12/11/2018 18:45 GMT+7

Trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tháng 10-2019

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Dự kiến, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 58,71 tỉ USD được trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 10-2019.

Trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tháng 10-2019 - Ảnh 1.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần 58,71 tỉ USD để xây dựng, mua sắm trang thiết bị - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Ngày 12-11, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức đánh giá báo cáo cuối kỳ dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Để hình thành báo cáo cuối kỳ, Bộ GTVT, liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDISouth đã làm việc với 20 địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua nhằm rà soát, thống nhất phương án hướng tuyến.

Khai thác lâu dài với tốc độ 320km/h

Theo nghiên cứu của các đơn vị tư vấn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.545km, tổng mức đầu tư ước khoảng 58,71 tỉ USD. Điểm đầu dự án là ga Hà Nội. Điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), được kết nối với mạng lưới đường sắt đô thị thành phố.

Trong tổng số chiều dài toàn tuyến, có 60% tuyến đi trên cao, 10% đi qua hầm, 30% đi trên đường bằng.

Tuyến sử dụng đường đôi, khổ 1,435m, điện khí hóa. Toàn tuyến có 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng. Tổng diện tích đất cần cho dự án khoảng 7.875ha.

Tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng mới hoàn toàn để khai thác tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác với tốc độ 320km/h (tốc độ thiết kế 350km/h).

Công nghệ được lựa chọn là động lực đoàn tàu phân tán (EMU); công nghệ tín hiệu điều khiển sử dụng sóng vô tuyến.

Trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tháng 10-2019 - Ảnh 2.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất sử dụng công nghệ động lực phân tán, điều khiển tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến tương tự như công nghệ của tàu Sinkansen Nhật Bản - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Phân đoạn và phân kỳ đầu tư

Theo đề xuất, giai đoạn đầu sẽ triển khai đầu tư xây dựng và đưa khai thác vào năm 2032 đối với 2 đoạn là Hà Nội - Vinh (dài 282,65km, tổng mức đầu tư dự kiến 13,97 tỉ USD) và Nha Trang - TP.HCM (dài 362,15km, tổng mức đầu tư dự kiến 13,37 tỉ USD).

Đoạn còn lại (Vinh - Nha Trang dài khoảng 901km) sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và phấn đấu khai thác toàn tuyến vào năm 2050.

Về hình thức đầu tư, dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Vốn nhà nước khoảng 80% tổng mức đầu tư dùng để đầu tư hạ tầng.

Nhu cầu huy động vốn nhà nước hằng năm chiếm 0,35 - 0,55% GDP, bằng khoảng 10% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Vốn tư nhân khoảng 20%, được huy động từ các nhà đầu tư để mua sắm đoàn tàu khai thác.

Ngoài ra, trong bước tiếp theo còn nghiên cứu thêm khả năng huy động vốn ngoài ngân sách từ việc xã hội hóa đầu tư đối với các công trình nhà ga tại các đô thị lớn, có lợi thế thương mại thông qua khai thác quỹ đất và phát triển dịch vụ, trung tâm thương mại…

Với đường sắt quốc gia hiện có, tư vấn đề xuất nâng cấp tối ưu hóa năng lực để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương.

Góp ý cho dự án, GS.TS Từ Thành Sùa - khoa vận tải - kinh tế, Đại học GTVT - cho rằng báo cáo nghiên cứu cần làm rõ thêm phương án đầu tư, khai thác khác nhau.

Theo GS Sùa, phương án đầu tư tuyến mới để khai thác được tàu khách vận tốc 200km/h và tàu hàng 120km/h trên đường sắt tốc độ cao với chi phí đầu tư 40 tỉ USD sẽ được các đại biểu Quốc hội quan tâm hơn phương án đầu tư 58,71 tỉ USD để chỉ khai thác mỗi tàu khách.

Nhưng phương án chạy chung giữa tàu khách với tàu hàng sẽ tốn kém trong đầu tư hạ tầng, hạn chế thời gian khai thác, ảnh hưởng đến an toàn, chi phí bảo trì bảo dưỡng tốn kém như thế nào cần phải làm rõ hơn để có sự so sánh, phân tích.

Phải tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội

Tại hội nghị, một số đại biểu bày tỏ lo ngại về hiệu quả tài chính của dự án. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng các dự án giao thông thường tính về hiệu quả kinh tế - xã hội khi có sức tác động về giao thương, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không thể nhìn vào hiệu quả kinh tế của dự án mà nhìn ở góc độ lan tỏa tích cực từ việc đầu tư dự án này tới kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết sau khi tiếp thu ý kiến các chuyên gia, đơn vị liên quan sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi của dự trong tháng 11-2018. Tiếp đó, Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định dự án từ tháng 12-2018 đến tháng 4-2019.

Từ tháng 5 đến tháng 7-2019, Bộ GTVT sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền rồi hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Chính phủ vào tháng 8-2019. Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp tháng 10-2019.

Trường hợp báo cáo tiền khả thi dự án được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ triển khai chuẩn bị nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng từ năm 2020 - 2025.

Triển khai xây dựng từ năm 2026, dự kiến đưa vào khai thác đoạn ưu tiên từ năm 2032; tiếp tục triển khai xây dựng các đoạn còn lại từ năm 2035, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.


TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên