18/12/2011 16:07 GMT+7

Trẻ em đầm Chuồn

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Ở đầm Chuồn, thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, nhiều trẻ em đang ngày ngày lênh đênh sông nước phụ cha mẹ canh nhà chồ, giở nò, lưới cá, bắt trìa, chèo ghe…

bUow8Zh6.jpgPhóng to

Các em vui vẻ với thành quả thu được từ buổi chiều lặn hụp bắt trìa - Ảnh: L.Trung

Cách thành phố Huế khoảng 15km về phía đông, đầm Chuồn, thôn An Truyền, xã Phú An thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, được biết đến là địa danh đầm phá đẹp, có đặc sản là bánh tét và rượu gạo làng Chuồn.

Đặc biệt tại đầm Chuồn, hệ thống nhà “chồ” được mọc lên là nơi sinh sống của những hộ dân khó khăn, không có đất sinh sống, làm nhà cửa. Tại đây, nhiều đứa trẻ mới 5- 6 tuổi đã biết phụ ba mẹ rong ruổi trên sông nước mưu sinh. Cái nghiệp vất vả, lênh đênh trên sông nước sinh sống được truyền từ đời này đến đời khác đối với người dân ở thôn nghèo này.

wUHjBa3Y.jpgPhóng to

Mới 9 tuổi, bé Chi đã chèo ghe rất “sành sỏi” phụ giúp bố mẹ chài lưới - Ảnh: L.Trung

C3FPOO8U.jpgPhóng to
Cứ chiều xuống, hai anh em Toàn và Tình lại phụ ba mẹ lưới cá mưu sinh - Ảnh: L.Trung

Đang tất bật bơi ghe ra đầm để đánh bắt bá, trên tay là tấm lưới cá, hai anh em Nguyễn Văn Tình và Nguyễn Văn Toàn (12 tuổi), xóm 2, thôn An Truyền đang tất bật gỡ cá trong lưới. Tình cho biết hai anh em của em phụ ba mẹ lưới cá cả buổi chiều nay, đến nay kiếm cũng được kha khá cá, tôm. “Buổi sáng hai anh em đi học, còn buổi chiều phải ra đầm đánh cá. Nhà em nghèo, chúng em phải phụ ba, mạ đánh cá kiếm tiền ăn học” - Toàn nói.

YeH6YABh.jpgPhóng to
Bữa cơm chiều đạm bạc của những đứa trẻ trên những ngôi nhà “chồ” tạm bợ, xiêu vẹo ở đầm Chuồn - Ảnh: L.Trung

Tại đầm Chuồn, nhiều gia đình phải sống trong những ngôi nhà chồ bằng tre, nứa cũ kỹ, xập xệ, rộng khoảng 5m2, không có phòng vệ sinh. Anh Nguyễn Văn Thái, 27 tuổi, ở xóm 2, thôn An Truyền sống trên ngôi nhà chồ sụp xệ trên đầm Chuồn này đã được 8 năm. Gia đình anh chị đã có một đứa con, cả ngày hai vợ chồng đều vất vả lênh đênh sông nước bắt con cá, con tôm kiếm sống.

“Ngôi nhà này do làm bằng tre nứa, nên khoảng ba năm là sẽ hư hỏng do tác động của mưa, nắng, gió. Vì vậy sau ba năm phải sửa lại hoặc dựng lại căn khác, chứ không sẽ sụp lúc nào không biết, nguy hiểm lắm!” - anh Thái cho biết.

cSNZ9x5A.jpgPhóng to

Em Tình gỡ những con cá bị mắc lưới - Ảnh: L.Trung

DOXRCkNn.jpgPhóng to
"Buổi sáng em đi học, buổi chiều ra đầm bắt trìa. Mỗi buổi như vậy em bắt được 3-4kg trìa, bán cũng được hơn 10.000 đồng” - Chiến khoe số trìa mình vừa bắt được - Ảnh: L.Trung

Cách đó vài chục mét, nhóm bạn của Hoàng Văn Thái (lớp 8A Trường THCS Phú An, Phú Vang) đang cặm cụi, lặn hụp dưới mặt nước. Hỏi ra mới biết các em đang mò, bắt trìa. Cầm trên tay giỏ trìa cũng khá nhiều.

Thái nói: “Buổi sáng em đi học, buổi chiều phải tranh thủ ra đầm mò trìa. Mỗi lần bắt được 3-5kg, mỗi ký bọn em bán được 3.000 đồng. Số tiền bán được bọn em đưa mẹ mua thức ăn cho cả nhà, nhà bọn em cũng nghèo lắm!”.

Ông Phan Hiếu - trưởng thôn An Truyền - cho biết: “Hiện cả thôn có gần 30 nhà chồ của cư dân đầm Chuồn, đa số là những gia đình nghèo khó, không có đất ở. Cuộc sống khó khăn, vì vậy trẻ con ở đây mới 5-6 tuổi đã tất bật phụ giúp ba mẹ lênh đênh trên sông nước đánh bắt cá, tôm…”.

Trên hệ thống đầm Chuồn này, những đứa trẻ mặt mũi đen đúa, tóc cháy khô vì nắng một buổi đi học, một buổi đi làm phụ cha mẹ vẫn cần mẫn bơi ghe, thả lưới, canh nhà chồ... như thể đó là những việc rất đỗi bình thường, quen thuộc!

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên