27/12/2021 09:19 GMT+7

Trực tiếp Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022: Học trò sâu sắc, chuyên gia bất ngờ

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Buổi tư vấn tuyển sinh kế tiếp của Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 với chủ đề 'Chọn ngành nào trong nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, nông lâm?' diễn ra tối mai (28-12), với sự tham gia của 7 khách mời.

Trực tiếp Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022: Học trò sâu sắc, chuyên gia bất ngờ - Ảnh 1.

Buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp trực tiếp trên các nền tảng của báo Tuổi Trẻ vào tối 21-12 thu hút hơn 15.000 người theo dõi - Ảnh chụp màn hình

Buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp trực tiếp trên các nền tảng của báo Tuổi Trẻ tối 21-12 rồi đã thu hút hơn 15.000 người tham gia, theo dõi. Trên 800 câu hỏi được gửi đến ban tư vấn, khiến chương trình phải kéo dài thêm hơn 30 phút để đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Ngoài việc số lượng người tham dự trực tiếp qua Zoom webinar cũng như qua các nền tảng của báo Tuổi Trẻ giữ ổn định từ đầu tới cuối chương trình, số lượng và chất lượng câu hỏi của phụ huynh, học sinh gửi tới các thành viên ban tư vấn cũng đạt mức kỷ lục. 

Sau buổi tư vấn, nhiều học sinh cho biết đã được giải tỏa băn khoăn, được khơi gợi đam mê và tự tin hơn trong việc chọn ngành nghề cho tương lai. Trong khi đó, các khách mời đều bày tỏ niềm vui khi có nhiều học sinh đặt câu hỏi chất lượng, quyết tâm lựa chọn ngành nghề, theo đuổi đam mê...

Nhiều bạn ở vùng xa nên khi kết nối với ban tư vấn đã gặp một số khó khăn, rớt mạng nhưng các bạn vẫn cố gắng kết nối để được đặt câu hỏi và nghe tư vấn. Đây là điều đáng trân trọng! Rõ ràng tất cả các bạn đều mong được giải đáp thông tin nhiều hơn và mong chờ ban tư vấn rất nhiều.

ThS NGUYỄN HẢI TRƯỜNG AN

Hạnh phúc được nghe tư vấn, được tỏ bày

Đó là tâm sự của bạn Trần Thị Thùy An (học sinh lớp 12 ở Kiên Giang) khi trao đổi trực tiếp với ban tư vấn trong chương trình tối 21-12. 

Thùy An cho biết đã chứng kiến nhiều học sinh bị trầm cảm vì việc học, nhiều người có những trắc trở nhưng không nói được mà cứ giữ trong lòng dẫn đến bệnh rối loạn lo âu. Do vậy, An quan tâm đến ngành tâm lý học, muốn được theo học ngành này để có thể tham vấn tâm lý, giúp đỡ mọi người. 

Tuy nhiên, dù đã tìm hiểu kỹ về ngành này nhưng bạn vẫn còn một số trăn trở cần giải đáp.

Sau khi được các thầy cô tư vấn, Thùy An đã tự tin và có thêm quyết tâm để theo đuổi ngành tâm lý học. "Em mong mọi người đang nghe tư vấn, trong đó có các phụ huynh, dù con mình chọn ngành gì đi chăng nữa cũng không nên áp đặt con chọn ngành theo ý mình" - An nói.

Rất nhiều học sinh khác cho biết đã theo dõi đủ 4 buổi trực tuyến tư vấn của báo Tuổi Trẻ vừa qua nhưng vẫn muốn tiếp tục nghe tư vấn nữa vì hiện còn nhiều băn khoăn, thắc mắc về thông tin thi cử cũng như chuyện chọn nghề. 

Bạn Châu Sóc Kin (học sinh ở An Giang) là một trong những học sinh đã tạo ấn tượng với các chuyên gia tư vấn. Trong buổi tư vấn nhóm ngành kinh tế Sóc Kin đã nhiệt tình đặt câu hỏi, rồi đến buổi tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội nam sinh này tiếp tục giơ tay để "đặt câu hỏi giùm bạn".

Còn bạn Hồng Diễm (học sinh ở Bến Tre) tâm sự: "Dù năm nay không được gặp trực tiếp các thầy cô, nhưng qua các buổi tư vấn trực tuyến này, em cảm thấy mình lớn hơn, tự tin hơn. Em hiểu được rằng điều quan trọng nhất trong việc chọn trường, chọn ngành là phải biết mình đang ở đâu, mình muốn trở thành người như thế nào, mình thích nghề gì".

Rất vui và ấn tượng

Chia sẻ trong buổi tư vấn trực tuyến tối 21-12, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nói: "Tôi đi tư vấn tuyển sinh hàng chục năm nay nhưng thật sự rất hiếm khi nghe được câu hỏi sâu và hay như các bạn học sinh đặt ra trong buổi tư vấn này. 

Mỗi câu hỏi đặt ra dường như các bạn đã tìm hiểu rất kỹ, suy nghĩ rõ về sự lựa chọn ngành học cho tương lai của mình. Ngay cả những ngành có rất ít thí sinh quan tâm như tôn giáo học, lịch sử... nhưng tôi thật sự rất mừng nhiều bạn thế hệ gen Z quan tâm lựa chọn những ngành này".

ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn - cũng cho biết dưới góc độ người tư vấn, cô rất vui khi thấy chương trình thu hút lượng học sinh và phụ huynh tham gia đông đảo. 

"Trong buổi tư vấn có rất nhiều câu hỏi học sinh đặt ra thể hiện việc tìm hiểu ngành nghề khá sâu sắc, khiến chúng tôi rất bất ngờ. Nhiều em có suy nghĩ chín chắn, lo lắng cho nghề nghiệp tương lai của mình bị ảnh hưởng thế nào sau dịch bệnh. 

Có lẽ đây là niềm vui kép vì trường chúng tôi chuyên đào tạo về ngành du lịch, trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề, nhưng buổi tư vấn vừa qua rất nhiều phụ huynh, thí sinh quan tâm đến ngành này khi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi hay. Đó là động lực rất lớn cho nhà trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay" - cô Xuân chia sẻ.

Là người tham gia đủ 4 buổi tư vấn vừa qua với vai trò chuyên gia tư vấn và MC của chương trình, ThS Nguyễn Hải Trường An - giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đánh giá chương trình tư vấn trực tuyến của báo Tuổi Trẻ có lượng người tham gia đông đảo nhất hiện nay. Số thí sinh giơ tay đặt câu hỏi chương trình sau luôn cao hơn nên đôi lúc dẫn đến quá tải.

"Thật sự tôi cảm thấy rất vui và ấn tượng với nhiều học sinh theo dõi xuyên suốt và đặt câu hỏi trực tiếp ở các buổi tư vấn... Riêng buổi tư vấn vào tối 21-12 có hơn 800 câu hỏi gửi về cho ban tư vấn, dù chương trình kéo dài thêm 30 phút nhưng ban tư vấn không đủ thời gian để giải đáp tất cả thắc mắc" - cô An cho biết.

Tư vấn tới hơn 23h

Ngay khi kết thúc chương trình tư vấn trực tuyến của báo Tuổi Trẻ, vẫn còn rất nhiều thí sinh kết nối với ban tư vấn qua Zalo từ phần đặt câu hỏi Q&A. Do đó, nhóm tư vấn của trường phải tiếp tục làm việc đến sau 23h để giải đáp thắc mắc, tư vấn cho thí sinh.

ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân

(hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn)

19h tối mai (28-12), tư vấn chọn ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm

Buổi tư vấn tuyển sinh kế tiếp của Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 với chủ đề "Chọn ngành nào trong nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, nông lâm?" diễn ra tối mai (28-12), với sự tham gia của 7 khách mời.

tvts chan trang 26-12 1(read-only)

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022, do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup, diễn ra trực tiếp trên nền tảng Zoom webinar, từ 19h đến 20h30 tối 28-12.

Đồng thời, chương trình được phát sóng trực tiếp trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) và fanpage Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ (https://www.facebook.com/TVTS.tuoitre) và kênh YouTube báo Tuổi Trẻ (https://www.youtube.com/c/TuoitreVn2015).

Tham gia buổi tư vấn này có 7 khách mời: PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM,

PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ThS Trần Hải Nam - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Quốc Hưng - trưởng khoa kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, TS Nguyễn Trùng Lập - trưởng khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Thái Bình Dương, ThS Nguyễn Hải Trường An - giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Trong buổi tư vấn này, các khách mời sẽ giúp học sinh yêu thích nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm... hiểu rõ hơn từng chuyên ngành, thông tin về cơ hội việc làm, cách chọn trường phù hợp và đưa ra những dự báo nhu cầu nhân lực, định hướng chọn nghề tương lai liên quan khối ngành này.

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022: Đẩy mạnh tư vấn trực tuyến Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022: Đẩy mạnh tư vấn trực tuyến

TTO - Các thành viên ban tư vấn của Tuổi Trẻ đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến quyết định chuyển hướng sang hình thức tư vấn trực tuyến, thời gian, hình thức tư vấn, loại hình tư vấn trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên