15/03/2018 10:22 GMT+7

Trồng lúa khỏe re

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Mô hình trồng “lúa Nhật” là một điển hình cho xu hướng nông nghiệp sạch với giống lúa và cách trồng “khỏe re”, năng suất cao, ít phân thuốc.

Từ lúc gieo sạ tới lúc thu hoạch khoảng gần 4 tháng, nông dân chỉ cần bón phân 4 lần, ngoài ra không cần phun hay xịt bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào, không cần chăm sóc mà cây lúa vẫn tăng trưởng tốt. Năng suất bình quân cao ngất ngưởng, đạt khoảng 12 tấn/ha.

Trồng lúa bán cho người Nhật

Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đường Gỗ Lộ (ấp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) - cho biết từ vài năm trước, bà con nông dân chuyển sang trồng lúa thơm sử dụng giống đã được cấp xác nhận là Jasmine.


Trồng lúa khỏe re - Ảnh 1.

Xã viên HTX Đường Gỗ Lộ thăm đồng lúa Nhật sắp thu hoạch Ảnh: K.Nam

Ông Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc HTX Đường Gỗ Lộ - kể lại rằng trong một lần dự hội thảo giới thiệu một loại phân bón lá, ông Nam cùng một số xã viên được giới thiệu một giống lúa và cách trồng "khỏe re", năng suất cao, lại ít phân thuốc.

Ông Phương thuyết phục nông dân trong HTX của mình chuyển sang trồng giống lúa lạ này. Ông nói ông đánh đổi cả uy tín của mình để thuyết phục xã viên nên xã viên tin ông tới tận bây giờ. Về giống lúa, nông dân vẫn nôm na gọi là "lúa Nhật" cho gọn.

Để yên tâm về đầu ra, HTX đã giao kèo chặt chẽ với doanh nghiệp. Trước mùa vụ, phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo tạm ứng cho nông dân 500.000 đồng/công đất và chi phí mua lúa giống. Khoảng 15-20 ngày, doanh nghiệp cử nhân viên xuống tận HTX Đường Gỗ Lộ thăm đồng 1 lần. Toàn bộ 100% sản lượng lúa đều được bao tiêu xuất khẩu sang Nhật.

"Hiện tại, lúa Nhật đang có giá khoảng 6.900 đồng/kg, lúa thơm khoảng 6.200 đồng/kg. Mình ký 5.700 đồng/kg là thấp, nhưng tụi tôi hài lòng vì lúc ký thỏa thuận bao tiêu, người ta cho giá mình cao hơn 500 đồng/kg rồi" - ông Phương nói.

Làm chơi ăn thiệt

Ông Trần Thanh An (63 tuổi, có 3ha đất trong HTX Đường Gỗ Lộ) cho hay, chưa có lúc nào nghề trồng lúa lại… khỏe như lúc này. Mang tiếng làm ruộng, nhưng gần như quanh năm suốt tháng ít cần chăm sóc gì mà giống "lúa Nhật" vẫn xanh mướt đồng.

"Tui làm ruộng cả đời, chưa từng thấy giống lúa nào "lạ lùng" như giống DS1 này hết, không sâu, không rầy, tới mấy bụi cỏ mà cũng không cạnh tranh nổi với lúa. Mấy miếng ruộng liền thửa với HTX tụi tui bị cháy rầy thấy thương, còn ruộng mình nhìn đã con mắt" - ông An hồ hởi nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc HTX Đường Gỗ Lộ - thì tính ra, mỗi hecta đất trồng lúa sạch tiết kiệm chi phí khoảng 500.000 đồng so với lúa thường.

Với giá 5.700 đồng/kg, thì sau trừ chi phí mỗi kg lúa nông dân thu lãi ròng khoảng 3.500 đồng. Tính tròn mỗi hecta cho năng suất 10 tấn, thì sau 1 vụ lúa 4 tháng nông dân thu về 35 triệu đồng. Mỗi năm làm 2 vụ, số tiền thu được lên tới cả trăm triệu đồng. Đó là chưa kể tiền bán rơm sau khi thu hoạch cũng được vài chục triệu đồng. Bởi cây lúa Nhật cho bụi to, khỏe cao hơn 1m nên người trồng nấm rơm rất chuộng.

"Có nhiều cái lợi lắm, đó là đồng ruộng xanh, sạch đúng nghĩa, bởi mình không xịt bất kỳ loại hóa chất độc hại nào hết. Giá cả ổn định, năng suất cao, nhẹ công chăm sóc. Mình làm ra hạt gạo bán hết qua Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới cũng tự hào lắm chớ" - ông Phương bày tỏ.

Mong mỏi của nông dân trồng lúa ở ĐBSCL là làm sao giảm được giá thành sản xuất và tăng được chất lượng hạt gạo để bán giá cao là mừng lắm rồi. Nhưng để tăng cường năng lực xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Nhật, Nhật Bản sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam nhằm tăng khả năng trúng thầu hạn ngạch WTO của Nhật (300.000 tấn/năm).

Như vậy, nông dân HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, Giồng Riềng, Kiên Giang đã sản xuất đạt năng suất khoảng 10 tấn/ha không phải là khó. Và lại được bao tiêu 100% với giá bán cao hơn lúa thường là 500 đồng/kg để xuất qua Nhật là "trúng mánh to".

Tuy vậy, để giữ vững và mở rộng được thị trường này không phải dễ, vì nhu cầu thị trường gạo Nhật có giới hạn và phải tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh và an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Nhật. Ngoài ra, về giống ĐS1 chưa phải là gạo chính thống cho người tiêu dùng Nhật.

Đồng thời, đặc điểm các giống lúa Nhật như ĐS1 bị quang cảm nhẹ và có thời gian sinh trưởng dài khoảng 120 ngày, vì thế chỉ phù hợp canh tác trên đất 2 vụ lúa/năm như: Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành và Giồng Riềng của tỉnh Kiên Giang; Tri Tôn và Tịnh Biên của An Giang; hoặc Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp.

Đây cũng là thị phần và phân khúc thị trường tốt về trồng lúa Nhật trong " Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà nông dân ta cần biết để canh tác tốt.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh

(Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL)

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên