02/03/2024 09:10 GMT+7

'Trời sinh voi sinh cỏ', thời ấy qua rồi

Không chỉ ngại kết hôn, nhiều bạn trẻ đã kết hôn còn sợ sinh con với nhiều lý do mà lớn nhất vẫn là áp lực cuộc sống, phụ thuộc khả năng kinh tế hiện có.

Có con sẽ vui đó nhưng cuộc sống thành thị đắt đỏ, nhiều chi phí khiến không ít bạn trẻ dù đã kết hôn nhưng chưa dám có con - Ảnh: C.TRIỆU

Có con sẽ vui đó nhưng cuộc sống thành thị đắt đỏ, nhiều chi phí khiến không ít bạn trẻ dù đã kết hôn nhưng chưa dám có con - Ảnh: C.TRIỆU

Anh Lâm Trọng (31 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) khoe có mối tình đẹp đến nay đã 7 năm. Hai người cũng sống chung với nhau đã hơn 4 năm, hai bên gia đình đều biết nhau, nhưng khi được hỏi cả hai cho biết vẫn chưa định ngày cưới hỏi gì.

Cưới mấy năm rồi nên cũng muốn có con đó nhưng thu nhập, cuộc sống hiện tại thiệt không dám, sao lo nổi. Qua rồi cái thời "trời sinh voi sinh cỏ".

Anh T. (công nhân tại TP.HCM, quê Quảng Trị)

Yêu thôi không cưới được không?

Trọng nói anh rất yêu, thậm chí là yêu cuồng nhiệt, nhưng là yêu vậy thôi chứ tuyệt nhiên rất sợ cưới. Những ngày đầu hẹn hò, Trọng nói thẳng với bạn gái về quan điểm đã yêu là phải chung thủy, sống trọn vẹn và thẳng thắn với nhau. Và nếu chấp nhận thì cả hai cứ làm người yêu của nhau, còn chuyện cưới xin thì khoan bàn tới.

"Nhiều người cứ hay nói thanh xuân của người con gái sẽ nhanh qua, rằng nếu cứ yêu mà không cưới thì thiệt thòi cho bạn gái quá. Nhưng tôi đã thẳng thắn "ngửa bài" ngay từ đầu, nếu chấp nhận thì đến với nhau, không thì thôi mà" - Trọng nói.

Trường hợp khác, N.H. (26 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) đã chung sống cùng người yêu 3 năm nay nhưng cũng chưa tính gì đến chuyện kết hôn dù bị gia đình hối thúc nhiều lần, có lúc nhắc lớn tiếng, gay gắt. H. nói cuộc sống hiện tại đang khá yên ổn, cô bạn sợ lỡ cưới xong rồi sẽ không còn thời gian, điều kiện được tung tẩy như đang có nữa.

Cô bạn thật thà rất sợ phải làm dâu. Mỗi lần nghĩ đến cảnh Tết đến cứ tất tả chạy tới lui quán xuyến, lo liệu, cúng biếu hai bên gia đình thôi H. bảo cũng đủ ngán. Điều cô bạn ấy lo là một khi "ký giấy chung thân" xong rồi dẫn tới trách nhiệm, vai vế của nhau trong mối tình cũng thay đổi. Chưa kể chi phí cưới hỏi cũng là cả vấn đề khiến H. không khỏi nhức đầu.

"Hai bên gia đình tụi mình không khá giả gì. Nếu cưới sẽ phải lo một khoản tiền rất lớn, rồi bao nhiêu thứ phải lo. Mà cưới xong vẫn thế, vẫn sống chung và yêu thương, vậy thì sao cần phải cưới làm gì" - H. cười.

Chưa sẵn sàng làm mẹ

Từng tổ chức tiệc cưới linh đình ở quê Quảng Trị hồi năm 2017 rồi sau đó hai vợ chồng dắt nhau vào TP.HCM lập nghiệp. Anh T. làm kỹ thuật cho một cửa hàng điện, chị Th. làm công nhân may tại Khu công nghiệp Tân Bình. Hơn 6 năm sống đời vợ chồng nhưng họ chưa có con.

Không phải do vấn đề sức khỏe vì cả hai đi khám đều bình thường, nhưng hai vợ chồng chưa dám sinh con. Ba năm rồi, họ chọn ăn Tết ở phòng trọ chật hẹp tại nơi làm việc thay vì về quê để né tránh những ánh nhìn, dò xét và thắc mắc sao đến giờ chưa có con, có vấn đề gì không!

Thu nhập của hai vợ chồng tổng hết mỗi tháng chừng 16 triệu đồng trong khi tiền nhà trọ, điện nước, xăng xe, hiếu hỉ... đã ngốn hết 6 triệu. Thêm khoản báo hiếu cha mẹ hai bên đều đã già và cuộc sống khó khăn cố định mỗi tháng thêm 4 triệu đồng nữa. Nhẩm tính với thu nhập đó và các khoản chi tiêu đó, hai vợ chồng nói khó lòng lo liệu thêm cho một đứa con.

"Cũng rất muốn có con đó nhưng khó tính quá. Vì nếu có con cần phải thuê chỗ lớn hơn, chứ 12m2 như hiện tại sao đủ ở. Rồi tiền bỉm sữa, tiền học hành, sợ không khéo đẻ xong đứa con thiếu trước hụt sau, nợ nần mà vợ chồng đâm ra lục đục, có khi ly dị không chừng" - anh T. than thở.

33 tuổi, lấy chồng đã 5 năm, chị D. làm chủ tiệm spa, kinh tế vững vàng nhưng chị nói dù thế vẫn chưa yên tâm để dám nghĩ đến chuyện sinh con. Một trong những lý do với hai vợ chồng là công việc cả hai đang thuận lợi, ổn định, sợ có con rồi lại làm đảo lộn mọi thứ.

Lý do khác là chị D. thừa nhận bản thân chưa sẵn sàng có con vì tự thấy mình chưa tích đủ kinh nghiệm việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. "Công việc của mình nếu có con thì cũng không thể tách ra ở nhà chỉ lo chăm con được, phải thuê bảo mẫu thôi. Mà bữa giờ đọc thấy nhiều vụ thuê bảo mẫu mà họ chăm không tốt đã đành lại còn hành hạ, đánh đập con quá đáng thương, nghĩ cũng hơi ớn" - chị D. nói.

Ngược quan điểm nuôi dạy, bỏ ngỏ việc sinh con!

Đành rằng trong chuyện nuôi dạy con khó tránh khỏi có lúc vợ chồng va chạm nhau hoặc có mâu thuẫn chút cũng là bình thường. Nhưng ngược quan điểm đến độ cuối cùng nghỉ sinh luôn thì đúng là chuyện như đùa nhưng lại rất thật với vợ chồng anh Hải và chị Tuyền đang làm kinh doanh tự do.

Hai vợ chồng có công việc ổn định, thu nhập tốt, nhà cửa, xe cộ đều đã đủ cả. Cũng vì thế mà cả hai lên kế hoạch khá chi tiết khi tính chuyện sinh con, từ việc sinh con vào thời điểm nào là hợp lý đến nuôi con theo phương pháp thế nào cho tốt nhất. Mọi thứ đều rất ổn cho tới khi chồng muốn cho con đi học trường công trong khi vợ nhất nhất rằng con phải được học trường quốc tế toàn bộ.

Quan điểm của cha là tiền học phí không thành vấn đề nhưng anh muốn con mình được lớn lên, học tập và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Cần nữa sẽ cho con đi học thêm tiếng Anh sớm để sau này thuận tiện cho việc du học. Nhưng người mẹ thì không. Chị Tuyền cho rằng quan điểm của chồng đã cũ rồi, chuyện đó chỉ đúng khi trước đây không có tiền, chứ giờ có điều kiện tốt hơn sao phải vậy.

Từ ngồi lại nhỏ nhẹ nói chuyện đến không ít lần đập bàn vỗ ghế to tiếng với nhau mà cả hai vẫn chưa thể thống nhất sẽ cho con vào học loại trường nào dù đứa bé còn chưa hình thành trên đời. Và tới giờ, kế hoạch sinh con vẫn bỏ ngỏ...

(còn tiếp)

Mình độc thân, hiện đang rất ổnMình độc thân, hiện đang rất ổn

Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 của Chính phủ khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi dù ra đời gần 4 năm song bỗng được bàn tán rôm rả thời gian gần đây trên các diễn đàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên