26/10/2022 10:21 GMT+7

Trước thềm Đại hội VFF khóa 9: Cần tranh cử văn minh, lá phiếu trách nhiệm

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Đại hội VFF khóa 9 (nhiệm kỳ 2022 - 2026) chuẩn bị diễn ra, bầu lên đội ngũ lãnh đạo bóng đá Việt Nam trong 4 năm tới.

Trước thềm Đại hội VFF khóa 9: Cần tranh cử văn minh, lá phiếu trách nhiệm - Ảnh 1.

Để nối tiếp chuỗi thành công cho bóng đá Việt Nam, Đại hội VFF khóa 9 cần những đề án tranh cử thể hiện trí tuệ cùng các lá phiếu trách nhiệm - Ảnh: VFF

Để bóng đá Việt Nam phát triển, cần lắm những ứng viên tranh cử trí tuệ, văn minh và lá phiếu trách nhiệm của những người tham gia bầu cử.

Đại hội VFF khóa 9 sẽ diễn ra vào ngày 6-11 tại Hà Nội. Hiện ông Trần Quốc Tuấn (quyền chủ tịch VFF khóa 8) là ứng viên duy nhất cho ghế chủ tịch VFF khóa 9. Có tám ứng viên tham gia ứng cử vào ba chiếc ghế phó chủ tịch là: chuyên môn, tài chính - tài trợ, truyền thông - đối ngoại. Ngoài ra, 25 thành viên khác sẽ tham gia ứng cử vào 13 chiếc ghế ủy viên ban chấp hành.

Ứng viên chưa công khai đề án tranh cử

Bóng đá Việt Nam đã trải qua tám kỳ đại hội. Trong đó, Đại hội VFF khóa 7 (nhiệm kỳ 2014 - 2018) là đại hội duy nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi có một doanh nhân trúng cử chức chủ tịch VFF - cố chủ tịch Lê Hùng Dũng (chủ tịch SJC, Eximbank).

Trước khi Đại hội VFF khóa 7 diễn ra khoảng một năm, thông tin về đại hội trên truyền thông đã "nóng rực" khi có hai ứng viên tham gia vào cuộc đua ghế chủ tịch VFF là ông Lê Hùng Dũng và ông Lê Khánh Hải (thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Trả lời Tuổi Trẻ lúc đó, ông Lê Hùng Dũng đã công khai bày tỏ quan điểm về việc muốn xây dựng đề án tranh cử và sẽ tranh cử công khai, sòng phẳng với ông Lê Khánh Hải.

Ông Dũng cho rằng việc các ứng viên như ông vận động hành lang trước thềm đại hội là việc bình thường. Hai ứng viên tranh luận, bày tỏ quan điểm, công khai đề án tranh cử trước dư luận và đại hội cũng phù hợp khi VFF là một tổ chức xã hội.

Dù vậy, ông Dũng có chủ trương không nói "cái xấu" của đối thủ, và nếu bất cứ cá nhân, tổ chức nào can thiệp vào việc bầu cử VFF thì ông sẽ xem xét lại việc tranh cử của mình.

Sau đó, ông Lê Khánh Hải đã rút lui, không tham gia ứng cử chủ tịch VFF khóa 7. Là ứng viên duy nhất ứng cử chức danh chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã trúng cử với sự tín nhiệm cao của đại hội.

Trước Đại hội VFF khóa 8 (2018 - 2022), một số ứng viên tham gia ứng cử vào vị trí phó chủ tịch VFF như các ông Lương Hoàng Hưng, Trần Văn Liêng, Nguyễn Hoài Nam cũng đã có đề án tranh cử công khai trước người hâm mộ.

Dù vậy, năm đó không có bất cứ ứng viên chủ tịch, phó chủ tịch nào được phát biểu. Đại biểu dự đại hội bỏ phiếu dựa trên hồ sơ ứng viên đã được in ra từ trước đó.

Tại Đại hội VFF khóa 9, đến lúc này cũng chưa có bất cứ ứng viên nào công khai việc có xây dựng đề án tranh cử và cương lĩnh hành động nếu trúng cử vào VFF. Dù vậy, trên báo chí và mạng xã hội những ngày qua đã có những cuộc "tấn công" bất ngờ vào ứng viên này ứng viên khác, gây hình ảnh tiêu cực cho bóng đá Việt Nam.

Đòi hỏi từ người hâm mộ ngày càng cao

Là ứng viên duy nhất cho chiếc ghế chủ tịch VFF khóa 9 nên ông Trần Quốc Tuấn không phải đua với ai mà chỉ đua với chính mình.

Trong vai trò phó chủ tịch chuyên môn và hiện là quyền chủ tịch VFF khóa 8, ông Tuấn góp công lớn trong thành tích lịch sử của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn từ 2018 - 2022.

Dù vậy, ông Tuấn trong vai trò chủ tịch VFF sẽ có gì tốt hơn, hiệu quả hơn trong vai trò phó chủ tịch chuyên môn là điều mà người hâm mộ và truyền thông đang chờ đợi.

Tại Đại hội VFF khóa 8 có đến 12 ứng viên tranh ba ghế phó chủ tịch. Con số này ở Đại hội VFF khóa 9 là tám ứng viên tranh ba ghế phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, tài chính và truyền thông.

Các ứng viên nên tham gia vận động tranh cử, công khai đề án trước thềm đại hội VFF.

Người hâm mộ rất mong được thấy cương lĩnh hành động của ứng viên để biết họ sẽ làm gì, làm thế nào để giúp bóng đá VN phát triển nếu trúng cử. Đây cũng là cơ sở để đại biểu tham dự đại hội có thể biết mình sẽ bỏ phiếu cho ai.

Có tối thiểu 74 tổ chức thành viên đủ tư cách được tham gia bầu cử tại Đại hội VFF khóa 9. Vì sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam, mỗi lá phiếu vì thế cũng cần phải thể hiện trách nhiệm trong việc chọn lựa những người xứng đáng nhất.

8 ứng viên tranh cử phó chủ tịch VFF khóa 9

Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn: Trần Anh Tú (chủ tịch HĐQT Công ty VPF), Dương Nghiệp Khôi (nguyên phó tổng thư ký VFF).

Phó chủ tịch phụ trách tài chính: Nguyễn Trung Kiên (tổng giám đốc Công ty cổ phần giải pháp truyền hình Thế hệ mới - Next Media), Lê Văn Thành (phó chủ tịch tài chính VFF khóa 8, chủ tịch HĐQT - tổng giám đốc Công ty cổ phần Động Lực).

Phó chủ tịch phụ trách truyền thông: Cao Văn Chóng (phó chủ tịch truyền thông VFF khóa 8, phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương), Nguyễn Quốc Hội (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T), Nguyễn Thị Hoàng Phương (phó tổng giám đốc VTVcab), Nguyễn Xuân Vũ (chủ tịch CLB bóng đá Phù Đổng).

Đại hội VFF: Ông Trần Quốc Tuấn nhận nhiều đề cử Đại hội VFF: Ông Trần Quốc Tuấn nhận nhiều đề cử

TTO - Trong 74 tổ chức thành viên thuộc VFF, mỗi đơn vị có quyền giới thiệu tối đa 17 người tham gia vào ban chấp hành khóa 9.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên