị với tình yêu quê hương đất nước vĩ đại đã làm nên một Việt Nam hôm nay. 


Yêu nước thế nào? Video: Chế Thân - Trường Trung

Bạn đọc Lê Thành Đức chia sẻ đã có dịp gặp cụ Hồ Thị Minh Hồ và tự hào: "Soi vào những tấm gương như gia đình cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, con thấy quá ngưỡng mộ. Tổ quốc ta được xây đắp bởi những tấm lòng, những bàn tay như thế. Vì một dịp tình cờ, con đã được gặp, nói chuyện với cụ cách đây 20 năm. Kính cẩn vĩnh biệt cụ."

"Đất nước Việt Nam từ bao đời có lẽ tới ngày nay chỉ có mình gia đình cụ hiến tặng nhà nước một lượng vàng lớn như vậy. Thật ngưỡng mộ. Tấm gương này sẽ soi rọi cho muôn đời sau" - bạn đọc Nguyễn Đình Tuyến, viết.

Tư liệu lịch sử đáng nhớ trong "Tuần lễ vàng"

Ngày 2-9-1945 cùng với ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà cũng là ngày mà Nhà nước mới khai sinh cùng toàn dân phải đối diện với khó khăn đến từng chân tơ kẽ tóc.

"Kho bạc trống rỗng, thuế chưa thu được, Ngân hàng Đông Dương nằm trong tay tư bản Pháp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Tiền mặt ở Ngân khố Trung Ương lúc bấy giờ chỉ có 1.250.000 đồng, trong đó có 580.000 đồng bằng hào nát mà số nợ lại lên tới hơn 564.000.000 đồng.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tổ chức "Tuần Lễ Vàng" động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng "Quỹ Độc Lập".

"Tuần Lễ Vàng" đã thu được nhiều kết quả to lớn. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 17 đến 24-9-1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho "Quỹ Độc Lập" khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương.

Ở nơi cực Bắc của Tổ quốc, Vua Mèo Vương Chí Xình (Đồng Văn, Hà Giang) đã ủng hộ 9 cân vàng và 2,2 triệu đồng bạc trắng.

Tại cố đô Huế, Nam Phương Hoàng Hậu - vợ của cựu hoàng Bảo Đại (khi đó là cố vấn Vĩnh Thuỵ) đã ủng hộ hàng chục chiếc nhẫn, hoa tai, vòng vàng quý, nêu gương cho nhân dân Huế ủng hộ 420 lạng vàng.

Bà Thềm - Công chúa Chăm (Ninh Thuận) ủng hộ 1 mũ, 1 quả na, 1 quả khế, 1 nải chuối tất cả đều bằng vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm...

Có thể nói, thông qua tuyên truyền, "Tuần lễ Vàng" đã nhận được sự ủng hộ sôi nổi trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Không chỉ có người giàu mà gần như mỗi gia đình dù ít, dù nhiều cũng tham gia ủng hộ xây dựng "Quỹ Độc Lập", người đôi bông tai, nhà 1 - 2 con bò…

Cụ bà Nguyễn Thị Vượng 83 tuổi (Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn nhớ như in không khí sôi nổi những ngày giữa tháng 9-1945 khi mẹ và bà nội mình đã ủng hộ đôi bông tai và hai chiếc vòng vàng "hồi môn" cho chính quyền cách mạng.

Kết quả là "chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kilôgam vàng".

Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/ lạng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lượng (khoảng 1.923 kg), tổng cộng được 2.293 kg hoặc 59.618 lượng, (theo thời giá hiện nay tương đương 2.072,3 tỉ đồng).

Phong trào "Tuần Lễ Vàng" ghi nhận sự tham gia tích cực của nhiều nhà tư sản yêu nước.

Trong đó, đáng ghi nhận là gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ ở Hà Nội đã ủng hộ 500 lượng vàng và vận động quyên góp được 4.000 lượng vàng… Điều đặc biệt là trước Cách mạng Tháng Tám, theo lời kêu gọi của Việt Minh, ông bà Bô đã ủng hộ 50.000 đồng Đông Dương (tương đương 125 lượng vàng) và may hàng chục bộ quần áo complê cho cán bộ mặc trong ngày Quốc khánh 2-9-1945.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên