09/03/2013 15:09 GMT+7

Tư vấn tuyển sinh 2013 ở Huế: băn khoăn khối C

PHAN THÀNH
PHAN THÀNH

TTO TRỰC TUYẾN - Chiều 9-3, trường THPT chuyên Quốc học Huế ngập tràn không khí sôi động của Chương trình Tư vấn Tuyển sinh hướng nghiệp 2013.

Chương trình do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT và Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế từ 14 đến 15 giờ.

Từ 15g – 17g là chương trình tư vấn chuyên sâu các nhóm ngành nghề với sự tư vấn 14 thầy cô đến từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP. Huế và TP.HCM.

Fb1RAxsN.jpgPhóng to
Hội trường tư vấn tại trường Quốc Học Huế chật kín học sinh về tham dự - Ảnh: Tiến Long

13g45, chương trình bắt đầu với các tiết mục văn nghệ từ trường THPT Nguyễn Trường Tộ, THPT Đặng Trần Côn (TP Huế).

Mở đầu chương trình, anh Nguyễn Chí Quang, Bí Thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế: “Như lời hẹn mỗi năm với các bạn thí sinh và phụ huynh, hôm nay chương trình Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp lại về với HS tỉnh Thừa Thiên Huế. Chúng tôi có mặt và đồng hành với HS trong việc chọn ngành nghề, chọn trường thi, có mặt cùng các bạn những ngày dự thi và Quỹ Học bổng Tiếp sức đến trường, hỗ trợ những SV nghèo vào giảng đường."

PGS TS Huỳnh Thanh Hùng nêu những điểm cần lưu ý trước ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2013: Với hình thức thi “ba chung”, mỗi thí sinh có ba đợt thi. Mỗi đợt thi, các em có một nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ. Nếu không trúng tuyển NV1, chúng ta mới nghĩ đến các nguyện vọng bổ sung. Và chỉ được nộp hồ sơ vào các ngành cùng khối thi có tuyển nguyện vọng 2.

Thầy Hùng cũng điểm qua kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH 2012 của HS Thừa Thiên Huế. Trong năm 2012, tỉnh Thừa Thiên Huế có 23.630 lượt thí sinh dự thi, điểm trung bình là 11,59 (cao hơn so với trung bình chung của cả nước là 11,3). Thừa Thiên Huế xếp hạng 21 về điểm trung bình thi ĐH, cao hơn điểm trung bình năm 2011. Có 4 trường nằm trong tốp 200 trường THPT có kết quả thi cao nhất trong cả nước, trong đó, Trường THPT chuyên Quốc học là 16,53

TS Lê Thị Thanh Mai lưu ý mục ghi tên ngành và tên chuyên ngành trên hồ sơ đăng ký sự thi ĐH. Năm 2012, nhiều thí sinh ghi mã ngành chưa chính xác. Năm nay, thí sinh cần lưu ý ghi đúng bảy chữ số mã ngành. Một điểm hay nhầm lẫn nữa là mục số 2 và mục số 3 trên hồ sơ. Mục số 3 là mục dành riêng cho những thí sinh có nguyện vọng học ở trường không tổ chức thi tuyển.

Trong mẫu hồ sơ năm nay cũng có phần dành cho thí sinh dự thi liên thông. Các em không thuộc diện thi liên thông thì không ghi vào những mục này. Một lưu ý nữa về địa chỉ liên hệ, các em nên ghi đầy đủ, chính xác địa chỉ, số điện thoại (có thể là địa chỉ e-mail) để trường liên hệ khi cần thiết.

Câu hỏi đầu tiên gửi đến ban tư vấn bày tỏ tâm tư muốn học trường gần nhà và những thông tin tuyển sinh mới nhất từ ĐH Huế. PGS TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết: Trường ĐH Huế hiện có bảy trường thành viên, 3 khoa trực thuộc.

Một số điểm mới cần lưu ý đối với ĐH Huế năm nay là chỉ tiêu trường thành viên tăng cả bậc ĐH và CĐ. Năm nay, ngoài ĐH Nông lâm thi theo nhóm ngành, ngành ĐH Khoa học cũng thi theo nhóm ngành. Điểm mới thứ ba đối với các ngành năng khiếu có thay đổi về hệ số điểm (cụ thể khối T hệ số 2), các ngành ngoại ngữ (sư phạm tiếng Anh, Ngôn Ngữ Anh va Ngôn ngữ Nhật nhân hệ số 2 môn ngoại ngoại ngữ). Một số ngành Ngôn ngữ Nga và một số ngành Khoa học cơ bản sẽ được áp dụng chính sách giảm học phí.

Băn khoăn khối C

Nguyễn Thị Hồng Nga, THPT Quốc học gửi đến ban tư vấn băn khoăn giữa hai ngành sư phạm và y dược. “Sức khỏe em không thật tốt. Em không được mạnh dạn lắm, chọn ngành nào phù hợp hơn. Cơ hội học hai ngành này ở Huế hiện như thế nào?”

“Nếu thi đậu ĐH rồi, em sẽ được bố trí ở tại ký túc xá ở Huế hay không? Có cần điều kiện gì để ở KTX không? Giá tiền nộp hàng tháng là bao nhiêu?”

Nên liên hệ về chỗ ở ký túc xá càng sớm càng tốt. Việc xét ở tại ký túc xá có ưu tiên cho đối tượng là con em gia đình chính sách.

Sau khi trúng tuyển, cần liên hệ sớm các địa chỉ sau:

Ký túc xá Đội Cung: 300 chỗ ở - ĐT: 0543.821492.

Ký túc xá Đống Đa: 250 chỗ ở - ĐT: 0543.822972.

Ký túc xá Tây Lộc: 300 chỗ ở - ĐT: 0543.516240.

Ký túc xá Trường Bia và Lưu học sinh: 2500 chỗ ở - ĐT: 0543. 816109

Thạc sỹ Lê Phước Sơn(chuyên viên ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế)

“Cả hai ngành này đều đỏi hỏi sức khỏe. Người giáo viên cũng cần sức khỏe để giảng dạy tốt. Bác sĩ cũng rất căng thẳng trong công việc khám chữa bệnh cần sức khỏe và cả tinh thần vững vàng - PGS TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ.

Thầy Dũng cho rằng có thể ngành dược phù hợp với điều kiện sức khỏe của học sinh Hồng Nga. Tuy nhiên, bạn Nga cũng như các học sinh khác nên lưu ý điểm đầu vào ngành y dược cao hơn các ngành khác, trong khi đó, nhu cầu ngành sư phạm hiện nay nhiều nơi không thiếu GV (ngoại trừ SP mầm non).

PGS TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế khuyên bạn nên chọn ngành nào phù hợp với mình hơn. Thầy thông tin: Hiện nhu cầu nhân lực ngành y ở địa phương rất cần người tốt nghiệp ngành y, đặc biệt các vùng sâu.

Một câu hỏi thú vị được chuyển đến ban tư vấn: “Các trường hiện nay rất ít tuyển khối C. Em thích các ngành xã hội (tâm lý học, báo chí chẳng hạn) nhưng cơ hội việc làm những ngành này có vẻ không nhiều…”

TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ: trong nhóm các ngành XHNV có rất nhiều ngành, vấn đề là các em có phù hợp ngành nghề hay không. Nếu có đam mê và khả năng, có nhiều cơ hội việc làm. Một ngành dự báo nhu cầu nhân lực lớn là ngành Công tác xã hội.

Th.S Lê Văn Hiển (ĐH Luật TP.HCM) tiếp lời: Về khối C, một lĩnh vực đang có nhu cầu lớn, đó là vấn đề Pháp lý. ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và nhiều trường tại TP.HCM đều có ngành này. Học ngành này có thể làm trong ngành luật, tư vấn pháp lý… với cơ hội việc làm nhiều và rộng cửa với thí sinh khối C.

Một câu hỏi về trường CĐ nghề Du lịch Huế: “Em đang học một ngành thuộc trường Cao đẳng nghề du lịch Huế, khi tốt nghiệp em có thể học tiếp tại khoa Du lịch của ĐH Huế hay không?"

Thạc sỹ Lê Phước Sơn - chuyên viên ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế cho biết Khoa Du lịch Đại học Huế hiện tại chưa triển khai việc đào tạo liên thông, có thể sẽ thực hiện trong vài năm tới.

DwvEaxdN.jpgPhóng to
Các bạn học sinh quan tâm tìm hiểu những tài liệu thông tin liên quan đến kỳ thi đại học cao đẳng năm 2013 - Ảnh: Nguyên Linh
sbzvjluu.jpgPhóng to
Thầy Lê Phước Sơn đang tận tình tư vấn cho học sinh thi vào nhóm ngành Kinh tế, ngân hàng, du lịch - Ảnh: Tiến Long
6fqlAb7y.jpgPhóng to
Rất nhiều học sinh đã đặt câu hỏi trực tiếp với TS Phạm Tấn Hạ - Ảnh: Phan Thành
Ltkw9C0d.jpgPhóng to
Các thầy tại khu vực tư vấn chuyên sâu đang trả lời cho các em học sinh - Ảnh: Ngọc Hiển
JvQYBpkD.jpgPhóng to
PGS.TS Nguyễn Trường An, phoa phòng đào tạo trường ĐH Y Dược Huế tư vấn cho các thắc mắc của các em tại khu vực tư vấn nhóm ngành Khoa học tự nhiên - Kỹ thuật, Y Dược, Nông lâm... Ảnh: Ngọc Hiển

Niềm vui được tham gia buổi tư vấn tuyển sinh

Em Nguyễn Thị Nhân, dân tộc Tà Ôi, học sinh trường Dân tộc nội trú tỉnh Thừa Thiên – Huế là một trong số ít học sinh dân tộc thiểu số rất vui khi đến với buổi tư vấn tuyển sinh.

YqkkPzxS.jpgPhóng to

Em Nguyễn Thị Nhân (bìa trái), dân tộc Tà Ôi đang chăm chú xem tài liệu tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ phát hành. - Ảnh: Alăng Ngước.

Em cho biết, năm nay sẽ đăng ký vào ngành Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Huế. Những thắc mắc của em như học ở đó việc làm sau khi ra trường, chính sách dành cho sinh viên vùng dân tộc thiểu số, nếu trượt ĐH thì đăng kí học hệ cự tuyển như thế nào điều được ban tư vấn giải đáp một cách rõ ràng.

“Là người dân tộc thiểu số, ít được tiếp xúc với các kênh thông tin tuyển sinh nên đây là một trong những chương trình ý nghĩa. Qua chương trình, em đã hiểu rõ ngành mình. Cảm ơn chương trình, cảm ơn thầy cô ở ban tư vấn, cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã tiếp sức cho chúng em trước khi đăng ký ngành và làm hồ sơ” em Nhân chia sẻ.

Bạn Nguyễn Thị Phương Thanh, trường Quốc Học Huế đặt câu hỏi: “Em muốn theo học ngành Marketing. Em có thể học Kinh tế, sau đó học một bằng nữa về chuyên ngành Marketing không? Sau này em có thể làm những việc liên quan đến marketing và đồng thời về kinh tế không? Em dự định thi vào trường Kinh Tế - Luật TP. Hồ Chí Minh, ngành Kinh tế học?”

Thạc sĩ Lâm Tường Thoại (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: Việc chọn ngành thường dựa trên sở thích, đam mê và khả năng của chính bản thân. Nếu chọn ngành kinh tế đòi hỏi học sinh phải có khả năng tư duy, tổng hợp, nghiên cứu, phát hiện vấn đề và đưa ra ý tưởng. Còn ngành Marketing cần năng động, sáng tạo. Vì vậy, bạn nên chú ý mình thích gì hơn để chọn lựa cho phù hợp.Tức nhiên, không ai cấm em học ngành Kinh tế học xong lại học thêm ngành Marketing cả nhưng nên xác định rõ ngành học phù hợp ngay từ đầu.

Thầy Thoại cho biết thêm: Hiện ngành Marketing là một trong những ngành nhu cầu xã hội đang rất cần. Theo đánh giá của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực tại TP.HCM, đây là ngành có nhu cầu cao. Ngành Marketing khi học sẽ cung cấp cho người học cả kiến thức cơ bản về Marketing và kiến thức chuyên môn để phân tích về Marketing thuộc lĩnh vực sản xuất thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu, dịch vụ. Khi ra trường có thể làm việc ở các bộ phận marketing, bộ phận kinh doanh, của các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế, hoặc làm việc tại các công ty dịch vụ marketing như: Quảng cáo, tổ chức sự kiện, nghiên cứu thị trường… Đây là một ngành cho tương lai.

* Bạn Hoàng Thị Giang, học sinh THPT chuyên Quốc học Huế thắc mắc: Em đã đi bộ đội và đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Em muốn thi vào khối T, ngành giáo dục quốc phòng - an ninh của Khoa giáo dục thể chất ĐH Huế, nếu đậu thì trong quá trình học em có được hưởng chế độ ưu tiên, ưu đãi gì hay không? Nếu ra trường có thể xin vào làm việc ở quân đội được không? Ngoài ra, học ngành này ra trường có thể làm được việc gì? Xin việc ở đâu?

- PGS.TS Lê Văn Anh - phó giám đốc ĐH Huế cho biết: Những thí sinh đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự được ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ và trong quá trình học sẽ không có ưu tiên gì khác. Học ngành giáo dục quốc phòng – an ninh, ra trường có thể làm việc ở các cơ sở giáo dục và đào tạo, các khoa thể dục, thể thao; các sở văn hóa thể thao và du lịch, các phòng văn hóa thể thao du lịch quận huyện.

Bạn Nguyễn Thanh Tuyền, trường THPT Gia Hội hỏi: Em nghe nói ngành công nghệ thông tin có ngành mới là ngành an ninh mạng, em muốn biết thi ngành đó ở đâu và như thế nào?

TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP HCM) trả lời: Các em cứ cân nhắc điểm tối thiểu để thi vào các ngành CNTT các trường khác. Ngành an ninh mạng sẽ tuyển căn cứ trên điểm các em tốt nghiệp ĐH của các em ở ngành CNTT để tuyển.

Cơ hội nào cho ngành ngoại ngữ?

* Ở trường ĐH Ngoại ngữ Huế có hai ngành sư phạm tiếng Anh và ngôn ngữ Anh, chương trình học có khác nhau không? Ra trường làm những việc gì và cơ hội việc làm của ngành nào cao hơn?

- TS Hoàng Hữu Hòa - trưởng ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế cho biết: Chương trình học có khác nhau. Ngành Ngôn ngữ Anh có các học phần liên quan đến nghề nghiệp sau này như biên dịch, phiên dịch …; ngành SP tiếng Anh có các học phần liên quan đến nghiệp vụ sư phạm như tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, lý luận dạy học, …

Sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh, tùy theo từng chuyên ngành có thể xin việc làm các cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ - văn hóa trong và ngoài nước; các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan công việc phiên dịch hay biên dịch; các cơ quan, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và một số lĩnh vực khác. Ra trường có thể giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS... sau khi sinh viên đã tích lũy thêm các học phần thuộc nghiệp vụ sư phạm.

Ngành SP tiếng Anh: dạy tiếng Anh tại các trường THPT hay THCS; dạy tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ tại các trường THCN, cao đẳng, và đại học. Cơ hội việc làm còn tùy thuộc vào kết quả học tập của em ở những năm học đại học.

* Em học tốt môn tiếng Anh và tiếng Pháp, biết ít tiếng Nhật. Em muốn làm hướng dẫn viên du lịch ở Huế và học ở Huế, em nên thi ngành nào và ngành nào nhiều cơ hội việc làm tốt sau này?

- TS Hoàng Hữu Hòa - trưởng ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế: Theo sở thích của em thì một số ngành theo thầy thấy phù hợp là: quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (Khoa Du lịch), và các ngành ngôn ngữ của Trường ĐH Ngoại ngữ… Em cần tham khảo điểm chuẩn của những năm gần đây và điều quan trọng là em cần căn cứ vào năng lực, sở thích và tình hình kinh tế của gia đình mình để quyết định chọn ngành thích hợp.

* Em bị lé hơi nhẹ, có thi vào được trường ĐH Sư phạm hay không?

- TS Hoàng Hữu Hòa: Các ngành sư phạm không tuyển những thí sinh dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp. Tuy nhiên, với trường hợp của em thì vẫn có thể dự thi vào trường ĐH Sư phạm.

* Khi thi vào một trường quân đội bất kỳ thì điều kiện sức khỏe phải đạt loại A. Em lại bị cận thị nhẹ nhưng chưa phải mang kính. Vậy cho em hỏi là em có đủ tiêu chuẩn để thi không ạ?

- TS Hoàng Hữu Hòa: Thi tuyển vào trường quân đội có 2 diện: diện dân sự và diện quân sự. Diện dân sự thì thi như những thí sinh bình thường, diện quân sự mới có sơ tuyển. Theo quy định những thí sinh thi vào diện quân sự có tật khúc xạ cận thị hoặc viễn thị không quá 3 điốp, kiểm tra thị lực qua kính đạt 10/10; tổng thị lực hai mắt 19/10. Do đó, mắt của em như thế là đủ tiêu chuẩn.

* Em có giải C quốc gia môn địa. Em có thể được tuyển thẳng vào học khoa Luật của ĐH Huế được không?

-TS Hoàng Hữu Hòa: Theo quy chế: thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp trung học phổ thông được tuyển thẳng vào đại học theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2012 (Quy chế TS 2013 chưa ban hành), em chỉ có thể được tuyển thẳng vào các ngành: SP Địa lý, Địa lý học, Bản đồ học, Địa chất học, Địa lý tự nhiên, Thủy văn, và Hải dương học.

Vậy, nếu em muốn học ngành Luật thì nên sử dụng quyền ưu tiên xét tuyển. Nghĩa là em phải dự thi vào ngành luật, nếu tổng điểm thi 3 môn trên điểm sàn và không có môn nào bị điểm 0 thì được ưu tiên xét tuyển vào ngành luật.

* Ngành giáo dục tiểu học của trường ĐH sư phạm Huế khối C và khối D chương trình học có khác nhau hay không? Học xong ngoài đi dạy thì có thể làm được việc gì nữa không?

- TS Hoàng Hữu Hòa: Thí sinh trúng tuyển khối C và khối D vào ngành Giáo dục tiểu học sẽ được bố trí học chung và cùng học một chương trình đào tạo.

Ngoài việc làm giáo viên tại các trường tiểu học trong cả nước, có thể làm chuyên viên, cán bộ quản lý giáo dục bậc tiểu học tại các phòng/sở giáo dục-đào tạo.

Ngành hội họa thi thế nào?

* Em muốn thi vào ngành hội họa của trường ĐH Nghệ thuật Huế Hiện nay em đang luyện thi vẽ ở Huế, em vẽ đẹp nhưng các bạn bảo vẽ đẹp chưa chắc đã đậu. Vậy theo thầy em làm bài năng khiếu như thế nào cho dễ đậu? Ra trường, ngoài vẽ tranh ra em có thể xin đi dạy hay làm những công việc gì?

- TS Hoàng Hữu Hòa: Việc làm các bài năng khiếu, ngoài vẽ đẹp, các em cần phải vẽ theo đúng quy cách yêu cầu.

Sinh viên tốt nghiệp ngành hội họa có đủ năng lực để đảm nhiệm các vị trí và cơ hội nghề nghiệp sau: họa sĩ sáng tác chuyên nghiệp; giáo viên giảng dạy mỹ thuật tạo hình ở các bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; giáo viên giảng dạy mỹ thuật ở các bậc phổ thông (có chứng chỉ sư phạm bổ sung); họa sĩ phụ trách công tác chuyên môn mỹ thuật, mỹ thuật phong trào, văn hóa quần chúng và tuyên truyền cổ động tại các đơn vị, cơ quan văn hóa hành chính sự nghiệp và địa phương các cấp; họa sĩ đảm nhận các chuyên môn mỹ thuật hoặc nhiệm vụ sáng tạo trong các đơn vị sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

* Em muốn thi vào ngành điêu khắc của trường ĐH Nghệ thuật Huế. Xin hỏi thầy, ra trường em muốn làm tiếp thạc sĩ hay tiến sĩ luôn có được hay không? Em phải học tiếp ở đâu?

- TS Hoàng Hữu Hòa: Hiện tại ĐH Nghệ thuật - Đại học Huế chưa có các chuyên ngành đào tạo sau đại học. Sau khi tốt nghiệp em có thể học sau đại học. Hiện nay chỉ có Trường ĐH mỹ thuật TP Hồ chí Minh có đào tạo thạc sĩ ngành điêu khắc.

* Em vốn mê hội họa, vừa mê điêu khắc. Em xin hỏi có thể thi năm này vào ngành hội họa, năm tới tiếp tục thi vào ngành điêu khắc rồi học song song luôn được hay không? Học nghệ thuật khi ra trường muốn làm việc có biên chế nhà nước thì nên xin việc ở đâu? Xin làm những cơ quan nào?

- TS Hoàng Hữu Hòa : Việc học cùng lúc 2 ngành như em nói hiện nay chưa thể thực hiện tại trường ĐH Nghệ thuật – Đại học Huế.

Học các ngành nghệ thuật, sau khi ra trường em có thể giảng dạy mỹ thuật hoặc điêu khắc ở các bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; làm giáo viên giảng dạy mỹ thuật ở các bậc phổ thông (có chứng chỉ sư phạm bổ sung). Cũng có thể làm họa sĩ phụ trách công tác chuyên môn mỹ thuật, mỹ thuật phong trào, văn hóa quần chúng và tuyên truyền cổ động tại các đơn vị, cơ quan văn hóa hành chính sự nghiệp và địa phương các cấp...

Nóng nhóm ngành Y, dược

Bạn Lê Thị Thanh Huyền, trường THPT Gia Hội hỏi: Em muốn thi vào ngành bác sĩ đa khoa thuộc ĐH Y Khoa. Nếu tốt nghiệp xong muốn học tiếp bác sĩ nội trú thì điều kiện phải như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Trường An- Phó phòng đào tạo đại học Trường ĐH Y Dược-ĐH Huế cho biết: Điều kiện thi vào bác sĩ nội trú thì sinh viên đó phải tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa loại khá trở lên. Và điểm môn chuyên ngành cũng phải đạt từ điểm 7 trở lên mới được thi vào bác sĩ nội trú. Nếu thi trên điểm đậu thì các em sẽ được vào đào tạo bác sĩ nội trú.

Một bạn hỏi: "Em nghe nói ĐH Huế đào tạo theo tín chỉ, có nghĩa là học từng môn một. Như vậy, khi vào học em có thể rút ngắn thời gian học bớt 1 năm so với học niên chế hay không? Nếu học trường Y Dược thì có được rút ngắn thời gian học hay không? Xin thầy giải thích rõ hơn về đào tạo tín chỉ ở Huế?"

- PGS.TS. Nguyễn Trường An trả lời: Học tín chỉ không có nghĩa là học từng môn một mà trong một học kỳ, tùy theo năng lực, sinh viên có thể đăng ký số lượng các học phần mà mình có thể tham gia học tập. Do đó, nếu có học lực tốt, sinh viên hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian học tập của mình và tốt nghiệp sớm hơn thời gian quy định. Hiện nay, tại trường Y – Dược chỉ có 2 ngành có triển khai đào tạo theo hình thức tín chỉ là Y tế công cộng và Y học dự phòng.

Lê Quang Thành, học sinh THPT Nguyễn Huệ hỏi: Năm nay có thông tin không cho thi liên thông. Vậy thông tin này có đúng không?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng-phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết: Năm nay Bộ giáo dục chưa có chủ trương ngừng việc học liên thông, mà chỉ siết chặt hơn trong quy trình. Nếu bạn nào muốn thi liên thông từ CĐ lên ĐH mà tốt nghiệp CĐ mà chưa đủ 36 tháng thì thi chung đợt với các em thi tuyển sinh kỳ thi vào ĐH. Còn em nào tốt nghiệp CĐ trên 36 tháng thì thi liên thông như bình thường. Ba môn thi gồm: một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành, và một môn chuyên ngành.

Một bạn hỏi: "Về các chương trình của trường ĐH Sư phạm Huế liên kết với Pháp và Mỹ, theo học các ngành này có thời gian học ở Pháp hay ở Mỹ không? Cần những điều kiện gì?"

- TS Hoàng Hữu Hòa chia sẻ: Ngành vật lý theo chương trình tiên tiến của Trường ĐH Virginia, Hoa Kỳ, giảng dạy bằng tiếng Anh. Thí sinh phải qua kỳ kiểm tra trình độ tiếng Anh để xét tuyển.

Chương trình kĩ sư liên kết với Trường đại học kĩ sư Val de Loire (Cộng hoà Pháp), đào tạo 2 năm ở Việt Nam, 3 năm ở Pháp, Trường đại học kĩ sư Val de Loire cấp bằng.

Hai lớp trên sẽ chọn những thí sinh trúng tuyển vào đại học trên toàn quốc trong kỳ thi tuyển sinh 2013 các khối A, A1 theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT; có điểm thi cao và tự nguyện đăng ký xét tuyển.

17g, ban tư vấn chia tay các bạn HS Huế để lên đường vào với HS Đà Nẵng trong chương trình tư vấn sáng mai 10-3. Tuổi Trẻ Online cũng sẽ tường thuật chương trình này. Mời bạn đón xem.

Ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh tại Huế

- PGS TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế- PGSTS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM- PGS TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM- PGS TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM- TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên ĐHQG TP.HCM- TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN (ĐHQG TP.HCM)- TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Trường ĐHKHXHNV (ĐHQG TP.HCM)- Th.S Lâm Tường Thoại, ĐHQG TP.HCM- Th.S Lê Văn Hiển, Phó Phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM- TS Trần Thế Hoàng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM- Th.S Hứa Minh Tuấn, Trưởng Phòng Đào tại Trường ĐH Tài chính Marketing- TS Hoàng Hữu Hòa, Trưởng Ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế- Th.S Lê Phước Sơn, chuyên viên Ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế- PGS TS Nguyễn Trường An, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế.

PHAN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên