28/08/2009 03:07 GMT+7

Triệu phú khu ổ chuột: Truyện và phim xứng đôi

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TT - Tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột (*) đến Việt Nam sau khi bộ phim đã khiến không ít người say mê. Có cảm tưởng một nội dung như vậy làm được phim đến vậy là hết, xem phim xong thì truyện không còn gì mới mẻ để đọc.

xfu437Qf.jpgPhóng to

Thật bất ngờ, người đọc sẽ thấy nhiều điều mới và quyến rũ, rất khác với phim. Nói ngắn gọn là tiểu thuyết cho ta một cốt truyện khác, những tình huống khác, những bước ngoặt bất ngờ, những lối rẽ khó đoán trước.

Khi làm phim, nhà biên kịch và đạo diễn đã giữ lại tình huống một chàng trai nghèo tham gia chương trình Ai là tỉ phú và trả lời đúng toàn bộ câu hỏi. Bị nghi ngờ gian lận, anh ta bị bắt và buộc phải giải trình vì sao một người thất học lại có thể trả lời đúng đáp án như vậy. Từ đây, mỗi câu trả lời là một câu chuyện, một giai thoại, một truyền thuyết...

Các nhà làm phim người Anh đã khéo lọc ra một cốt truyện thật bài bản đúng kiểu xinê điển hình. Người Ấn Độ gọi loại phim này là phim gia vị (masala film), trong ấy có đủ các loại gia vị như một món thập cẩm, đủ cả ngọt bùi chua chát cay đắng và nồng nàn cà ri. Có chuyện tình, có báo thù, có truy lùng đuổi bắt và rốt cục người thiệt thòi được đền bù... Cốt truyện có phần lâm ly đã được gia giảm để không quá sa vào lạm dụng cảm xúc nhờ một cấu trúc phân mảnh của tiểu thuyết, khi chuyển sang phim là thủ pháp đồng hiện rất nhà nghề.

Phải nói rằng phim ấy thật xứng với truyện ấy. Nhưng nếu đọc tiểu thuyết sau khi xem phim, ta lại thấy truyện ấy xứng để làm ra phim ấy. Không có cảm giác phải xem lại một bộ phim trên giấy, người đọc sẽ hào hứng dõi theo những câu chuyện khác. Ly kỳ vụ án như chương Quyền giết người. Thần bí như Hãy giữ lấy cúc áo của cậu. Xúc động như Lời hứa của một người em trai, Nữ hoàng phim bi kịch, Một chuyện tình.

Hài hước bao trùm, đặc biệt ở chương Học nói giọng Australia. Mỗi chương là một tiểu thuyết thu nhỏ, đầy đủ những yếu tố gây hấp dẫn. Không quá kịch tính và cô đọng đến mức sắp đặt như trong phim, tiểu thuyết dung dị và tự nhiên hơn. Có hết ở trong ấy một xã hội Ấn Độ đương đại đang chuyển mình theo hướng toàn cầu hóa, nhưng cái bóng của những giá trị truyền thống vẫn còn đó.

Cũng còn đó những vấn nạn, những vướng mắc, như sự tồn tại của khu ổ chuột lớn bậc nhất châu Á ngay đằng sau những khu nhà chọc trời, những khu thượng lưu xa hoa ở thành phố Mumbai.

Người dịch đã hoàn thành công việc của mình một cách khá cẩn trọng. Chỉ có điều ngôn ngữ giá mà tự nhiên hơn, đời hơn (tức là “văn” hơn). Có khi người dịch bị vướng trong bùng nhùng của những đại từ sở hữu: “Ném vào vợ ông ta, con gái ông ta và con mèo của chị ấy”.

Chuyển dịch “tầm giữa độ tuổi bốn mươi” nên Việt hóa thành “tầm bốn mươi lăm tuổi”. Cũng có khi hạ bút viết về cha mẹ là “ông ấy, bà ấy” là “họ” - có lần nhà văn Tô Hoài đọc thấy một nhà văn viết như vậy và nhận xét đó là sự “vô ý” khi dùng chữ. Thêm nữa, không nên gọi là “Thánh Allah” vì Đức Allah là Chúa Trời của đạo Hồi.

(*) Tiểu thuyết của Vikas Swarup, Nguyễn Bích Lan dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn Học

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên