11/11/2022 18:06 GMT+7

Tranh luận về vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Giải trình ý kiến của đại biểu về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay đã lấy ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ ngành đều đồng tình giữ quỹ. Đồng thời khi giá xăng dầu tăng, quỹ này sẽ giúp giảm tăng sốc.

Tranh luận về vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: PHẠM THẮNG

Chiều 11-11, thảo luận về dự án Luật giá (sửa đổi), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho biết từ đầu tháng 10 vừa qua, tình trạng đứt gãy nguồn cung khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng.

Ông dẫn chứng "không hiếm hình ảnh nhiều cây xăng đóng cửa hay người dân phải xếp hàng dài để chờ mua xăng". Từ đó ông cho rằng không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu và liệu có nên duy trì quỹ này nữa không.

"Nên chăng đã đến lúc thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa theo quy luật thị trường. Việc này cần được liên bộ Tài chính, Công Thương cân nhắc một cách thận trọng hơn.

Vì vậy tôi cho rằng việc quy định lập Quỹ bình ổn giá thành một điều luật riêng tại dự thảo luật có thể không phù hợp", ông Thịnh nêu.

Cũng nêu ý kiến về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng bình ổn giá là hành động can thiệp vào thị trường chỉ nên sử dụng trong vài thời điểm nhất định, một vài trường hợp nhất định.

"Đặc biệt với mặt hàng xăng dầu, những gì đang diễn ra cho thấy cần sự điều chỉnh phù hợp", ông An nêu ý kiến.

Ông An cũng chỉ rõ trong biện pháp bình ổn giá, mục tiêu là đảm bảo cho thị trường ổn định, nhưng chúng ta cũng cần đảm bảo lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp.

"Như trong câu chuyện xăng dầu hiện nay, tại sao doanh nghiệp nói càng nhập càng lỗ, càng bán càng lỗ, thì chúng ta xác định mối quan hệ này thế nào thì thực sự là bài toán cần giải quyết", ông An nói và bày tỏ không đồng tình việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Dẫn báo cáo giải trình của Bộ Tài chính có nêu quỹ này là bước đệm bình ổn giá và không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc, song ông An bình luận "không hiểu bước đệm này là gì?".

Ngoài ra, theo ông An, chúng ta hiện có nhiều công cụ khác để điều chỉnh, không lý do gì cần tồn tại quỹ này.

Nêu ý kiến giải trình sau đó về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay đã lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ ngành đều đồng tình giữ quỹ này.

Bởi theo ông Phớc, khi giá xăng dầu mà tăng lên thì ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Vì vậy giữ quỹ này giúp giảm tăng giá sốc từ từ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nói thêm hiện nay Nhà nước sử dụng 5 công cụ để điều chỉnh giá xăng dầu. Bao gồm thuế, chi phí định mức, nguồn cung, thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

"Càng nhiều công cụ thì đảm bảo điều chỉnh, giảm sốc giá xăng dầu phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất kinh doanh, cuộc sống người dân là điều rất cần thiết", ông Phớc nói thêm.

Đấu giá biển số ô tô: Đại biểu Quốc hội đề nghị không phát hành biển số đuôi 49, 53 Đấu giá biển số ô tô: Đại biểu Quốc hội đề nghị không phát hành biển số đuôi 49, 53

TTO - Theo thống kê của Tổng thư ký Quốc hội, khi thảo luận về đấu giá biển số ô tô, một số đại biểu đã đề nghị làm rõ biển số đẹp và không phát hành các biển số xấu theo quan niệm dân gian có số cuối 49, 53.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên