Từ tam giác mạch đến... “lễ hội cỏ voi”

VIỆT NGA 24/02/2016 19:02 GMT+7

TTCT- Bỗng một ngày hoa tam giác mạch “lên đời”. Nguồn cơn do mấy tấm ảnh “tự sướng” của dân “phượt” đưa tam giác mạch lên “phây”, ngợi ca nó bằng những lời có cánh.

Tranh: Võ Hiền
Tranh: Võ Hiền

 Tôi mê Hà Giang từ lâu lắm rồi! Bởi vậy năm nào tôi cũng lên Hà Giang một chuyến chỉ để ngắm núi, ngắm mây, ngắm một trời đá đứng đá ngồi lô nhô trên công viên địa chất toàn cầu ấy, ngắm hoa đào nở bên những căn nhà cổ, tường trình đất, mái ngói âm dương đẹp mê hoặc... Nhưng chưa khi nào tôi tâm niệm lên Hà Giang để ngắm hoa tam giác mạch!

Khổ thân hoa tam giác mạch

Đơn giản là vì hoa tam giác mạch, với tôi, không có gì đẹp. Nguồn gốc tam giác mạch không có gì kỳ bí, dẫu có cả một truyền thuyết khá hấp dẫn về loại cây này. Nó có tên khác là lúa mạch đen, mạch ba góc, sèo. Đây là loài cây “cứu đói” của bà con vùng cao.

Hà Giang được coi là “thủ phủ” của loài cây này đơn giản vì tam giác mạch không ưa nước, chỉ thích hợp với nơi đất cằn sỏi đá. Tam giác mạch được gieo vào cuối hạ, đầu thu, sau khi gặt lúa nương, ba tháng kể từ khi gieo thì cho thu hoạch nên cứ cuối thu là hoa đồng loạt nở.

Những hạt tam giác mạch đen đen được tách vỏ, xay lấy bột làm bánh, nấu rượu. Những mùa đông núi cao bớt lạnh dài và đói nhờ những vạt tam giác mạch thủy chung với đất đá cao nguyên.

Hoa tam giác mạch có ba màu chủ đạo: trắng, phơn phớt tím và phơn phớt hồng. Trên bốn huyện cao nguyên đá Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, chỉ Yên Minh có vẻ còn nhiều đất đai, ba huyện kia rặt thấy đá và đá, nghĩa là diện tích trồng tam giác mạch không nhiều. Mỗi cây ngô có thể sống trong một hõm đá có lấp chút đất, chứ tam giác mạch phải gieo xuống một vạt đất.

Bỗng một ngày hoa tam giác mạch “lên đời”. Nguồn cơn do mấy tấm ảnh “tự sướng” của dân “phượt” đưa tam giác mạch lên “phây”, ngợi ca nó bằng những lời có cánh.

Ngành du lịch Hà Giang cũng khéo nắm thời cơ, tổ chức ngay lễ hội hoa tam giác mạch hoành tráng. Lấy tam giác mạch làm điểm nhấn du lịch cũng tốt, là cơ hội quảng bá Hà Giang. Thế nhưng khổ thân tam giác mạch, vừa “lên đời” thì ngay lập tức đâm thân tàn ma dại!

Có may cho cỏ voi?

Tôi lên Hà Giang sau lễ hội đến hơn một tháng, vậy mà vẫn thấy xót xa khi nhìn những vạt tam giác mạch nát nhừ dưới gót giày du khách. Cuối năm lạnh đến thấu xương, ven đường thi thoảng gặp những tấm biển đề “điểm dừng chân chụp ảnh hoa tam giác mạch”.

Gần những tấm biển ấy, trước đó có lẽ là những vạt tam giác mạch hoa tím hồng ngời lên trong nắng. Nhưng sau lễ hội nó chỉ còn là những vạt đất trống loi thoi ít cây hoa sống được, gắng nở nốt những cánh run rẩy trắng. Những cây còn lại đã chết dập chết vùi. Một ngày không biết bao nhiêu lượt khách dừng chân chụp ảnh.

Mà khách du lịch Việt đã chụp ảnh hoa là phải lao ra giữa ruộng, đứng ngồi uốn éo sao cho xung quanh phải ngập lên những hoa là hoa mới bằng lòng. Có người nằm cả xuống hoa, người phi xe máy phân khối lớn ra giữa ruộng để chụp, kẻ chạy ra, người chạy vào rầm rập cả tháng trời. Mỏng manh thân thảo như tam giác mạch, chỉ nửa gót giày là tan.

Mười nghìn đồng một lần chụp ảnh nhưng tiền về đâu không biết, nhìn những ruộng tam giác mạch nát tươm mà đau lòng cho văn hóa. Một lễ hội hoa tam giác mạch đã giết bao nhiêu hoa tam giác mạch? Một cách tôn vinh éo le vô cùng.

Thế rồi để cho đúng “chất Hà Giang”, người ta gieo thật nhiều tam giác mạch vào các bồn hoa, chậu cảnh để khắp nơi, trước sân các trụ sở, trước cửa các ngôi nhà cổ làm du lịch.

Loài cây giản dị, khiêm nhường nơi ruộng xa, ven triền núi đá chỉ nở đẹp hồn nhiên trong ruộng của nó, tự dưng phải làm cây cảnh giữa phố.

Rồi sau vụ hoa chính, người ta hối hả trồng tiếp vụ nữa, tính toán rằng gần ba tháng sau sẽ lại có tam giác mạch, tiếp tục vẫy gọi khách du lịch lên Hà Giang, không cần biết cây nào cũng có mùa, có vụ. Tam giác mạch trái vụ như đứa trẻ suy dinh dưỡng, vài bông lơ thơ nhạt sắc tái mặt. Mà khách du lịch đã lại hối hả săn tuyết rơi ở Sa Pa, rình hoa đào, hoa mận, hoa cải ở Mộc Châu...

Giờ đã đi Hà Giang nhất định phải có vài tấm ảnh đạp lên ruộng tam giác mạch đang nở rộ mới là sành điệu. Khối người ti toe đã đi Hà Giang rồi nhưng chỉ mơ hồ hoa tam giác mạch màu trăng trắng, hồng hồng...

Không cần biết tại sao có tên gọi “công viên địa chất toàn cầu” cho bốn huyện vùng cao nguyên đá. Không cần biết dòng Nho Quế xanh veo dưới chân Mã Pí Lèng nơi đâu. Không cần biết có bao nhiêu chàng trai, cô gái đã vĩnh viễn nằm lại cung đường Hạnh Phúc từ những ngày đầu treo mình, phá đá làm đường, đưa ánh sáng về vùng cao nguyên đá.

Không cần biết bao nhiêu mồ hôi người dân đã đổ để có một vạt ruộng tam giác mạch nở hoa hấp dẫn nhường kia. Không cần biết có những học trò nghèo đạp đá sắc đến trường chỉ bằng những miếng bánh tam giác mạch nồng nồng ít ỏi...

Thật may, đến giờ chưa có “lễ hội cỏ voi” ở Hà Giang. Nếu không, trâu bò Hà Giang đến chết đói vì khách du lịch sẽ lại ùn ùn lên đạp nát những vạt cỏ voi xanh rười rượi. Tôi cứ thầm mong chớ có thêm bất cứ một loại lễ hội nào như với hoa tam giác mạch nữa. Cho cây cỏ còn đất mà sống chứ!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận