03/06/2020 12:55 GMT+7

Trận chiến Midway và thông điệp 'đề tặng Phát xít' gây tranh cãi

MI LY
MI LY

TTO - Bộ phim Midway tham vọng tái hiện trận Midway lừng lẫy giữa quân Mỹ và Nhật trong Thế chiến 2 với độ chân thực lịch sử tối đa.

Trailer phim Midway (Trận chiến Midway)

Midway có tên tiếng Việt Trận chiến Midway. Tại Mỹ, phim ra mắt từ cuối năm 2019 nhưng đến nay mới ra rạp Việt Nam. Midway là dự án đầy tham vọng của biên kịch Wes Tooke và đạo diễn Roland Emmerich.

Tooke và Emmerich muốn làm nên bộ phim bám sát lịch sử trận Midway - trận đánh bước ngoặt của Thế chiến 2, diễn ra từ 4-6 đến 7-6-1942. Hầu hết nhân vật và tình tiết trong phim là có thật, dù có giản lược và thay đổi.

Tham vọng tái hiện lịch sử với 100 triệu USD

Đạo diễn - nhà sản xuất Roland Emmerich mất nhiều năm tìm kinh phí cho Midway đến khi huy động được 100 triệu USD.

Đây là một trong những phim độc lập có kinh phí cao nhất từ trước đến nay, được quay vào năm 2018 ở Hawaii và Montreal. Doanh thu toàn cầu của phim là 125 triệu USD.

Trận chiến Midway và thông điệp đề tặng Phát xít gây tranh cãi - Ảnh 2.

Nam diễn viên chính Ed Skrein (trái) và phi công Richard "Dick" Best, nguyên mẫu đời thực - Ảnh: LIONSGATE

Midway kể câu chuyện từ nước Mỹ, hải quân Mỹ. Hầu hết nhân vật chính và phụ đều có thật trong lịch sử, là những phi công, pháo thủ, thợ máy, sĩ quan và đô đốc Mỹ.

Họ từng lập công diệt phát xít và được phong anh hùng trong Thế chiến 2, đặc biệt có công lớn trong trận Midway.

Đó là phi công tài năng Dick Best - chỉ huy phi đội Oanh tạc 6 (nhân vật chính của phim), sĩ quan tình báo Edwin Layton - một trong những bộ não của chiến dịch, chuyên gia mật mã hàng đầu Joseph Rochefort, đô đốc Chester W. Nimitz, phi công Wade McClusky, phi công Clarence Dickinson, phi công huyền thoại Jimmy Doolittle, pháo thủ dũng cảm Bruno Gaido...

Trận chiến Midway và thông điệp đề tặng Phát xít gây tranh cãi - Ảnh 3.

Đô đốc Chester W. Nimitz (chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương) do Woody Harrelson thủ vai - Ảnh: LIONSGATE

Trong đó, Dick Best (Ed Skrein) được chọn làm nhân vật trung tâm, có câu chuyện đời tư - chiến đấu được mô tả kỹ lưỡng nhất. Nhưng Midway hơi tham lam "chép sử", chú trọng sự đủ đầy và toàn cảnh hơn là ấn tượng, độc đáo và sâu sắc. Điều đó khiến phim trở nên dàn trải và thiếu chất người.

Phim đưa ra hàng chục nhân vật, mô tả chiến công và tính cách mỗi người nhưng hơi sơ lược, thông qua những lời thoại màu mè. Điều này khiến họ xuất hiện như những hình mẫu hơn là con người bằng xương bằng thịt.

Trận chiến Midway và thông điệp đề tặng Phát xít gây tranh cãi - Ảnh 4.

Đô đốc Yamamoto Isoroku do Etsushi Toyokawa thủ vai - Ảnh: LIONSGATE

Yamamoto Isoroku, đô đốc lừng danh của Nhật, cũng có một câu thoại lạ lùng nói về Mỹ sau khi thua Nhật ở Trân Châu Cảng: "Ta sợ rằng chúng ta đã đánh thức một tên khổng lồ đang say ngủ và ban cho hắn một lòng quyết tâm khủng khiếp".

Câu thoại này được sử dụng trong cả phim Tora! Tora! Tora! (1970) và Trân Châu Cảng (2001) nhưng không có bằng chứng cho thấy Yamamoto thực sự nói câu đó ngoài đời.

Dick Best, người lập chiến công lái máy bay bổ nhào phá hủy 2 tàu sân bay của Nhật, cũng không phải là nhân vật chính giàu sức nặng như Đại úy John Miller trong Giải cứu binh nhì Ryan, tiểu đội lính xe tăng trong Fury, hay thậm chí Miyabe Kyuzo - phi công cảm tử Kamikaze của Nhật trong The Eternal Zero (Zero vĩnh cửu, bộ phim từ góc nhìn của người Nhật về Thế Chiến 2).

Trận chiến Midway và thông điệp đề tặng Phát xít gây tranh cãi - Ảnh 5.

Một cảnh chiến đấu trong Midway - Ảnh: LIONSGATE

Về đồ họa, trận chiến Midway nổi tiếng ác liệt và cam go, nhưng những cảnh chiến đấu của phim Midway chỉ dừng ở mức PG-13, không thể hiện được sự khốc liệt của chiến tranh.

Các cảnh tấn công bằng máy bay bổ nhào không đủ gay cấn hay khiến khán giả phải thót tim. Các đại cảnh chiến đấu trên bầu trời và giữa đại dương khá đẹp mắt, hoành tráng nhưng kỹ xảo gợi nhớ đến game online.

Tranh cãi "lời đề tặng Phát xít Nhật"

Làm phim chiến tranh luôn rất khó, không chỉ vì thách thức về kỹ thuật mà còn vì vấn đề chọn điểm nhìn. Lịch sử rất phức tạp, có nhiều điểm nhìn khác biệt, trái ngược, xung đột gay gắt thậm chí "một mất một còn". Còn phim ảnh thường phải đưa ra thông điệp phổ quát, nhân văn, vượt lên thời đại.

Khi làm phim về một cuộc đại chiến như Thế chiến 2, không dễ để chọn góc nhìn thuyết phục cho tất cả các bên.

Trận chiến Midway và thông điệp đề tặng Phát xít gây tranh cãi - Ảnh 6.

Nick Jonas vào vai pháo thủ Bruno Gaido, người được thăng cấp sau một chiến công - Ảnh: LIONSGATE

Midway dường như bị mắc kẹt khi lựa chọn điểm nhìn. Ca ngợi hải quân Mỹ trong trận chiến Midway là điều dễ hiểu, nhưng thái độ của phim với quân đội Nhật cần xem xét. Khi chiếu tại Mỹ, phim gây tranh cãi gay gắt vì 2 câu cuối phim.

Đó là 2 câu tưởng như rất nhân văn: "Bộ phim này được dành tặng cho các thủy thủ Mỹ và Nhật Bản đã chiến đấu tại Midway. Biển cả khắc ghi trong lòng". Trong phim, đô đốc, sĩ quan và binh lính Nhật cũng được mô tả là trung thành, dũng cảm, trọng nghĩa và yêu nước.

Trận chiến Midway và thông điệp đề tặng Phát xít gây tranh cãi - Ảnh 7.

Dàn diễn viên tại một sự kiện quảng bá phim - Ảnh: LIONSGATE

Điều này gây tranh cãi dữ dội. Khán giả, đặc biệt là các cựu binh Mỹ, và nhiều trang báo cho rằng việc "đề tặng những người lính Nhật trong Thế chiến 2", đúng hơn là "Phát xít Nhật", là không hợp lý.

"Chúng ta vừa xem một bộ phim về cách người Mỹ báo thù trận Trân Châu Cảng, và phim kết lại bằng cách đề tặng cả lính Mỹ lẫn lính Nhật. Trong khi đó, quân đội Nhật trong Thế chiến 2 được biết đến với vụ thảm sát Nam Kinh, tra tấn tù binh Mỹ và trận Trân Châu Cảng" - trang Washington Examiner viết.

Một bài viết trên KSL News Radio cho rằng thông điệp này thật "xúc phạm". "Một lời đề tặng chân thành nhưng rất mâu thuẫn. Điều đó đặt ra một loạt câu hỏi về tính đại diện lịch sử và giới hạn của sự đồng cảm trong bộ phim này" - trang History Extra viết.

Trận chiến Midway và thông điệp đề tặng Phát xít gây tranh cãi - Ảnh 8.

Phi công cảm tử của Nhật trong Thế chiến 2 là nỗi kinh hoàng của Hải quân Mỹ - Ảnh: LIONSGATE

Nhiều khán giả cho rằng phim ảnh hoàn toàn có thể đưa ra điểm nhìn riêng về lịch sử nhưng phải thuyết phục. Midway thể hiện điểm nghiêng về phía Mỹ nên 2 câu kết thực sự gây sững sờ.

Bảo vệ bộ phim của mình, đạo diễn Roland Emmerich (người Đức) cho biết ông muốn nhân tính hóa cả 2 phe: "Hãy luôn cẩn thận khi nhìn vào lịch sử. Đừng tin thứ gì chắc chắn... Yamamoto biết về lâu dài Nhật không thể chiến thắng, vì vậy đây là ván cờ giữa Đô đốc Nimitz và Hải quân Nhật Bản. Tôi nghĩ đó là câu chuyện siêu thú vị.

Các thủy thủ, phi công, điện đài viên - tất cả chỉ làm công việc của họ. Có người dũng cảm, có người không. Có kẻ liều lĩnh, có kẻ dè dặt. Đây là sự pha trộn của tất cả những người này trong một bộ phim".

Cuộc di tản nhìn từ bảo tàng Midway Cuộc di tản nhìn từ bảo tàng Midway

TTCT - Đúng 12g trưa 30-4-2010, Bảo tàng Midway trên bến cảng San Diego, nguyên là hàng không mẫu hạm USS Midway, cử hành kỷ niệm chiến dịch cuối cùng trong chiến tranh Việt Nam mà con tàu này đã tham dự. 35 năm sau, thời gian đủ dài để nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam, cụ thể là cuộc di tản ấy trên biển.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên