12/01/2014 10:00 GMT+7

Từ "đất đỏ" đến "viên ngọc quý"

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Đứng ở vườn nhà Tư Khởi, anh Sáu Kịch đưa tay chỉ lên ngọn mấy cây dừa quanh nhà rồi đố tôi: “Đố chú biết vì sao mấy cây dừa này lại cao mà gầy nhỏ hơn mấy cây dừa ở ngoài bìa vườn kia?”.

Tất nhiên là tôi không thể nào giải thích được. Anh Sáu Kịch cười: “Hồi đó tiếng là chở lá, chở đinh ra làm nhà nhưng lá đâu có đủ. Lá lợp nhà, còn vách che gió che mưa phải nhờ tới mấy cây dừa này. Cứ leo lên mấy cây dừa gần chỗ dựng nhà chặt hết tàu này đến tàu khác, chặt lên tới đọt. Cây dừa nào lấy nhiều lá thì còi cọc, nhưng bà con cũng không dám chặt nhiều lá...”.

VCefM13w.jpgPhóng to
Bãi biển tuyệt đẹp ở hòn Từ thuộc xã đảo Thổ Châu - Ảnh: L.Đ.D.

Ngôi đền tưởng niệm

Thật tình bây giờ những ngôi nhà ở Thổ Chu vẫn chưa có nhà nào nguy nga tráng lệ. Nhưng nếu hình dung như những gì Sáu Kịch kể với những túp lều che chắn bằng lá dừa ngày ấy thì những ngôi nhà sum vầy trên bãi Ngự này còn hơn cả một giấc mơ.

Đấy là chưa nói do đặc điểm của hai mùa gió, dân đảo đều có hai nhà, một nhà chính ở bãi Ngự để trú ngụ từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Tầm tháng 5 đến tháng 9 mùa gió tây nam, dân ở bãi Ngự lại chuyển qua bãi Dong, cứ thế xoay vòng năm này sang năm khác.

Và cho dù nhà cửa của dân chưa bề thế, khang trang nhưng công trình đẹp nhất trên đảo Thổ Chu hôm nay có lẽ là đền thờ những người dân bị thảm sát năm nào và các liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến giải phóng Thổ Chu, đánh đuổi quân Khmer Đỏ.

Người xưa có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”, dù chưa “phú quý” nhưng dân đảo Thổ Chu vẫn dành riêng vị trí trung tâm của đảo để dựng lên ngôi đền thờ khang trang, mái lợp ngói đỏ au ẩn dưới rặng dừa xanh được khánh thành cùng với dịp kỷ niệm 20 năm thành lập xã đảo như một nơi náu nương cho linh hồn những người dân vô tội bơ vơ, trôi dạt bao năm giữa biển trời xứ người.

Chúng tôi đến đốt nhang ở ngôi đền tưởng niệm. Ngôi đền ba gian, gian giữa thờ Tổ quốc và Bác Hồ. Bức hoành phi treo chính giữa khắc đậm câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, bên tả đặt bát nhang thờ 513 người dân bị thảm sát, bên hữu là nơi thờ các liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến giải phóng đảo hồi tháng 5-1975. Thay vì đôi câu đối treo ở hai bên gian chính là một lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chiến sĩ Vệ quốc đoàn năm xưa: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Giữa chốn tiền tiêu xa hút cực tây nam Tổ quốc, câu nói giản dị mà sâu sắc ấy đã được hiện thực hóa bằng bao nhiêu đời lính, đời dân, can trường trước bão dông gìn giữ chủ quyền đất Việt giữa trùng khơi. Cụ thể hóa trong những bát nhang tưởng niệm trong ngôi đền thờ tri ân vừa được dựng. Thổ Chu, để có ngày hôm nay, rất nhiều máu đã đổ xuống!

vHXvZ38X.jpgPhóng to
Nhân dân Thổ Chu đón khách từ đất liền ra dự kỷ niệm 20 năm thành lập xã đảo - Ảnh: Nguyễn Triều

Viên ngọc giữa biển trời

Cuộc làm việc sau đó ở UBND xã, anh Nguyễn Trường Vũ, bí thư xã đảo, tóm tắt với chúng tôi một vài thông tin về Thổ Chu hôm nay.

Rất thú vị là những con số thống kê từ dân số, diện tích, giáo dục, y tế, sản lượng nông nghiệp - thủy sản - dịch vụ, bình quân thu nhập... của cả xã đều được công khai ngay trên tấm bảng mica trắng với những dòng chữ số rõ ràng. Nhưng tâm tư của người dân Thổ Chu lại không nằm trên những con số đó.

Bí thư Vũ nói: “Mơ ước lớn nhất của người dân Thổ Chu bây giờ là điện và đò”.

Khi chúng tôi theo tàu HQ637 của Hải quân vùng 5 ra đây, con tàu cũng có nhiệm vụ là chở dầu để chạy máy phát điện cho cả đảo.

Anh Vũ cho biết điện chạy máy nổ chỉ phục vụ mỗi ngày hai lần, buổi sáng máy phát từ 7g30 - 15g30, tối phát từ 17g - 23g, mà cũng có khi máy móc hỏng hóc, có khi biển động dầu không đưa từ bờ ra kịp!

Nhưng ước mơ về chuyện điện của Thổ Chu có lẽ là chuyện dài lâu, bởi Phú Quốc gần đất liền đến thế mà mãi đến tết này (2014), nghĩa là gần 40 năm trôi qua từ ngày giải phóng - người dân mới được xài điện lưới.

Thổ Chu xa lắc xa lơ như vậy làm sao có thể kéo cáp điện ngầm xuyên biển được? Nên chuyện điện cho Thổ Chu không thể ngày một ngày hai. Dù chạy bằng dầu diesel, giá bán điện ở đây chỉ ở mức trung bình, không thể bán cao hơn.

Điện kinh doanh bán với giá 9.000 đồng/kWh nhưng các hộ nghèo chỉ bán 2.200 đồng/kWh, trung bình chỉ 3.500 đồng/kWh vì vậy Nhà nước phải bù lỗ. Như năm 2012 bù cho giá điện đã 4,2 tỉ đồng.

Nói chuyện bù lỗ cho giá điện, bí thư Nguyễn Trường Vũ cũng nói thêm Nhà nước đang bù lỗ cho Thổ Chu thêm chuyện tàu đò.

Tàu đò từ Phú Quốc ra Thổ Chu chạy năm ngày một chuyến, có công việc khẩn đến mấy cũng chịu khó chờ... năm ngày! Sở dĩ tàu phải chạy năm ngày một chuyến vì tàu hiện nay chạy “bao cấp” cho dân đảo, chạy năm ngày/chuyến.

Nhà nước đã bù lỗ 3 tỉ đồng/năm rồi, nếu chạy ba ngày/chuyến thì tiền bù lỗ phải lên 6 tỉ đồng/năm (trong khi dân số toàn xã là 1.698 nhân khẩu mà có đến hơn một nửa là dân tạm trú, vậy thì với 6 tỉ đồng chia cho 800 dân thường trú, mỗi năm bình quân mỗi người dân đảo đã có được 7,5 triệu).

Đi lại quan san cách trở vậy nên ảnh hưởng rất lớn đến chuyện học hành. Trên đảo trường học chỉ tới cấp II, muốn học cấp III phải vào Phú Quốc trọ học. Mà nuôi một đứa con trọ học cấp III ở Phú Quốc, chi phí tiền ăn khoảng 2 triệu đồng/tháng, tiền trọ chừng 600.000 đồng/học sinh, thành ra học sinh Thổ Chu xong cấp II có đến 50% nghỉ học theo cha mẹ làm nghề, đi biển, chế biến mực.

Có lẽ niềm vui ấm áp nhất là cái tin cách hôm chúng tôi ra đảo chừng một tháng, bệnh xá đảo Thổ Chu đã đỡ được một ca sinh mổ mẹ tròn con vuông.

Cái điều đơn giản ở đất liền ấy, tại đảo xa này xứng đáng được coi như một thành tựu. Và hình ảnh ấn tượng nhất của Thổ Chu về kinh tế là trên thềm biển quanh đảo đang mọc lên ngày càng nhiều bè nuôi cá có giá trị kinh tế.

Nhiều hộ như hộ ông Ba Tài có hơn chục lồng nuôi cá bớp. Để đầu tư một lồng nuôi như thế chi phí không dưới 100 triệu đồng/ bè.

Khi ngồi trên ôtô chạy trên con đường cơ động xuyên đảo Thổ Chu, con đường bêtông chỉ mới hoàn thành hơn 80% với tổng kinh phí đầu tư 102 tỉ đồng. Ngoài ý nghĩa phòng thủ, an ninh quốc phòng, đây cũng là tuyến đường hấp dẫn cho những ai thích du lịch khám phá.

Và thật lòng sau những ngày rong ruổi ở Thổ Chu, chúng tôi đều nghĩ tương lai của Thổ Chu không nằm ở nguồn lợi thủy sản, những lồng bè cá bớp hay làm dịch vụ cho hàng vạn lượt tàu ghé đảo mỗi năm mà chính là du lịch.

Đêm trước khi kết thúc chuyến hành trình, trong thành viên của đoàn chúng tôi có nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vốn là người tinh thông chữ nghĩa.

Giữa biển trời Tây Nam, trăng sáng và gió lộng, tôi băn khoăn với Phạm tiên sinh rằng chữ “chu” trong Thổ Chu có nghĩa là đỏ, chỉ màu đất đỏ, nhưng có thể hiểu chữ “chu-châu” này có nghĩa là “châu ngọc” được chăng?

Ông Phạm Hoàng Quân cười: “Không được, “chu” chỉ có thể là sắc đỏ!”. Đúng là như thế, nhưng tôi vẫn cứ tin rằng “châu” ở Thổ Châu phải là châu ngọc. Một viên ngọc bích đẹp rạng rỡ nơi cuối trời Tổ quốc.

Thổ Chu, ngoài đảo lớn trung tâm còn hệ thống các “hòn” vệ tinh mà mỗi hòn đảo nhỏ ấy đều chất chứa riêng sự quyến rũ hấp dẫn. Như hòn Nhạn, hòn đảo rộng chỉ 2.000m2 nhưng đây là thiên đường của chim nhạn về đẻ trứng. Với ai khám phá những vị trí địa lý đặc biệt thì hòn Nhạn chính là điểm A1 trên đường cơ sở của VN. Hay hòn Từ cũng nằm cạnh Thổ Chu, dù chỉ rộng một cây số vuông nhưng nếu mai này, như nhiều đảo quân sự khác được dân sự hóa, hẳn hòn Từ xứng đáng để đầu tư xây dựng trở thành một resort giữa biển đẳng cấp bởi những bãi tắm nguyên sơ, sạch bong và đẹp đến sững sờ!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Thổ Chu - ký ức đau thươngKỳ 2:Trong tay Khmer Đỏ|Kỳ 3: Những người đào thoátKỳ 4:Đây, chứng tích thảm sát Koh TangKỳ 5: Năm tháng không quên...

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên