10/02/2017 11:00 GMT+7

Từ đồi cát Mũi Né đến núi tuyết Nhật Bản

HUY ĐĂNG, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
HUY ĐĂNG, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN

TT - Không có điều kiện như những quốc gia xứ lạnh, các VĐV VN tham dự Á vận hội mùa đông 2017 sắp diễn ra ở Nhật Bản phải tập luyện trên khu vực đồi cát ở Mũi Né (Bình Thuận) để mô phỏng những ngọn núi tuyết.

Các VĐV tập  trên đồi cát ở Mũi Né thay cho tuyết. Ảnh: T.Q
Các VĐV tập trên đồi cát ở Mũi Né thay cho tuyết. Ảnh: T.Q

Ngày 13-2, nhóm 6 VĐV này sẽ sang Nhật Bản để chuẩn bị cho đại hội thể thao mùa đông sớm hơn 6 ngày so với lễ khai mạc. Đó cũng là khoảng thời gian quan trọng để các VĐV làm quen với môi trường thi đấu.

Lần đầu thấy tuyết

Đây có lẽ là lần đầu trong lịch sử, thể thao VN tham dự một giải đấu mà các VĐV hầu như chưa từng được tiếp xúc qua điều kiện thi đấu. Việc một quốc gia không có tuyết như VN tham dự Á vận hội mùa đông quả là chuyện lạ lùng, càng đặc biệt hơn khi 3 môn thể thao mà đoàn tranh tài đều là các môn trượt tuyết (trượt tuyết băng đồng, trượt tuyết ván đơn và trượt tuyết ván đôi).

Nguyễn Thái Bình - VĐV sẽ tham dự môn trượt tuyết ván đơn - thừa nhận anh chưa một lần đặt chân sang các quốc gia xứ lạnh nên thi đấu trên tuyết càng là điều xa vời hơn nữa. Kinh nghiệm tham dự giải của chàng hướng dẫn viên môn lướt sóng tại bãi biển Phan Thiết này chỉ là 3 lần đến tập luyện trên khu vực đồi cát Mũi Né với mỗi đợt tập cũng chỉ trong vỏn vẹn một tuần.

“Kể từ lúc thành lập đội đến nay, nhóm chúng tôi ra đồi cát tập luyện được ba lần, vào tháng 8, 10 và 12-2016. Tập trên cát động tác, kỹ thuật cũng giống như tập trên tuyết, khác biệt lớn nhất là tốc độ bởi trên cát chỉ có thể trượt với tốc độ tầm 30-40km/h còn trên tuyết thì lên đến 70-80km/h. Nhưng tôi cũng không e ngại gì bởi trước đây tôi thường chơi môn trượt ván đổ đèo, nhiều lúc đạt tốc độ đến 100km/h” - anh Bình nói.

Trượt trên cát khó khăn hơn, nhưng cũng an toàn hơn so với trượt trên tuyết. Ảnh: T.Q
Trượt trên cát khó khăn hơn, nhưng cũng an toàn hơn so với trượt trên tuyết. Ảnh: T.Q

Cũng giống như Nguyễn Thái Bình, 5 VĐV còn lại trong đội đều là dân nghiệp dư. Tất cả đều là những chàng trai trẻ có đam mê với các môn lướt ván, trượt patin. Người đã đứng ra thành lập đội là anh Lê Quân, một người chơi patin nhiều kinh nghiệm ở TP.HCM.

Từng nhiều lần đứng ra tổ chức các giải thể thao mạo hiểm ở TP.HCM, anh Quân được ông Mai Bá Hùng - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM - đề nghị làm HLV cho đội. Và như vậy, 6 VĐV với kinh nghiệm dày dạn, từng giành các giải thưởng cao trong những cuộc thi trượt patin, lướt ván được anh Quân chọn ra. Nhưng trượt patin trên đường phố là một chuyện, đến với những ngọn núi tuyết cao hàng trăm mét ở Sapporo, Nhật Bản lại là chuyện khác.

Anh Quân nhận định: “Chúng tôi chọn các VĐV từ môn trượt ván, patin vì những môn thể thao này cũng tương tự như trượt tuyết. Các VĐV cũng có sẵn tinh thần ưa thích tốc độ, sự mạo hiểm. Dù vậy trên đồi cát, do mặt cát lún nên chỉ có thể trượt chậm, té cũng không đau. Còn ở núi tuyết, mặt tuyết được nén chặt, tốc độ trượt lại cao nên những chấn thương chắc chắn sẽ rình rập nhiều hơn”. Trong buổi họp mặt, các lãnh đạo thể thao VN cũng đưa ra lời dặn dò “an toàn là trên hết” dành cho các VĐV.

Giấc mơ mạo hiểm

Dù vậy, hầu hết các VĐV đều không e ngại. Thay vào đó, họ tỏ ra rất háo hức trước những thách thức, sự mạo hiểm mà mình sắp phải đối mặt.

Thách thức lớn hơn ở Nhật Bản đang chờ đợi những VĐV VN. Ảnh: T.Q
Thách thức lớn hơn ở Nhật Bản đang chờ đợi những VĐV VN. Ảnh: T.Q

 

Nguyễn Văn An, người sẽ thi đấu môn trượt tuyết ván đôi, cho biết: “Chúng tôi chơi các môn trượt ván, patin vì yêu thích sự mạo hiểm, nên càng có nhiều thách thức chúng tôi càng thích. Vả lại, đây cũng không phải là lần đầu tôi thi đấu vì màu cờ sắc áo VN. Nếu có e ngại, tôi chỉ sợ nhất là thời tiết quá lạnh”. Trước đây, An từng tham dự SEA Games 2011 tại Indonesia với môn trượt patin.

Trong số 6 VĐV dự giải, Nguyễn Đức Mạnh và Phạm Tiến Đạt là hai người từng có kinh nghiệm trượt tuyết thông qua chương trình Dream Programme của tỉnh Pyeongchang, Hàn Quốc. Nhằm chuẩn bị cho kỳ Olympic mùa đông 2018, quốc gia đăng cai này đã soạn thảo một chương trình giúp đỡ các nước ở vùng nhiệt đới có điều kiện tập luyện những môn thể thao mùa đông. Từ đây, mỗi năm sẽ có 4-5 VĐV VN được phía Hàn Quốc đài thọ sang đây tập luyện.

Trẻ trung, năng động, yêu thích sự mạo hiểm, các VĐV của đoàn VN lần đầu tiên trong lịch sử tham dự một đại hội thể thao mùa đông đã sẵn sàng đặt chân đến Nhật Bản với tâm trạng đầy háo hức như thế.

Không chỉ mình VN “lạ nước lạ cái”

Á vận hội mùa đông 2017 sẽ diễn ra tại thành phố Sapporo và Obihiro từ ngày 19 đến 26-2, với sự tham dự của các VĐV đến từ 31 quốc gia tranh tài ở 5 môn thể thao chính (11 phân môn thi đấu, 64 bộ huy chương). Ngoài VN còn có khá nhiều quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới, không có tuyết nhưng vẫn tham dự giải như Thái Lan, Malaysia, Singapore...

Đây là kỳ Á vận hội mùa đông thứ 8 trong lịch sử và cũng là lần thứ 4 được Nhật Bản đăng cai.

HUY ĐĂNG, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên