10/01/2018 15:19 GMT+7

Tranh cãi chuyện 'không làm phiền'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Hai chuỗi khách sạn lớn Walt Disney World và Hilton đã công bố những chính sách mới về cách sử dụng tấm biển “không làm phiền”. Thay đổi bắt nguồn từ những lo ngại an ninh.

Tranh cãi chuyện không làm phiền - Ảnh 1.

Những ô của sổ bị vỡ của khách sạn Mandalay Bay, nơi kẻ điên rồ Stephen Paddock xả súng sát hại 58 người vào ngày 2-10-2017 - Ảnh: REUTERS

Cuối tháng 12-2017, hệ thống khách sạn thuộc tổ hợp nghỉ dưỡng Walt Disney World của Công ty The Walt Disney công bố một thay đổi nhỏ nhưng rất đáng chú ý tại các phòng khách sạn của họ. Theo đó, những tấm biển "không làm phiền" (do not disturb) sẽ được bỏ đi, thay vào đó là tấm biển "phòng đang có người" (room occupied), và bất kể việc khách có muốn được dọn dẹp hay không, nhân viên khách sạn vẫn được yêu cầu vào phòng ít nhất một lần một ngày.

Cần thiết phải "làm phiền"

Trong thông báo ngày 26-12 vừa qua, Walt Disney World cho biết thay đổi mới trước hết sẽ diễn ra tại các khu nghỉ dưỡng Disney's Contemporary Resort, Polynesian Village Resort và Grand Floridian Resort & Spa. Trong những tuần tiếp theo sẽ triển khai tại các hệ thống phòng ốc khác của Disney World và Disneyland. Chính sách mới lập tức có hiệu lực ngay sau khi công bố.

Cụ thể, bảng thông tin cung cấp cho khách của Walt Disney World nêu rõ: "Khách sạn và nhân viên khách sạn có quyền được vào phòng quý vị vì bất cứ mục đích nào sau đây, nhưng không chỉ giới hạn trong số ấy, bao gồm thực hiện công tác bảo trì và sửa chữa hay kiểm tra tình trạng an toàn và an ninh của khách và tài sản".

Sự thay đổi của Walt Disney World cũng tương đồng với một chính sách về phòng khách sạn khác đã được Công ty Hilton triển khai từ cuối năm ngoái. 

Mặc dù không bỏ hẳn tấm biển "không làm phiền" như Walt Disney World, nhưng theo báo New York Times, chuỗi khách sạn lớn này yêu cầu các nhân viên phải thông báo với người quản lý khách sạn trong trường hợp thấy tấm biển này treo trước cửa phòng nào quá 24 giờ liên tục. 

Trong tình huống đó, người quản lý có quyền được vào phòng với bất cứ lý do nào họ cho là phù hợp. Trước đây Hilton vẫn cho phép việc khách được yêu cầu nhân viên không vào dọn phòng trong nhiều ngày liên tiếp.

Không chỉ Hilton và Disney, công ty kinh doanh khách sạn casino Wynn Resorts tại bang Nevada hiện cũng đã có một nhóm nhân viên chuyên trách theo dõi xem có phòng nào đặt biển "không làm phiền" liên tục trong ít nhất 12 giờ không.

Báo USA Today dẫn thông tin từ Hiệp hội Khách sạn Hoa Kỳ (AHLA) cho biết hầu hết các khách sạn có chính sách "không làm phiền" đều đặt giới hạn thời gian tối đa từ 24-72 giờ, sau đó các nhân viên khách sạn có thể vào phòng. 

Bà Rosanna Maietta, người phát ngôn của AHLA, giải thích: "Các khách sạn sở hữu phòng và có quyền vào phòng vì các lý do an ninh, an toàn của khách, bảo trì hoặc vệ sinh".

An toàn hay riêng tư?

Mặc dù cả Hilton lẫn Disney đều không giải thích rõ ràng là những thay đổi chính sách của họ có liên quan tới vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Las Vegas, song ý tứ của họ thì rất rõ ràng: đặt sự an toàn của khách cao hơn quyền riêng tư.

Dĩ nhiên các chuỗi khách sạn có lý của họ khi đặt ra các thay đổi chính sách. Song trớ trêu ở chỗ, những thay đổi đó diễn ra trong thời mà quyền riêng tư đang trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của mọi người nói chung và các du khách hiện đại nói riêng. Thậm chí sẽ không quá nếu bảo rằng có những du khách coi sự riêng tư là tiêu chí tiện nghi và sang trọng bậc nhất trong khi lựa chọn nơi nghỉ dưỡng.

Người ta có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào các mẫu cabin hạng nhất mới được thiết kế lại trên những chiếc Boeing 777 của Hãng hàng không Emirates và A380 của hàng không Singapore Airlines. Các khoang khách VIP này có thiết kế không gian riêng tư hoàn toàn "từ A đến Z", thậm chí có cả những "cửa sổ dịch vụ" để hành khách có thể trao đổi nhu cầu mà không cần phải nói chuyện với đội ngũ tiếp viên trên máy bay. 

Trong cách thiết kế những ngôi nhà riêng hay biệt thự nghỉ dưỡng tại nhiều nơi hiện nay cũng thế, chúng đều ở vị trí cách nhau rất xa để du khách được tận hưởng không gian riêng tư nhất có thể.

Ông Stephen Barth, luật sư kiêm giáo sư chuyên ngành khách sạn tại ĐH Houston, cho rằng việc thay đổi chính sách "không làm phiền" sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể nào tới trải nghiệm dịch vụ của khách. Theo ông Barth, trách nhiệm của khách sạn đôi khi phải thực thi những giải pháp không quen thuộc để đảm bảo an toàn cho khách.

Song giáo sư Michael McCall, chuyên ngành kinh doanh lưu trú khách sạn tại ĐH bang Michigan, không nghĩ vậy. Ông không cho rằng chính sách mới sẽ giúp mọi người an toàn hơn. Ông nhận định: "Rất nhiều khách sẽ thấy đây là sự xâm phạm quyền riêng tư. Sau 24 giờ, đó là một khoảng thời gian tùy hứng... Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của khách như thế nào? Tôi không nghĩ nó đã được giải thích rõ ràng". Ông cho rằng các khách sạn cần phải lắng nghe phản hồi của khách hàng về những thay đổi mới trong chính sách.

3 ngày "không làm phiền"

Ngày 2-10-2017, từ một căn phòng ở tầng 32 khách sạn Mandalay Bay Resort and Casino, tên Stephen Paddock, 64 tuổi, đã xả súng vào đám đông khoảng 22.000 khán giả đang xem tiết mục trình diễn của ca sĩ Jason Aldean, giết chết 58 người và làm bị thương hơn 500 người. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Kẻ xả súng đã treo tấm biển "không làm phiền" trong suốt ba ngày khi hắn lên kế hoạch tấn công. Đã không có nhân viên nào vào dọn dẹp căn phòng chứa đầy đạn và vũ khí của hắn trong những ngày "không làm phiền" liên tiếp đó.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên