21/05/2020 11:55 GMT+7

Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim - Kỳ 6: Đi tìm một phần máu thịt của Tổ quốc

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Đi tìm kỷ vật, tư liệu Hoàng Sa là biết bao câu chuyện thổn thức lòng người Việt, giống như đi tìm một phần máu thịt không thể chia lìa của Tổ quốc...

Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim - Kỳ 6: Đi tìm một phần máu thịt của Tổ quốc - Ảnh 1.

Cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa kiểm kê, bảo quản các tư liệu Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

Nhà trưng bày Hoàng Sa được khánh thành, rất nhiều người dân đã góp hiện vật, tài liệu. Nhiều người như hiến tới "hơi thở, máu thịt" của mình cho Hoàng Sa.

TS Lê Tiến Công

Có một "Nhà trưng bày" trong máu thịt người Việt

Sau bao vọng ước của hàng triệu người Việt, một không gian chứng tích quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng đã được dựng lên bên bờ Biển Đông. Từ đó mỗi ngày, những con tàu của ngư dân vẫn hướng mũi ra ngư trường Hoàng Sa như hình tượng bất diệt về chủ quyền.

Khi câu chuyện Hoàng Sa được nhắc nhớ, hàng ngàn tài liệu khắp trong nước lẫn thế giới được gửi về để làm dày thêm mỗi ngày cho chủ quyền Tổ quốc. Để đưa ra công chúng, những cán bộ làm công tác tiếp nhận đã dành thời gian chắt lọc, phân loại bằng tất cả tình cảm thiêng liêng. Không dừng lại ở đây, họ cũng tổ chức những chuyến tìm kiếm khắp mọi nơi.

Một buổi sáng của ngày mới, việc đầu tiên khi mở cửa Nhà trưng bày Hoàng Sa là kiểm kê, lau dọn lại các tài liệu được trưng bày lẫn nằm trong kho. Trên những phòng trưng bày tươm tất, những chiếc màn hình chiếu các thước phim lịch sử ghi lại hình ảnh ngư dân miền Trung kiên cường vươn khơi bám biển luôn gây xúc động cho người xem. Kế đó, đằng sau những tấm kính dày, những tư liệu cổ từ hàng trăm năm trước được sao chụp, chưng lên như bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Tới nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã là một địa chỉ thiêng liêng, một điểm dừng chân của khách du lịch và người tới Đà Nẵng. TS Lê Tiến Công, phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, kể rằng ông là thế hệ "hậu sinh" được tiếp nhận công việc tại nhà trưng bày sau thời điểm phát động quyên góp hiện vật vào năm 2016, nhưng ông luôn ấn tượng đặc biệt với câu chuyện Hoàng Sa. Và năm 2018, khi không gian trưng bày được ra mắt công chúng, chính ông cũng được gợi ý mời về làm việc với tình cảm đặc biệt của những người luôn hướng về Tổ quốc.

"Tất cả anh em chúng tôi mỗi ngày đến nhà trưng bày đều cảm thấy công việc của mình thật đặc biệt. Hơn cả một chỗ làm, chúng tôi đang thay mặt mọi người coi giữ những vật chứng thiêng liêng, những tấm lòng của mọi người hướng về Hoàng Sa" - ông Công tâm sự.

Ông Công mở kho lưu trữ, đưa cho chúng tôi những mẩu tài liệu đã úa màu thời gian, những bức thư nhòe nét được viết bằng nước mắt của người dân khắp nơi gửi về. Trong số những tài liệu này, có những trang giấy, bản đồ được ghi rõ thời gian gửi vào những năm 2010-2011. Tất cả đều hiện lên trong rưng rưng.

"Thư viện, bảo tàng hay không gian trưng bày là nơi thể hiện ước nguyện của mỗi người về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng tôi nghĩ rằng trong sâu thẳm mỗi người Việt, muối mặn của Hoàng Sa đã đi vào thịt máu, trong tiềm thức, trí nhớ, trong từng miếng ăn, giấc ngủ. Cho nên khi có không gian tái hiện, nhiều người không tiếc công sức, tiền của để sưu tầm và tìm tới hiến tặng những tư liệu quý. Xúc động nhất là mỗi lần nhận được thư của người dân cả nước gửi về, có những bức thư mà đọc lên chúng tôi thấy dường như nét mực đã nhòa dưới hàng nước mắt" - ông Công nói.

Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim - Kỳ 6: Đi tìm một phần máu thịt của Tổ quốc - Ảnh 3.

Một góc trưng bày bằng chứng, tư liệu chủ quyền tại Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh B.D.

Miệt mài đi tìm mảnh ghép cho Hoàng Sa

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng cho biết ngoài việc kêu gọi nguồn hiến tặng từ xã hội thì nhiều năm qua địa phương này cũng chủ động tìm kiếm, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền ra để mua hiện vật. Một trong các địa chỉ được tập trung khai thác, trích xuất tài liệu chính là các thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia đóng tại thủ đô Hà Nội.

TS Lê Tiến Công nói rằng ông vẫn ấn tượng mãi với chuyến đi ra Hà Nội gặp chủ nhân một bộ tài liệu quý. Đó là người đàn ông lớn tuổi có học vấn sâu, say mê sưu tầm các tài liệu quý. Trong chuyến ra Hà Nội công tác năm 2018, Chánh VP UBND huyện Hoàng Sa Lê Phú Nguyện nhắn gửi TS Công rằng có một người đang rất muốn cung cấp bộ tư liệu quý về Hoàng Sa, nếu có thể TS Công hãy tới tìm gặp người đó

Một buổi chiều, sau cuộc điện thoại để hỏi đường thì TS Công đã tìm được nơi ở của người đang giữ bộ tư liệu quý đó. Ông ta bày tỏ sự sẵn lòng chuyển giao toàn bộ những gì ông đang lưu giữ. Đó là một bộ sưu tập các bức thư trao đổi giữa các cha bề trên với các giáo sĩ chủ chăn trong những năm truyền đạo - được xuất bản tại Paris năm 1843. Đặc biệt trong một trang thư mà cha Du Tartre gửi cho bề trên của mình, cha Du Tartre có dẫn giải dưới chân thư rằng "Quần đảo Hoàng Sa thuộc Vương quốc An Nam".

Sau chuyến gặp gỡ lần đầu tiên đó, mấy hôm sau Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức đoàn quay ngược ra Hà Nội. Chủ bộ tài liệu quý này nói rằng vì ông đã bỏ một số tiền quá lớn và mất quá lâu để lưu trữ tài liệu quý, nên nếu chuyển giao thì phía Nhà nước cần có một khoản hỗ trợ. "Ông ấy nói rằng mấy mươi năm giữ bộ tài liệu trong nhà cũng ăn ngủ không yên, sợ rằng tự chuốc lấy phiền lụy, tai họa cho chính mình... Nay vì Hoàng Sa, ông sẵn lòng nhưng cần có sự hỗ trợ tài chính dù chỉ là một khoản bù đắp nhỏ" - ông Công nói.

Ở Nhà trưng bày Hoàng Sa, dường như tất cả số điện thoại của cán bộ nhân viên đã được gửi đi và biến thành "đường dây nóng" để tiếp nhận các thông tin về hiện vật. Mỗi nhân viên ngoài công việc thường ngày còn có trách nhiệm mở rộng tìm kiếm, dò tìm các mẩu thông tin người cung cấp tài liệu cho Hoàng Sa.

Mới đây, từ một thông tin trên một tờ báo địa phương, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã xác minh và trực tiếp thu thập được gần 400 trang tài liệu quý từ một dòng họ ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) nhiều đời bám biển tại Hoàng Sa để đưa về phục vụ trưng bày. TS Lê Tiến Công cho biết tài liệu sau khi được đưa về sẽ được thẩm định sơ bộ, các tài liệu cổ và các bản đồ thời Pháp nếu quá phức tạp sẽ được thành lập hội đồng thẩm định. Điều rất xúc động là huyện Hoàng Sa luôn nhận được sự cộng tác, sẵn sàng chia sẻ thông tin, tư vấn từ các học giả, trí thức.

Luôn cảnh giác

Nhà trưng bày Hoàng Sa được khánh thành năm 2018 với mục tiêu cao nhất là công bố trước công luận các bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Các cán bộ làm nhiệm vụ ở đây cho biết có những thời điểm luôn trong trạng thái căng thẳng, nhiều đối tượng tới quấy phá, livestream phát trên mạng xã hội xuyên tạc nỗ lực của Việt Nam. "Lúc mới khánh thành hay thỉnh thoảng vào các dịp 19-1, có một số đối tượng tới la hét, quay phim, tự thuyết minh sai lệch tư liệu có trong nhà trưng bày rồi phát lên mạng. Những lúc đó chúng tôi luôn được lực lượng an ninh, chính quyền địa phương hỗ trợ. Nay thì mọi thứ đã ổn định" - TS Lê Tiến Công nói.

Ông Công cũng cho biết vì tính chân xác, khoa học và đặc biệt "nhạy cảm" nên đội ngũ Nhà trưng bày Hoàng Sa luôn tập trung cao độ và sàng lọc rất kỹ tài liệu trước khi lưu kho, đưa ra trưng bày. "Có nhiều tài liệu chứa thông tin xuyên tạc về chủ quyền và thậm chí cả bản đồ đường lưỡi bò, những bản đồ không có Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi luôn cảnh giác và nghiêm túc chọn lọc, tiếp nhận" - ông Công nói.

Nhiều cựu binh Hoàng Sa đã xúc động tái hiện những gì mình chứng kiến trong từng trang hồi ký, từng mẩu giấy viết tay. Và tất cả được gửi gắm vào cuốn kỷ yếu thiêng liêng của Tổ quốc...

Kỳ tới: Phía sau cuốn kỷ yếu thiêng liêng

Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim - Kỳ 5: Kỷ vật người chồng tử sĩ ở Hoàng Sa Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim - Kỳ 5: Kỷ vật người chồng tử sĩ ở Hoàng Sa

TTO - 46 năm trôi qua, kể từ ngày bi tráng Hoàng Sa thất thủ 19-1-1974 đến nay, bà quả phụ Nguyễn Thị Lựa ở Thới Thạnh (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) vẫn còn gìn giữ vẹn nguyên những kỷ vật của chồng.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên