30/09/2020 11:13 GMT+7

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Sau một ngày đêm đi theo tiếng chim rừng Bạch Mã cùng hướng dẫn viên tour du lịch Birding Vietnam, tôi mới hiểu vì sao người ta có thể bỏ ra vài ngàn USD và ròng rã cả tháng trời chỉ để ngắm chim.

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt - Ảnh 1.

Hoét xanh - Ảnh: NHƯ PHƯƠNG

Tại vùng rừng núi với sinh cảnh đa dạng này, bạn sẽ gặp nhiều loài chim đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương hiện chỉ còn xuất hiện một vài nơi.

Lên núi ngắm chim

Lê Quý Minh là hướng dẫn viên kỳ cựu của Birding Vietnam - một công ty du lịch chuyên thực hiện các tour ngắm chim ở Đông Dương, đồng tác giả cuốn sách Birds of Vietnam. Trước đó, Minh là kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Bạch Mã, nên rất rành rõi vùng rừng núi này.

Xuất phát từ một ngôi làng dưới chân núi, Minh lái xe đưa tôi lần lượt đi qua các vùng sinh cảnh từ đồng bằng chân núi lên đỉnh núi. Minh cho hay mùa hè là mùa ít mưa của miền Trung, nên thời điểm này hằng năm là mùa ngắm chim Bạch Mã.

Từ cửa rừng, Minh chỉ cho tôi xem cái logo của Vườn quốc gia Bạch Mã có hình một con chim đuôi dài: "Chim trĩ sao đấy. Nó là loài đặc hữu của Đông Dương, và Bạch Mã chọn làm biểu tượng cho mình, vì đó là loài đặc sắc của khu hệ chim Bạch Mã. Trong 12 loài trĩ hiện có ở Việt Nam thì Bạch Mã đã có 7 loài".

Minh cho biết trong họ chim trĩ này, có một loài đã khiến cả thế giới quan tâm đến Bạch Mã từ gần 100 năm trước, đó là "gà lôi lam mào trắng".

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt - Ảnh 2.

Cu rốc họng vàng chụp ở Bạch Mã - Ảnh: LÊ QUÝ MINH

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt - Ảnh 3.

Dù dì Nepal, loài chim thuộc họ cú mèo, ở Bạch Mã - Ảnh: LÊ QUÝ MINH

Loài chim quý hiếm và đầy bí ẩn

Năm 1922, khâm sứ Trung Kỳ đã mời nhà thám hiểm đồng thời là nhà nghiên cứu chim người Pháp Delacour thực hiện cuộc khảo sát toàn diện đầu tiên về các loài chim của Đông Dương. Delacour đã thực hiện bảy chuyến thám hiểm đến những nơi xa xôi nhất của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trong các khu rừng của Thừa Thiên và Quảng Trị, ông đã thu thập 64 mẫu gà lôi lam mào trắng. Sinh cảnh cực nam của nó là vùng đèo Hải Vân và chân núi thuộc dãy Bạch Mã, trong đó có vùng Thừa Lưu.

"Đó là một sinh vật nhút nhát, bí mật, hiếm khi xuất hiện trong môi trường sống ưa thích của nó là những sườn núi ẩm ướt, phủ đầy bụi cây và dây leo". Delacour mô tả trong bản công bố của ông về loài chim Edwards’s Pheasant - gà lôi lam mào trắng, tên khoa học sau này là Lophura edwardsi.

Từ phát hiện của Delacour, năm 1925, khâm sứ Trung Kỳ đã đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp kế hoạch thành lập vườn quốc gia rộng 50.000ha ở vùng rừng Bạch Mã - Hải Vân để bảo tồn loài gà lôi lam mào trắng. Vì chiến tranh nên kế hoạch này không thực hiện được.

Minh cho hay đó là một loài chim đặc hữu, quý hiếm, đang trong tình trạng nguy cấp tuyệt chủng trên toàn cầu. Vào tháng 5-1998 tại khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã đã phát hiện một cá thể gà lôi lam mào trắng. Từ đó đến nay hầu như không còn thấy.

"Tôi đi khắp rừng Bạch Mã từ khi còn làm kiểm lâm cho đến khi đưa khách đi tour ngắm chim, nhưng chưa từng bắt gặp nó trong vùng rừng này. Đây là loài chim nổi tiếng nhất và cũng bí ẩn nhất của Bạch Mã" - Minh kể.

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt - Ảnh 4.

Gà lôi lam mào trắng - loài quý hiếm và đầy bí ẩn của Bạch Mã - Ảnh: VQGBM

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt - Ảnh 5.

Diều Ấn Độ (con non) chụp tại Bạch Mã, 10-2018 - Ảnh: Vietnam Wildlife

Vào thế giới chim

Chúng tôi dừng lại dưới một tán rừng nằm giữa thung lũng để vừa ăn trưa vừa ngắm chim. Minh nói thung lũng, bờ suối là nơi có nhiều chim vì ở đó mát mẻ, có nhiều thức ăn. Chim Bạch Mã thường hoạt động nhiều vào đầu buổi sáng, cuối buổi chiều và một số loài ăn đêm, nên dân ngắm chim cũng hoạt động theo giờ giấc đó.

Đang giữa trưa hè nắng gắt, nhưng thời tiết Bạch Mã luôn mát mẻ nên chỉ vài phút im lặng là đã thấy tiếng chim ríu rít ở tán cây trên đầu.

"Suỵt"- Minh ra hiệu im lặng rồi đưa ống nhòm cho tôi.

Trong ống nhòm hiện ra một con chim có bộ lông sặc sỡ như có bàn tay họa sĩ vẽ nên: toàn thân là màu xanh lục như lá cây, đầu và gáy có màu đen, hai bên gáy viền một vệt vàng nhạt, mặt, họng và vòng cổ màu vàng nghệ. Lông đuôi dài màu xanh da trời phía trên, đen ở dưới, và nét nổi bật là cái mỏ rộng.

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt - Ảnh 6.

Gà lôi trắng ở rừng Bạch Mã - Ảnh: LÊ QUÝ MINH

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt - Ảnh 7.

Đại bàng Mã Lai chụp ở Bạch Mã 9-2017 - Ảnh: Vietnam Wildlife

"Nó là con mỏ rộng xanh, một loài chim thường sinh sống ở Himalaya và Đông Nam Á. Tại Bạch Mã, họ mỏ rộng chỉ có duy nhất một loài này" - Minh nói.

"Wow, wow, con chim gì mà nó cứ hót suốt từ sáng đến giờ?" - tôi hỏi. Minh cười: "Nó là con cu rốc họng vàng đấy, loài này hiện còn khá nhiều cá thể ở Bạch Mã, nên lên đỉnh núi là bạn sẽ nghe tiếng nó hót".

"Wow, wow" - Minh giả tiếng hót của con cu rốc cái, và chỉ vài phút sau, một chú cu rốc đực đã bay đến đậu ngay trên đầu chúng tôi. Con này cũng có bộ lông màu xanh lá cây, trán đỏ, đỉnh đầu vàng, một mảng vàng ở cổ kéo xuống đến ngực và họng.

Minh nói họ cu rốc ở Bạch Mã có 6 loài và loài có tiếng hót to nhất này là cu rốc họng vàng Trung Bộ, một loài chim đặc hữu của Việt Nam. Chim này thường dùng mỏ để đục thân cây làm tổ trong đó, nên còn có tên là gõ mõ.

Mặt trời chếch về hướng tây, tán rừng Bạch Mã trở nên mát lạnh và chim hoạt động nhiều hơn. Minh chỉ cho tôi xem những cái lỗ tròn trên thân cây thông, đó là tổ của chim cu rốc.

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt - Ảnh 8.

Sâu đầu đỏ - Ảnh: NHƯ PHƯƠNG

Hóa ra, cùng tên gọi là chim cu, nhưng cu rốc thuộc họ cu rốc mà cu ngói, cu gáy lại thuộc họ bồ câu. Trong khi đó, chim bắt cô trói cột, bìm bịp, tu hú lại thuộc họ cu cu, châu Âu gọi là cúc-cu (cuckoos). Lại có một họ khác, curucu, loài chim nuốc bụng trắng.

Tương tự, chim cút khác với chim cun cút, càng không phải là chim cuốc. Cút tức là loài chim cay, thuộc họ trĩ. Chim cun cút thì thuộc họ cun cút, và chim cuốc thì thuộc họ gà nước. Điều tuyệt vời là tất cả các họ và loài chim ấy đều có trong rừng Bạch Mã...

Chúng tôi xuống núi khi trời đã tối hẳn. Chiếc xe bật đèn chạy chậm rãi trên con đường khuất giữa rừng đêm đầy bí ẩn. Minh nói giờ này các loài chim ăn đêm bắt đầu hoạt động, chỉ cần dừng xe, rẽ vào rừng là có thể bắt gặp họ nhà chim cú trên những tán cây.

Rừng chim Bạch Mã còn quá nhiều kỳ thú...

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt - Ảnh 9.

Đi xem chim Bạch Mã cùng hướng dẫn viên Birding Vietnam Lê Quý Minh - Ảnh: M.TỰ

Đến nay, đã ghi nhận được 363 loài chim tại Bạch Mã, chiếm 40% tổng số loài chim của Việt Nam. Trong đó có 16 loài nguy cấp đã ghi trong Sách đỏ VN. Tại Bạch Mã có 15 loài động vật đặc hữu của Việt Nam thì chủ yếu tập trung vào lớp chim (chiếm đến 13 loài), điển hình có các loài: gà lôi trắng, gà lôi lam mào trắng, gà so Trung Bộ, gà so họng hung...

Do tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài chim, Bạch Mã được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt Nam, là một trong những thành viên của chương trình hành động bảo tồn gà lôi lam mào trắng.

(Nguồn: Vườn quốc gia Bạch Mã)

Tháng 5-2020, báo chí trong nước và thế giới liên tục đưa tin phát hiện loài mới ở Bạch Mã - Việt Nam. Có ít nhất 25 loài sinh vật mới được phát hiện lần đầu tiên tại vùng rừng núi này.

Kỳ tới: Những phát hiệnmang tên Bachma

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 4: Lạc vào đại ngàn kỳ hoa dị thảo Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 4: Lạc vào đại ngàn kỳ hoa dị thảo

TTO - Càng đi sâu vào đại ngàn Bạch Mã càng như lạc vào khu vườn kỳ hoa dị thảo. Những hoa thơm cỏ lạ ấy không chỉ tạo phong cảnh độc đáo mà nhiều loài còn là vị thuốc quý hiếm.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên