10/05/2021 14:18 GMT+7

Từ 3 ca COVID-19 trên tàu MS SUN: Ai chịu trách nhiệm giám sát người lên xuống tàu?

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
HOÀNG LỘC - THU HIẾN

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM đặt câu hỏi này cho đại diện Bộ đội biên phòng TP.HCM tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 ngày 10-5, sau việc phát hiện 3 thuyền viên dương tính trên tàu MS SUN đang neo tại bến phao Phước Long 5 (Nhà Bè).

Từ 3 ca COVID-19 trên tàu MS SUN: Ai chịu trách nhiệm giám sát người lên xuống tàu? - Ảnh 1.

Kiểm dịch y tế tàu Silver Spirit tại cảng Hiệp Phước ngày 21-2 - Ảnh: HCDC

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật HCDC (TP.HCM), Cảng vụ hàng hải và Bộ đội biên phòng TP.HCM qua công tác phối hợp kiểm tra các lực lượng ngày 4-5 đã xác định có 3 trường hợp dương tính với COVID-19 xuất phát từ tàu MS SUN đang neo tại bến phao Phước Long 5 (Nhà Bè). 

Đây là các trường hợp thuyền viên hết hạn hợp đồng được lên bờ cách ly theo diện nhập cảnh.

Cụ thể, sau xét nghiệm lần 1 có 1 kết quả dương tính (BN3008), tiếp tục xét nghiệm 18 thuyền viên trên tàu theo đối tượng F1, phát hiện 2 trường hợp dương tính nữa là BN3124 và BN3125, 16 thuyền viên còn lại và 74 người tiếp xúc với tàu trong quá trình vào bến, neo đậu, chuyển hàng... đều có kết quả âm tính. 

Hiện HCDC đang phối hợp với công an và biên phòng điều tra có hay không trường hợp tiếp xúc bất hợp pháp. 

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng ổ dịch trên tàu MD SUN hiện chưa phát hiện lây nhiễm ra cộng đồng nhưng với số lượng lớn người lên tàu làm việc với thuyền viên, (trong khi thuyền viên từ nước ngoài trở về không lên bờ nên không được xét nghiệm, người lên tàu do đặc thù công việc cũng không sử dụng được trang phục phòng hộ), nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là không nhỏ.

Ngoài ra, việc neo đậu nhiều ngày cũng là điều kiện thuận lợi cho việc xuống tàu và lên bờ bất hợp pháp, mang theo mầm bệnh xâm nhập cộng đồng.

Từ sự việc này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giả định nếu 1 thuyền viên có vấn đề thì những người làm việc chung đều là F1, và F1 nếu không quản lý mà về địa phương có rất nhiều F2. "Đừng nói kiểm tra sau 14 ngày âm tính là tự bằng lòng. Trong điều kiện mới không được phép hài lòng về âm tính mà phải tiếp tục theo dõi không sẽ trả giá đắt", ông Phong cảnh báo.

Ngoài thuyền viên, HCDC cảnh báo thêm hai đối tượng có nguy cơ cao nhất tại bến cảng hiện nay là hoa tiêu và nhân viên điều độ, những người có tiếp xúc gần với các thuyền viên để làm các thủ tục giao nhận.

Chủ tịch UBND TP.HCM tiếp tục chất vấn lãnh đạo Bộ đội biên phòng về việc kiểm soát lên xuống tàu. Đại diện Bộ đội biên phòng khá lúng túng, nói đơn vị chỉ kiểm tra trên danh sách người mà đại lý, chủ tàu cung cấp lên làm hàng, có địa chỉ, số CMND, số điện thoại.

"Tuy nhiên, có nhiều trường hợp gọi điện, theo danh sách địa chỉ nhưng không có, đó chính là lỗ hổng", vị đại diện này nói. Trong khi theo HCDC, hiện nay việc cho phép người trên bờ xuống tàu, người từ trên tàu lên bờ là do lực lượng Bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm thực hiện.

Ông Phong giao Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu làm việc với Bộ đội biên phòng, Cảng vụ hàng hải để xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể và có phương án giám sát bịt "lỗ hổng" này.

Chủ tịch TP cũng đề nghị tái lập các chốt kiểm soát, các tổ khai báo y tế cho người từ các cửa ngõ liên thông với TP như miền Tây, miền Đông vào TP. Các nhà ga, siêu thị, bến cảng cũng phải bố trí chốt kiểm soát khai báo y tế, kiểm tra thường xuyên.

Sở Y tế TP.HCM nhận diện 6 nguy cơ xâm nhập COVID-19, ra sức Sở Y tế TP.HCM nhận diện 6 nguy cơ xâm nhập COVID-19, ra sức 'bịt các lỗ hổng'

TTO - Chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM sáng 10-5, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói "rất lo lắng", đề nghị nêu cao tinh thần cảnh giác, không được phép lơ là...

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên