12/07/2021 09:58 GMT+7

Triệu cái bánh - triệu yêu thương, thành phố nghĩa tình sẽ sớm ổn

ĐOÀN NHẠN - HÀ THANH
ĐOÀN NHẠN - HÀ THANH

TTO - Những ngày TP.HCM giãn cách, người trẻ từ khắp các tỉnh thành đang cấp tập kêu gọi những tấm lòng hướng về đầu tàu của cả nước. Họ gom góp yêu thương cùng với niềm tin thành phố nghĩa tình sẽ sớm ổn.

Triệu cái bánh - triệu yêu thương, thành phố nghĩa tình sẽ sớm ổn - Ảnh 1.

Nhóm thiện nguyện ở TP.HCM gửi những bao gạo là tấm lòng của người trẻ Đà Nẵng đến lao động nghèo giữa mùa dịch - Ảnh: Q.D.

Mấy hôm nay, anh Hồ Ngọc Thanh (36 tuổi) cùng các thành viên trong quỹ xe Vạn tình 0 đồng Đà Nẵng vẫn miệt mài đăng những dòng tin kêu gọi "hướng về Sài Gòn" trên mạng xã hội.

Hỗ trợ người lao động khó khăn

Ban đầu anh lên phương án kêu gọi được bao nhiêu sẽ cùng một vài anh em đội xe bán tải Đà Nẵng trực tiếp chở vào Sài Gòn hỗ trợ. 

Nhưng không may dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng, anh chỉ gửi tiền mặt vào cho người quen ở Sài Gòn mua gạo mắm muối hỗ trợ người lao động khó khăn. 

Đến hôm nay, nhóm anh đã kêu gọi được 100 triệu đồng cùng 6 tấn gạo và 2.000 lít nước sát khuẩn tiếp sức cho TP.HCM, đến bếp ăn thiện nguyện và các khu dân cư phong tỏa ở Sài Gòn.

"Chúng tôi đã từng trải qua những ngày tháng giãn cách toàn thành phố, khó khăn muôn phần nên hiểu hết những gì người dân Sài Gòn đang gặp phải. Trước đây khi Đà Nẵng là tâm dịch của cả nước, người Sài Gòn gửi yêu thương về ấm lòng biết mấy, nay cho chúng tôi góp một tay động viên Sài Gòn" - anh Thanh nhắn nhủ.

Vì Đà Nẵng liên tiếp trải qua nhiều đợt dịch nên sự hỗ trợ có phần hạn chế, nhưng mỗi người một tay, ai cũng mong muốn gửi sự động viên, khích lệ người dân TP.HCM mong bà con vững vàng vượt qua "trận đại chiến" này.

Mấy hôm nay sư cô Quang Duyên - người đón nhận sự hỗ trợ từ Đà Nẵng đã lặn lội đi gõ cửa từng phòng trọ trong các con hẻm của Sài Gòn - kể những người nhận hỗ trợ là người mưu sinh bằng nghề bán vé số, lượm ve chai, bán hàng rong, làm giúp việc hay những công nhân xa quê mất việc vì dịch.

"Có người nhìn tờ giấy trên bao gạo, thùng mì đọc một hồi rồi la lên: Ở đâu? Đà Nẵng vô Sài Gòn tặng hả? 

Chúng tôi nói: Dịch bệnh nên Đà Nẵng không vô được, bà con ngoài đó chuyển tiền vô thôi, kết hợp với Sài Gòn tặng quà mấy cô chú. Họ nghe vậy quay qua nói oang oang: Đà Nẵng bảnh hén! Rồi cười giòn tan lắm…" - sư cô Quang Duyên xúc động kể lại.

Sư cô Quang Duyên bảo rằng khi đi khảo sát tặng quà ở những khu xóm trọ của Sài Gòn nghe giọng nói Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định… biết rằng nhân duyên đang làm việc của nó. 

Dù ở xa, Sài Gòn giãn cách… nhưng người miền Trung vẫn nắm tay người Sài Gòn để tặng những bao gạo đúng lúc nhất. Tấm lòng ấy thật đáng quý biết bao.

Triệu cái bánh - triệu yêu thương

Tại Thừa Thiên Huế, nhóm bạn trẻ Ong Du Ký đang từng ngày kêu gọi, gom góp những hỗ trợ nhỏ để thực hiện chương trình "Triệu cái bánh - triệu yêu thương".

Anh Ngô Phước Tuần, điều phối nhóm, chia sẻ Sài Gòn là mảnh đất bao dung, nghĩa tình, là nơi ôm ấp biết bao thế hệ trẻ, người lao động Thừa Thiên Huế nói riêng và lao động cả nước nói chung. 

Khi những cơn bão lũ liên tiếp khiến miền Trung oằn mình chịu nạn, từng dòng xe yêu thương chất đầy nhu yếu phẩm của Sài Gòn nối đuôi nhau hướng về những làng quê mưa bão, trong đó có Huế.

"Nay Sài Gòn "cảm", người lao động ở Sài Gòn gặp nhiều khó khăn, những người trẻ ở Huế chúng tôi mong muốn góp nhặt một chút tình yêu thương nhỏ nhoi vào những chiếc bánh lọc là đặc sản của Huế gửi tặng bà con ở phương Nam" - anh Tuần nói.

Theo anh Tuần, bánh lọc được du khách rất nhiều nơi ưa thích nên đoán chắc người miền Nam cũng dễ dùng. Bánh lọc sẽ được làm, đóng gói vào túi hút chân không, cấp đông và vận chuyển vào Sài Gòn. 

Người dân có thể sử dụng bánh trong vòng một tháng. Thành đoàn TP.HCM và Liên đoàn Lao động TP.HCM sẽ hỗ trợ chia sẻ triệu chiếc bánh đến với người lao động gặp khó khăn tại các khu trọ.

Theo thông tin từ Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết đang triển khai phối hợp với các đơn vị để chung tay hỗ trợ TP.HCM trong bối cảnh dịch COVID-19, nhất là trong thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Cụ thể, Trung ương Đoàn phối hợp triển khai chương trình "Sống để yêu nhau, chung tay vượt qua đại dịch" diễn ra từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022 nhằm phát triển hệ thống bán hàng thông qua ứng dụng tiêu dùng MEGA1, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ các hộ gia đình công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Dự kiến tại TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, từ tháng 7 đến tháng 9-2021 sẽ có 800.000 sản phẩm được hỗ trợ đến người dân.

Cùng với đó, tiếp tục vận hành ATM gạo cho người nghèo, tổ chức chiến dịch phát 1.000 suất ăn miễn phí/ngày hỗ trợ cho người nghèo TP.HCM, trao tặng 97.500 bữa cơm cho 6.500 người dân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, lao động tự do bị mất việc tại TP.HCM và triển khai chương trình "Triệu chai nước, triệu lời chúc tuyến đầu".

Khi Sài Gòn được yêu thương Khi Sài Gòn được yêu thương

TTO - Sau bao nhiêu năm dang tay, hôm nay Sài Gòn được phép nhận tình ruột thịt nghĩa đồng bào từ nơi nơi, từ người người.

ĐOÀN NHẠN - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên