26/04/2020 16:51 GMT+7

Triển vọng cho vắcxin COVID-19 đang khả quan, chạy đua tiếp về sản xuất

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TT - Triển vọng tìm ra vắcxin COVID-19 đang khả quan nhưng ngoài vấn đề thời gian, một thách thức khác là thế giới cần một lượng thuốc khổng lồ mới hi vọng chặn đứng được đại dịch.

Triển vọng cho vắcxin COVID-19 đang khả quan, chạy đua tiếp về sản xuất - Ảnh 1.

Trong kịch bản lạc quan, thế giới cần 18-24 tháng để bào chế thành công vắcxin COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Bloomberg, ông Paul Hudson, giám đốc điều hành Hãng dược Pháp Sanofi -  một trong những nhà bào chế vắcxin lớn của thế giới, mới đây cảnh báo rằng dù cần ít nhất 1 năm nữa trước khi tìm ra một loại vắcxin COVID-19 hiệu quả, nhưng ngay từ bây giờ châu Âu phải "thức tỉnh" trước thử thách sản xuất đủ vắcxin cho cộng đồng.

"Mối quan tâm về khả năng tìm ra vắcxin thật ra không lớn bằng khả năng sản xuất đủ số liều cần dùng. Ở châu Âu đây là vấn đề lớn nhất nhưng lại ít người chú ý", ông Hudson giải thích.

Không thể chờ

Sanofi đang bắt tay với đối thủ GlaxoSmithKline Plc của Anh phát triển vắcxin phòng virus SARS-CoV-2, đua với những gã khổng lồ ngành dược khác như Johnson & Johnson (Mỹ) hoặc Moderna Inc. - một hãng công nghệ sinh học mới nổi cũng của Mỹ… 

Hầu hết các tay chơi đều nhắm đến tung ra thị trường những liều vắcxin đầu tiên trong năm sau.

Tuy nhiên, từ bây giờ cuộc cạnh tranh đã nóng dần. Sếp Hudson của Sanofi cảnh báo rằng Mỹ ở trong tư thế sẵn sàng hơn châu Âu nhờ vào Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh - một tổ chức trực thuộc chính phủ chuyên hỗ trợ phát triển vắcxin, trong khi châu Âu chưa có cơ chế nào tương tự.

"Chúng tôi không muốn chờ đến hè năm sau để rồi không có đủ vắcxin cho châu Âu. Nếu tháng 6-2021 có đủ dữ liệu, ta không thể chờ đến đó mới bắt đầu sản xuất. Ta phải khởi động ngay trong tháng 1 ", ông Hudson nêu quan điểm. Sanofi hiện đã trình bày ý kiến này lên Ủy ban Châu Âu (EC).

Chia sẻ cùng quan ngại, tổ chức nghiên cứu Wellcome Trust (Anh) ước tính họ cần khoảng 8 tỉ USD trong tháng này để chi cho hoạt động nghiên cứu thuốc, vắcxin và các công cụ khác chống lại COVID-19. Và để sản xuất đủ thuốc cho nhu cầu thế giới, số tiền sẽ còn lớn hơn nhiều.

"Chúng ta cần xây dựng các cơ sở bào chế ngay bây giờ thay vì chờ đến lúc một ứng viên vắcxin an toàn và hiệu quả xuất hiện. Cần phải chấp nhận rằng một vài cơ sở đó sẽ không thể sử dụng", ông Charlie Weller, trưởng bộ phận vắcxin của Wellcome, nhận định.

Tính đến cuối tháng 4, có hàng chục loại vắcxin COVID-19 đang được nghiên cứu trên thế giới, phân bổ từ châu Âu, Mỹ cho đến Trung Quốc. Một số hiện đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, chẳng hạn của CanSino Biologics Inc. (Trung Quốc), Inovio Pharmaceuticals Inc. (Mỹ) hoặc Moderna (Mỹ) .

Triển vọng cho vắcxin COVID-19 đang khả quan, chạy đua tiếp về sản xuất - Ảnh 2.

Vắcxin là cách duy nhất giúp thế giới quay lại trạng thái bình thường trước đại dịch - Ảnh: AFP

Cạnh tranh

COVID-19 là một cuộc khủng hoảng chung toàn cầu, nhưng không vì vậy mà sự cạnh tranh biến mất. Có thể thấy rằng ai nắm trong tay vắcxin và khả năng sản xuất quy mô lớn trước sẽ có những ưu thế về thị phần, lợi nhuận (hãng dược), và cơ hội khởi động lại nền kinh tế sớm hơn các đối thủ.

Đặt trong bối cảnh cục diện thế giới thay đổi chóng mặt do chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, cuộc đua vắcxin càng quan trọng hơn với các cường quốc, nhất là Trung Quốc - nước đầu tiên bị dịch và nắm trong tay nhiều dữ liệu từ sớm (nhưng ít chia sẻ).

Bản thân ông Trump cũng đã thể hiện mối quan tâm đến vắcxin COVID-19. Tháng trước, nhiều tờ báo đưa tin chính phủ Đức tố nhà lãnh đạo Mỹ tìm cách thâu tóm hãng dược CureVac để độc quyền vắcxin do hãng này bào chế. CureVac sau đó bác bỏ nhưng không giải thích được tại sao cổ đông chính của họ lại xác nhận.

Cũng vì lo ngại sự độc quyền, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã đứng ra điều phối sáng kiến trị giá 8 tỉ USD chống dịch COVID-19, trong đó gồm phát triển vắcxin và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng cho mọi quốc gia. Nhiều nước trong đó có Pháp, Đức, Nam Phi… đã cam kết tham gia.

"Thế giới cần những công cụ này, và thật nhanh. Trong quá khứ không phải ai cũng tiếp cận được thuốc men, điều này không được phép lặp lại", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi.

Và không ngạc nhiên khi Mỹ lập tức tuyên bố đứng ngoài cuộc chơi. "Sẽ không có sự tham gia chính thức của Mỹ", đại diện ngoại giao Mỹ tại Geneva phản hồi, Reuters đưa tin.

Xét mối quan hệ căng thẳng của tam giác Mỹ - WHO - Trung Quốc thời gian qua, thái độ của Washington cũng dễ hiểu.

Chưa được nửa chặng đường

Phát biểu trên Đài CNBC, tỉ phú - nhà từ thiện Bill Gates tin rằng nước Mỹ vẫn còn cách thời điểm sản xuất được vắcxin COVID-19 quy mô lớn nhiều tháng, nếu không muốn nói là vài năm. "Tôi ước gì có thể nói chúng ta đã đi được nửa đoạn đường nhưng rất tiếc là không", ông nói.

Tuy nhiên, ông Gates dự báo khả năng tìm ra vắcxin có thể nằm trong khung thời gian từ 18-24 tháng theo kế hoạch của chính phủ Mỹ. "Bình thường bào chế một loại vắcxin cần hơn 5 năm… Nhưng vài tuần gần đây tôi nhìn thấy các dấu hiệu gợi ý chúng ta có thể lạc quan sớm hơn", ông nhận định.

Anh vừa thử nghiệm vừa sản xuất 1 triệu liều vắcxin COVID-19 Anh vừa thử nghiệm vừa sản xuất 1 triệu liều vắcxin COVID-19

TTO - Giới chức y tế Anh cho biết vắcxin phòng bệnh COVID-19 do Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển đã bắt đầu được thử nghiệm trên người từ ngày 23-4.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên