19/05/2021 09:57 GMT+7

Từ Mỹ trở về, ước mơ bóng rổ bị phá hỏng bởi... dịch bệnh

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TTO - Từ Mỹ trở về Việt Nam để ấp ủ ước mơ được trở thành cầu thủ ở Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) nhưng ước mơ của Nguyễn Tiến An đã bị phá hỏng bởi... dịch bệnh.

Từ Mỹ trở về, ước mơ bóng rổ bị phá hỏng bởi... dịch bệnh - Ảnh 1.

Tiến An tập luyện để hướng tới VBA - Ảnh: NV cung cấp

Đánh thức đam mê

Từ một cậu bé mê game với chiều cao khiêm tốn, An bỗng vụt cao đến 1,80m ở năm lớp 10. Điều này khiến An bén duyên cùng bóng rổ. Bước ngoặt của An là khi anh du học tại Mỹ. Hình ảnh các huyền thoại bóng rổ Michael Jordan, Kobe Bryant, LeBron James... càng thôi thúc An nuôi dưỡng ước mơ trở thành VĐV bóng rổ chuyên nghiệp.

Dù có nhiều rào cản để An thực hiện ước mơ như: chiều cao hơn 1,80m chỉ là "hạt tiêu" của bóng rổ Mỹ, không được đào tạo bài bản... nhưng An vẫn nuôi dưỡng đam mê và tự luyện tập.

Những lần mệt mỏi tưởng chừng sắp từ bỏ giấc mơ, An lại nhớ về thần tượng Kobe Bryant. "Mình thần tượng Kobe Bryant bởi tinh thần nỗ lực hơn người để vươn tầm siêu sao. Anh luôn đến sớm, về trễ để tập nhiều hơn người khác mỗi ngày. Qua thời gian dài, điều này sẽ làm nên cách biệt với những người khác" - An chia sẻ.

Tiến An mài giũa khả năng của mình tại LA Gym - cơ sở Gym có sân bóng rổ trong nhà. Nơi An đến cũng là quê hương của một vài cầu thủ NBA. Vì vậy, An có dịp cọ xát với họ trong những quãng thời gian nghỉ của mùa giải và cải thiện lối đánh của mình.

Đó là một chặng đường của sự nỗ lực bền bỉ. An kể: "Sau khi đi học và làm thêm, tối nào mình cũng ra Gym chơi bóng. Vì Seattle rất lạnh nên khi đi tập, mình phải trùm kín từ đầu đến chân đứng chờ xe buýt ngoài trời tuyết trắng lạnh giá.

Đến nơi thì phải ngồi 20 phút "rã đông" để người ấm lại. Nhiều khi đi sớm hơn vào 7-8h sáng để tập hoặc tối muộn đến khi hết người. Cứ đều đặn như vậy trong khoảng 9 năm từ khi qua Mỹ lúc là sinh viên đến khi đi làm có xe, chỗ ở gần hơn".

Từ Mỹ trở về, ước mơ bóng rổ bị phá hỏng bởi... dịch bệnh - Ảnh 2.

Tiến An tập luyện để hướng tới VBA - Ảnh: NV cung cấp

Ước mơ dang dở

Bền bỉ và nỗ lực như thế, An mong chờ một ngày âm thanh miết giày khi chạy và đập banh trên một sân bóng chuyên nghiệp của mình sẽ đến. Cuối cùng cơ hội cũng đến, trong một lần lướt Facebook, An biết về VBA và lễ tuyển chọn VĐV hằng năm. "Khi biết đến VBA, tôi tập luyện nhiều hơn và luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng thi đấu" - An nói.

Vì sao đến 29 tuổi mới về VN để dự tuyển VBA? An trải lòng: "Mình biết ở VN, cầu thủ bóng rổ chưa thực sự là một nghề nghiệp. Nên dù biết VBA được một thời gian nhưng mình vẫn ở lại Mỹ để chuẩn bị tài chính. Dù sẽ gặp khó khăn nhưng tôi sẽ duy trì công việc online để về VN chơi bóng rổ".

Tìm được chiếc vé trở về VN đã không dễ dàng, lại phải chịu cách ly nên An bỏ lỡ cơ hội thể hiện kỹ năng trước ban huấn luyện các đội trong ngày Draft Combine (sự kiện thu thập các chỉ số, dữ liệu của từng VĐV có tên trong danh sách tuyển chọn cầu thủ hằng năm). Tiếp đó, giải đấu khởi động mùa giải cho VBA 2021 bị hủy vì dịch bùng phát khiến An đành lỡ hẹn với VBA năm nay.

Để tiếp tục hành trình "giữ lửa" với bóng rổ, An cho biết: "VBA là một cơ hội cho những VĐV như tôi thực hiện ước mơ thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp. Vì vậy, tôi sẽ ở lại VN tập luyện và tham gia các giải phong trào để chuẩn bị cho mùa giải VBA 2022".

Sự trỗi dậy của “Rồng sông Hàn” Nguyễn Hoàng Tuấn Sự trỗi dậy của “Rồng sông Hàn” Nguyễn Hoàng Tuấn

TTO - Từ một tài năng trẻ đầy hứa hẹn, Nguyễn Hoàng Tuấn (đội Danang Dragons) bỗng mất hai năm làm bạn với băng bột, nạng gỗ và một “vết sẹo” tinh thần cực lớn. Nhưng đam mê lớn đã giúp Tuấn vượt qua tất cả để vụt sáng trở lại.

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên