23/06/2020 09:17 GMT+7

Trụ sở hỏa xa cần được bảo tồn

D.N.HÀ ghi
D.N.HÀ ghi

TTO - Trong khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu nhiều lý do không thể chuyển giao tòa nhà Trụ sở hỏa xa ở số 136 đường Hàm Nghi (quận 1) cho UBND TP.HCM (Tuổi Trẻ ngày 22-6), các nhà chuyên môn có chung ý kiến muốn giữ lại tòa nhà này để bảo tồn.

Trụ sở hỏa xa cần được bảo tồn - Ảnh 1.

Trụ sở Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn tại 136 Hàm Nghi, P.Bến Thành, Q.1 hiện nay - Ảnh: TUYẾT KIỀU

* KTS Cao Thành Nghiệp:

Dấu ấn về sự phát triển của đường sắt

Ở Việt Nam, đường sắt có từ rất sớm so với các nước châu Á khác. Sài Gòn (nay là TP.HCM) là nơi có đường xe lửa đầu tiên ở Đông Dương chạy bằng hơi nước, khánh thành ngày 27-12-1881 (tramway Saigon - Cholon). Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành hỏa xa Việt Nam.

Ký ức duy nhất các ga xe lửa ở TP.HCM trước năm 1975 là tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương mạng phía Nam (Chemin de Fer de l’Indochine, CFI, réseau du Sud). Công trình nằm ngay bùng binh Quách Thị Trang, phía trước chợ Bến Thành (nay là tòa nhà 136 đường Hàm Nghi). 

Không mấy ai còn nhớ Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông - với hệ thống xe lửa và xe điện hoàn hảo đi các nơi trong khu vực thành phố, đây cũng là một biểu tượng di sản kiến trúc đô thị quý giá mà các thành phố khác ở châu Á khó có được.

Ngày nay giao thông xe lửa bắt đầu trở lại phổ biến, một thành phố lớn như TP.HCM phải có hệ thống xe lửa công cộng xứng đáng với tầm vóc của nó. Lợi ích về kinh tế của một hệ thống metro rất to lớn cho TP và cho một môi trường sống có chất lượng, ít ô nhiễm không khí và tiếng ồn. 

Song song với sự phát triển đầy ý nghĩa này, chúng ta cũng nên giữ lại những gì còn sót lại của Sài Gòn ngày xưa, giữ lại ký ức một giai đoạn phát triển trong lịch sử đường xe lửa ở khu vực phía Nam nói chung và của TP nói riêng.

Vì tòa nhà Trụ sở hỏa xa có ý nghĩa đặc biệt như vậy, việc bảo tồn, chống hư hại, biến dạng phải nghĩ đến trước tiên. Tuy ban đầu tòa nhà được xây dựng với công năng văn phòng, nhưng đã qua hơn 100 năm sử dụng, nếu không được trùng tu, bảo dưỡng sẽ khó giữ được những giá trị ban đầu. 

Vì vậy, ý định sử dụng tòa nhà làm bảo tàng cho ngành đường sắt, là nơi để du khách tham quan tìm hiểu về lịch sử phát triển của TP, đặc biệt lịch sử của ngành đường sắt, là hợp lý.

Theo tôi, UBND TP.HCM nên thương lượng để hoán đổi cho đơn vị đang sử dụng tòa nhà một vị trí khác phù hợp hơn với mục tiêu hoạt động của đơn vị này.

Trụ sở hỏa xa cần được bảo tồn - Ảnh 2.

Vị trí tòa nhà Trụ sở hỏa xa - Đồ họa: T.ĐẠT

Việc UBND TP muốn tiếp nhận công trình để bảo tồn, theo tôi, là một tín hiệu vui và cần được các cơ quan chức năng ở trung ương ủng hộ.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng

* KTS Nguyễn Ngọc Dũng:

Bảo tồn tòa nhà là phù hợp với công ước quốc tế

Một thời gian dài TP.HCM ít quan tâm đến công tác bảo tồn, khiến không ít công trình có giá trị về lịch sử kiến trúc đã mất đi hoặc biến dạng như chung cư Eden, thương xá Tax... Ngay trung tâm TP hiện tại có rất ít công trình để du khách tham quan, hiểu được lịch sử của TP.

TP.HCM hiện nay rất ít công trình mở cửa cho du khách tham quan tìm hiểu như Bưu điện TP. Những người Việt ở xa về, muốn thăm lại những nơi xưa thì chỉ đứng ngoài đường nhìn vô.

Tòa nhà Trụ sở hỏa xa về mặt kiến trúc là tòa nhà quá đẹp, đường nét kiến trúc được trau chuốt tỉ mỉ đến từng chi tiết, và đến giờ này vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Tôi mong nó sẽ trở thành nơi để du khách tìm hiểu lịch sử xây dựng TP và lịch sử ngành đường sắt: vì sao một đất nước ông nghiệp lại có hệ thống đường sắt phát triển sớm như vậy, người xưa đã xây dựng như thế nào.

Nếu để làm văn phòng làm việc thì nơi nào cũng được, không nhất thiết là làm việc trên một công trình cổ. Việc trước tiên là phải trùng tu và giữ gìn để công trình này khỏi xuống cấp. 

Hiến chương quốc tế Venice năm 1964 về bảo tồn và trùng tu di tích và di chỉ yêu cầu phải bảo tồn và giữ lại tất cả công trình trên 100 năm, cố gắng không can thiệp và thay đổi kiến trúc bên trong. Phải đưa công trình phục vụ cho đại chúng. Cần có nghiên cứu đánh giá lại giá trị của công trình để đề ra những biện pháp bảo tồn tốt nhất.

Theo KTS Cao Thành Nghiệp, nhà ga xe lửa Sài Gòn - tức ga Sài Gòn (gare de Saigon) - đầu tiên có vị trí ở đầu đường Hàm Nghi (Rue de Canton) gần sông Sài Gòn, đến năm 1915 thì dời đến ngay trung tâm gần chợ Bến Thành ngày nay (khu vực công viên 23-9).

Từ cuối thập niên 1900 đến 1950, người Sài Gòn di chuyển đi lại trong Sài Gòn, Chợ Lớn và các khu vực khác bằng đường xe lửa hơi nước và xe điện tramway trong các tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Gò Vấp - Hóc Môn - Lái Thiêu. Đến năm 1983 thì ga Sài Gòn lại một lần nữa di chuyển về ga Hòa Hưng, do sự phát triển mở rộng của thành phố.

Tương lai nào cho tòa nhà Trụ sở hỏa xa? Tương lai nào cho tòa nhà Trụ sở hỏa xa?

TTO - Tòa nhà Trụ sở hỏa xa - vết tích còn lại về thời kỳ hỏa xa Sài Gòn - đang là mối quan tâm của nhiều người trước những thông tin về một tương lai “sẽ được bảo tồn như thế nào”.

D.N.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên