23/12/2009 20:56 GMT+7

Trình diễn đường phố - một nét văn hóa

Theo MAI THẾ PHÚDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo MAI THẾ PHÚDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Mới đây, ở ta đã tổ chức những ngày trình diễn nghệ thuật đường phố với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ trong nước và cả khách mời nước ngoài. Những người tổ chức đã có sự quảng bá rộng rãi trên báo, đài và chắc rằng Nhà nước cũng phải chi ra từ ngân sách một khoản kinh phí không nhỏ.

Lẽ đương nhiên, lần đầu tiên đưa một hoạt động văn hóa mới lạ từ ý tưởng vào thực tế đời sống, những lúng túng, chồng chéo, mang tính “lễ” (tuyên truyền, hình thức…) mà thiếu tính “hội” (quần chúng chung vui)… hay như nhiều người thường nói, những bất cập, là không thể tránh khỏi.

Hát rong?

zPE0IeCn.jpgPhóng to
Dàn nhạc sinh viên trên quảng trường nhà thờ Frauenkirche, Dresden

Một người là giảng viên đại học, sau một chuyến du khảo ở Pháp đã hào hứng kể với nhóm bạn về những điều tai nghe mắt thấy ở bên ấy. Anh kể rằng có những người ăn xin trên lề đường bằng cách chơi đàn accordéon, violon hay guitare…

Anh còn tả lại trong một lần vào một nhà thờ Thiên Chúa giáo, anh thấy một cây đàn gió (orgue, còn gọi là đàn ống) mà theo anh, chỉ nhờ vào làn gió trời thổi vào, là đàn tạo nên những âm thanh, những bản nhạc Thánh. Quả thật, tôi vô cùng ngạc nhiên về những lời phát biểu lạ lùng đó nhưng không muốn cắt ngang niềm hứng khởi trong lúc anh đang chỉ muốn độc thoại mà thôi.

Chấm phá một “người thực việc thực” như vậy để thấy việc trình diễn nghệ thuật ngoài đường phố ở ta không phải muốn là được, trong những điều kiện xã hội như hiện nay. Tôi hình dung một sáng Chủ nhật đẹp trời, có nhóm bạn trẻ rủ nhau mang nhạc cụ ra trình diễn trên vỉa hè rộng của một con đường đông du khách, không chừng sẽ được các nhân viên công vụ mẫn cán (như của đội quản lý trật tự lòng lề đường chẳng hạn) tới giải tán vì tụ tập “gây rối”. Các đô thị trọng điểm du lịch ở Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động văn hóa này.

Trình diễn đường phố lâu nay ở ta được quan niệm là những nhóm một hai người, thường là khiếm thị, đi hát rong ở những quán xá, bến xe, tàu phà… Những buổi hòa nhạc sáng Chủ nhật của dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam mấy chục người hay của ban nhạc quân đội ở Nhà Kèn trong vườn hoa Chí Linh (Hà Nội) chỉ còn là hình ảnh mờ nhạt của quá khứ. Những buổi hòa tấu cuối mỗi tuần của dàn quân nhạc trước thềm Nhà hát TP.HCM xem ra cũng rất thưa thớt.

Vài nhạc sĩ danh tiếng vẫn tự nhận mình chỉ là người hát rong, du ca phục vụ công chúng, nhưng có phần chắc rằng đấy chỉ là chuyện xa xưa. Còn nay, muốn được nghe những bài “hát rong” ngày nào, dù muốn cũng khó kiếm được một chiếc vé, nói gì đến một cặp vé để đi cùng người thân.

Trình diễn nghệ thuật đường phố

IUNE6Btl.jpgPhóng to
Một cặp nhân tượng tại Nürnberg

Nếu bạn đã du lịch nước ngoài, đặc biệt là tại châu Âu và vào mùa hè, hẳn đã trên một lần tận mắt thưởng thức những nhóm nghệ thuật rất đa dạng trên đường phố, công viên, ga xe điện ngầm, bên những công trình kiến trúc hay cung điện xưa… Không chỉ có ca hát hay chơi đàn, họ còn làm ảo thuật, xiếc, uốn dẻo, nhân tượng, ngâm hoặc đọc thơ, kể chuyện…

Trong chuyến đi từ Tây qua Trung và Đông Âu bằng xe hơi, xe điện và tàu cao tốc, tôi đã dừng chân ở hơn chục thành phố, từ Paris, qua Bỉ đến Utrecht ở Hà Lan rồi một vòng nước Đức, từ Trier, Aachen ở biên giới phía Tây đến thành phố - công viên Hannover thuộc miền Bắc, rồi Leipzig ở miền Đông, bọc xuống bang Bayern ở miền Nam, thăm các thành phố Fürth, Nürnberg, Garmisch-Partenkirchen… Mỗi nơi tôi ở trung bình ba ngày và nơi nào cũng được thấy và nghe dăm bảy, thậm chí trên chục nhóm nghệ sĩ đường phố trình diễn.

Hôm dạo thăm thủ đô Luxembourg, khi đến bên hông nhà hát đang sửa chữa ở trung tâm thành phố, một tốp bảy sinh viên Nga hợp ca a cappella những bản dân ca hoặc ca khúc nổi tiếng rất chuyên nghiệp dù chỉ mang trang phục bụi là áo phông quần bò.

Trên đại lộ Damrak của Amsterdam san sát các cửa hiệu sang trọng và nhộn nhịp du khách, một nghệ nhân ngồi bệt dưới đất, thổi một cây tiêu khổng lồ như thân cây cau, dài đến gần ba mét. Âm thanh thật trầm như vang vọng từ một vùng rừng thẳm nhiệt đới. Đó chính là didgeridoo, một nhạc cụ có từ 1.500 năm trước của thổ dân vùng Bắc nước Úc.

XF9TVXDy.jpgPhóng to
Nhóm cựu binh Liên Xô trình diễn trên đường Leipziger Str. ở Halle

Ở Halle (bang Sachsen-Anhalt, nước Đức), trên con đường đi bộ Leipziger, tôi được dịp nghe lại mấy bài ca rất hay và quen thuộc từ thời Liên Xô của nhóm cựu binh Đoàn ca múa Cờ Đỏ hát rất nhiệt tình đủ giọng basse, baryton và ténor theo tiếng đàn réo rắt, cuốn hút của một nhạc công chơi baian (loại phong cầm của người Nga). Họ đội nón và mặc những bộ quân phục hồng quân năm nào.

Tại Dresden, ngay bên hông nhà thờ Frauenkirche, dưới chân tượng Martin Luther, âm thanh quyến rũ của một dàn nhạc giao hưởng sinh viên trong trang phục đi nghỉ hè thu hút rất đông du khách. Ngay bến tàu ven sông Vltava ở Praha, tôi thật phấn khích khi vừa bước xuống du thuyền thì được nghe bản Sóng Danube của Iosif Ivanovici (1845-1902) từ tiếng đàn accordéon của một nhạc công mặc bộ đồ lính thủy.

Trong vườn Vua (Hofgarten) ở München được tạo dựng theo phong cách Phục hưng những năm 1613-1617 dưới triều hoàng đế Maximilian đệ Nhất, tôi thấy nhiều nhóm nghệ sĩ lưu động các nước biểu diễn rất điêu luyện. Từ một nữ nghệ sĩ Ukraina trong bộ váy thêu hoa văn truyền thống vừa thả hồn buông giọng cao vút vừa chơi đàn harpe đến nhóm nghệ sĩ tạp kỹ Pháp vui nhộn trong tiếng nhạc valse musette. Điều thú vị là ở đây, tôi gặp lại một nhóm biểu diễn mà trước đó mấy ngày, tôi đã thấy ở bên Cộng hòa Czech.

Có hai địa điểm tập trung nhiều nhóm nghệ thuật nhất mà tôi nhớ trong chuyến đi là ở trên cây cầu nổi tiếng Charles tại Praha và ở hai bên cổng Brandenburg tại Berlin. Nếu những nhóm nghệ sĩ từ Bắc Mỹ mang sắc phục dân tộc, đầu mang dải lông chim thật dài và rực rỡ như những tù trưởng da đỏ và những ban nhạc trẻ trang bị những bộ trống và loa thật to với âm thanh vang động thì nhiều nhóm chỉ hai, ba nhạc công chơi violon hoặc guitare thùng, thậm chí chỉ một người ngồi kéo cello dìu dặt trong hành lang tĩnh mịch của một trung tâm thương mại cao cấp.

ZLsTt6zE.jpgPhóng to
Ban nhạc cảnh sát tại Innsbruck, Áo

Trang phục của các nhóm nghệ sĩ thật đủ kiểu, từ đồ du lịch có phần quá thoải mái đến những bộ đồ lớn, trịnh trọng như biểu diễn trên sân khấu nhà hát. Họ vừa diễn vừa bán CD, bên cạnh có một hộp đàn mở nắp để du khách bỏ tiền cảm ơn vào. Cũng có trường hợp không nhận tiền như ở Innsbruck (bang Tyrol, nước Áo).

Trên quảng trường nhỏ có ngôi nhà mái vàng nổi tiếng xây dựng từ thế kỷ XV đông kín khách du lịch, một dàn nhạc kèn đồ sộ gồm cả nam lẫn nữ của lực lượng cảnh sát thành phố hòa tấu những bản hành khúc và valse viennoise rộn rã.

Cảm nhận

5uSUkCjM.jpgPhóng to
Trên cầu Charles, Praha

Có thể có người cho rằng việc trình diễn trên đường phố nằm ở nấc thang cuối cùng trong các cung bậc của việc trình diễn nghệ thuật. Bằng mắt thấy tai nghe, tôi thấy đây là một loại hình đa dạng, phong phú, từ chuyên nghiệp trình độ cao đến tài tử nghiệp dư, từ bán thời gian đến suốt cả ngày. Có người diễn như một nghề kiếm sống, nhưng có người vì vui, vì yêu nghệ thuật hoặc muốn thử nghiệm một kỹ năng, một phương pháp mới…

Các nhóm sơn đông mãi võ hay những người hát rong, đọc thơ trong truyện Ngàn một lẻ đêm là những nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật đường phố có từ thuở xưa. Từ thập niên 1950 đến nay, người ta ghi nhận nhiều ngôi sao nghệ thuật Âu Mỹ từng trưởng thành từ trình diễn đường phố như Bob Hope, Edith Piaf, Joan Baez, Pierce Brosnan, Simon and Garfunkel, Pete Seger, Robin Williams…

Trình diễn đường phố đã trở thành một phần không thể thiếu vắng ở các đô thị văn minh và trung tâm du lịch trên thế giới. Còn tại các thành phố lớn của Việt Nam, nên chăng có một cách làm hợp lý và sáng tạo để trình diễn đường phố thật sự trở thành một nét văn hóa đặc sắc?

Theo MAI THẾ PHÚDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên