21/03/2024 12:02 GMT+7

Trong 10.000 người dân TP.HCM tiêm phòng bệnh dại mỗi tháng có gần 7.500 người bị chó cắn

Mỗi tháng TP.HCM ghi nhận khoảng 10.000 người đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, trong đó chó gây thương tích cho người chiếm 74,8%. Có đến 60% người bị thương ở mức độ 3.

Người dân đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI

Người dân đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI

Sáng 21-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong năm 2024, mỗi tháng TP.HCM ghi nhận khoảng 10.000 người đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại do bị súc vật cắn (9.222 người trong tháng 1 và 10.330 người trong tháng 2).

Số người tiêm vắc xin ngừa dại 2 tháng đầu năm 2024 là 19.552, tăng nhẹ so với số liệu cùng kỳ năm 2023 với 18.810.

Theo số liệu ghi nhận các trường hợp tiêm ngừa do loài vật gây thương tích gây ra, chó chiếm 74,8%, tiếp đến là mèo 20,5%, dơi 0,2% và 4,6% là các loài vật khác. Hơn 60% là vết thương ở mức độ 3 (vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở).

Hơn 60% vết thương do súc vật cắn ở mức độ 3 (vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở) - Ảnh: X.MAI

Hơn 60% vết thương do súc vật cắn ở mức độ 3 (vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở) - Ảnh: X.MAI

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), bác sĩ CKII Danh Thơm - phó trưởng khoa khám bệnh của bệnh viện - cho biết trong 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 7/7 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đây là những bệnh nhân ở các tỉnh chuyển đến.

Đồng thời bệnh viện cũng ghi nhận gần 5.300 lượt tiêm ngừa dại trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 1.000 lượt so với 2 tháng cùng kỳ năm ngoái.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh dại đã xuất hiện và có sự gia tăng đột biến ở những tỉnh, thành trước đây không có ca bệnh hoặc đã lâu không ghi nhận ca bệnh. Đáng chú ý, số ca tử vong do bệnh dại đều gia tăng qua các năm.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế đã ghi nhận 22 người tử vong do bệnh dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Còn năm 2023 đã có 82 người chết do bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022 (khoảng 17%).

Trong đó, 81/82 các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn, 1 trường hợp có tiêm vắc xin nhưng không tiêm vắc xin kháng dại. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do bệnh dại trên người.

Ngoài ra, nguyên nhân gián tiếp là do tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Theo Bộ Y tế, qua báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ năm 2022 đến nay tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo. Cá biệt một số tỉnh, thành chỉ đạt khoảng 10%.

Chủ động phòng chống bệnh dại

HCDC nhấn mạnh bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng ngừa. Cụ thể:

- Với người nuôi chó mèo cần khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo.

- Thực hiện nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông, nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư.

- Khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, rọ mõm; đồng thời phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

- Trường hợp người bị chó, mèo cắn cần xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn và đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời.

- Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế.

Người bị chó mèo cắn và mắc bệnh dại tăng, TP.HCM ra văn bản khẩnNgười bị chó mèo cắn và mắc bệnh dại tăng, TP.HCM ra văn bản khẩn

Trong bối cảnh người tiêm vắc xin phòng bệnh dại và ca tử vong do mắc bệnh dại trên cả nước tăng, Sở Y tế TP.HCM ra văn bản khẩn tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên địa bàn thành phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên