06/12/2022 09:03 GMT+7

Trường đại học Bách khoa chuyển thành Đại học Bách khoa: Có gì khác biệt?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Câu chuyện Trường đại học Bách khoa vừa được chuyển đổi thành Đại học Bách khoa đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo Luật giáo dục đại học, "đại học" và "trường đại học" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Trường đại học Bách khoa chuyển thành Đại học Bách khoa: Có gì khác biệt? - Ảnh 1.

Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: HUST

Thay đổi mô hình: trường đại học thành đại học

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là trường đại học đầu tiên chuyển từ "trường đại học" thành "đại học" sau khi Luật giáo dục đại học 2018 và nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực.

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường đại học Bách khoa Hà Nội…

Hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng của Trường đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hội đồng đại học, công nhận chủ tịch hội đồng đại học và công nhận giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đại học và trường đại học khác nhau ra sao?

Theo Luật giáo dục đại học 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật này.

Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Như vậy, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng. Điều này có thể hiểu, đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao gồm các trường đại học.

Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (mỗi lĩnh vực có nhiều ngành). Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số cơ sở giáo dục đại học khác.

Đại học quốc gia tự chủ cao hơn

Hiện nay, Việt Nam có hai đại học quốc gia, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM; ba đại học vùng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng; và một đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong đó, đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác.

Về hành chính, đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ. Khi cần thiết, giám đốc đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia.

Chủ tịch hội đồng đại học quốc gia và giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Như vậy quyền tự chủ cao hơn các đại học, trường đại học khác. Bên cạnh đó kinh phí cấp trực tiếp và cũng ít bị hạn chế hơn về thủ tục. Do vậy, hiện nay một số đại học vùng muốn trở thành đại học quốc gia hoặc hoạt động theo cơ chế đại học quốc gia.

Sẽ có thêm nhiều đại học

Hiện nay, nhiều trường đại học lớn đã và đang lên kế hoạch phát triển thành đại học đa ngành với nhiều trường thành viên để thay đổi mô hình quản trị.

Trường đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ. Tháng 10-2022, trường này đã thành lập bốn trường, gồm Trường Bách khoa, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Kinh tế và Trường Nông nghiệp (trên cơ sở khoa nông nghiệp). Đồng thời, trường cũng thành lập Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm; và thành lập Khoa giáo dục thể chất thuộc trường.

Tháng 5-2021, hội đồng trường Trường đại học Kinh tế TP.HCM đã thông qua đề án tái cấu trúc nhà trường thành đại học đa ngành với ba trường thành viên gồm Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế - Luật và Quản lý nhà nước, Trường Công nghệ và Thiết kế.

Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ cũng phát triển thành đại học đa ngành với các trường thành viên trên cơ sở nâng cấp các khoa hiện hữu gồm Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh, Trường Khoa học công nghệ.

Trường đại học Y dược TP.HCM và Trường đại học Y Hà Nội cũng đã có kế hoạch phát triển thành đại học với nhiều trường thành viên.

Điều kiện chuyển từ trường đại học lên đại học

Theo nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện:

- Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

- Có ít nhất ba trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

- Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Trường đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển lên mô hình đại học Trường đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển lên mô hình đại học

TTO - Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên