17/01/2016 16:00 GMT+7

​Chinh phục tứ đại đèo

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

Núi rừng đang chìm trong sương mù mờ mịt, chợt trong veo dưới nắng ửng. Những đoạn đèo cùi chỏ hiểm trở vừa bắt lữ khách ngửa mặt nhìn trời vượt dốc đứng, lại bất ngờ cắm đầu thăm thẳm xuống vực sâu. Có lúc cảm giác rờn rợn lạc giữa rừng hoang, nhiều khi lại thấy thật bình an với bản làng lúp xúp bên đồi… 

Và đó là những cảm giác đi qua “tứ đại đèo” (bốn ngọn đèo kỳ vĩ nhất) ở vùng Đông - Tây Bắc: Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pí Lèng, Pha Đin. Dân phượt mải mê du lịch ví von nếu chưa vượt qua tứ đại đèo thì chưa thể nói đã biết gì về núi rừng nơi địa đầu Tổ quốc.

Mờ mịt sương gió Ô Quy Hồ

Mất gần trọn ngày đầu để tôi vượt đoạn đường dài Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa. Chân đèo Ô Quy Hồ, hay còn gọi là đèo Hoàng Liên Sơn, hùng vĩ nhất trong các con đèo Tây Bắc đã hiện ra trong ánh hoàng hôn hanh hao, nhưng tôi đành phải luyến tiếc tạm đợi ngày mai.

Không chọn thị trấn Sa Pa quen thuộc, tôi qua đêm ở nhà dân ngay dưới chân đèo để được nghe chuyện dân dã về cung đường Tây Bắc. Anh Hoàng, chủ nhà, có vợ người dân tộc Dao Đỏ, hoạt bát hẳn sau khi cạn vài cốc San Lùng - một loại rượu chưng cất bằng lúa nương theo bí quyết người Dao ở Lào Cai. “Bạn phượt Ô Quy Hồ giờ thì nhẹ lắm rồi. Hồi xưa chẳng mấy ai muốn qua con đèo này nếu không bắt buộc phải đi. Nó chỉ là con đường nhỏ xíu lổn nhổn đất đá vắt trên các triền núi.

Cua móng ngựa tại Yên Minh, Hà Giang - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mới cách đây độ đôi chục năm vẫn còn các trai tráng dân tộc khỏe mạnh chuyên leo xuống các vực sâu dưới chân đèo tìm kiếm sắt vụn từ những chiếc xe bị tai nạn”. Chuyện trở nên rờn rợn trong đêm. Tôi trả lời mươi năm trước đã từng vượt Ô Quy Hồ từ phía Lai Châu. Ngồi xe khách cọc cạch mà nhiều lúc cứ thấy bánh xe bên phải lạo xạo nghiến trên đá cuội chênh vênh mép vực. Anh Hoàng cười, chuyền tay tôi ly San Lùng: “Đường đèo giờ đã được sửa chữa đẹp rồi. Hảo hán phải qua đèo cao, vực thẳm mới biết số mệnh mình”.

6 giờ sáng hôm sau, chúng tôi nổ máy xe. Vợ chủ nhà chân chất tặng gói khoai lang nướng: “Ăn thử khoai lang trồng ở Ô Quy Hồ xem ngọt thế nào nhé”. Mong muốn của tôi được ngắm đèo trong sương mù ban mai. Trên quốc lộ 4D, Ô Quy Hồ hiểm trở, ẩn hiện mờ mịt trong màn sương dày đặc. Bất chợt trận mưa sáng giao mùa thu – đông lại trút nước làm núi rừng càng mịt mù thêm. Cảm giác khó tả khi mây mù trên núi cao mơn man mặt mình, tay như có thể bốc được mây. Những cô gái dân tộc đeo gùi đi hái măng rừng cách tôi chỉ chục mét mà chỉ nghe tiếng cười chứ không thể thấy được họ.

Càng lên cao, cảm giác khám phá thú vị lại càng dồn dập. Từ Lào Cai, quốc lộ 4D vắt trên mạn trái dải Hoàng Liên Sơn, hầu hết cung đường bên phải là vách núi dựng đứng với những dải thác trút xuống, còn bên trái là vực thẳm nối tiếp vực thẳm. Tuy nhiên, ngay bên kia vực lại là các dải núi trùng điệp, nên nhiều lúc ở trên đèo cao mà cứ có cảm giác mình lọt thỏm trong thung lũng được bao quanh bởi trường thành sơn cước.

Mươi năm trước, khi vượt cung đường này đi viết loạt bài “Những miền gái đẹp”, tôi có ngủ đêm lại chân đèo ở Phong Thổ, Lai Châu và nghe nhiều chuyện đường rừng đẹp như huyền thoại. Bà Vàng Thị Hới, một trong những mỹ nữ cuối cùng còn sống trong đội múa xòe dân tộc Thái Trắng của chúa đất Đèo Văn Ơn, kể rằng những năm đầu thập niên 1940 đã từng nhiều lần vượt con đèo “khủng khiếp” này.

Hồi ấy, đường đèo chỉ là lối mòn như sợi chỉ vắt vẻo qua núi cao, vực thẳm, người ngựa đi qua nhiều đoạn còn phải dẫn bộ. “Chúa Đèo Văn Ơn có kết giao với quan công sứ Pháp ở Lào Cai nên dịp lễ hội hay cử đội múa xòe chúng tôi sang biểu diễn. Khi ấy, tôi mới là cô gái 13 tuổi, trẻ nhất trong đội múa 12 người. Mỗi lần đi múa hầu quan Pháp mặc dù được thưởng tiền nhưng chị em đều sợ lắm. Giặc phỉ, hổ beo, ma rừng là nỗi ám ảnh khủng khiếp trên con đèo ngút ngàn này” - nhiều năm đã trôi qua nhưng ký ức bà Hới vẫn còn vẹn nguyên.

Bà kể nếu trời đẹp, họ rong ruổi trên lưng ngựa bốn, năm ngày đêm mới xuống được Lào Cai, còn nhiều chuyến phải đi mất hơn cả tuần. Đoạn đường dài 150km có 50km là đèo hiểm. Đến những đoạn hiểm trở trên lưng núi, lối mòn sỏi đá nhỏ xíu, họ phải rời lưng ngựa để đi bộ vì sợ ngựa sạt chân rơi xuống vực. Ban ngày thì khỉ, sóc, trăn, rắn vắt vẻo ở tán rừng trên đầu họ. Đêm xuống, núi rừng thâm u cứ bị xé tan bởi tiếng cọp gầm, voi rống. Cái tên Ô Quy Hồ được lữ khách đường rừng cho rằng xuất phát từ loài chim hiện thân các linh hồn vất vưởng ở rừng hoang vực thẳm, mặc dù cũng có truyền thuyết kể rằng nó bắt nguồn từ một tình yêu đẹp không được trọn vẹn duyên đôi lứa...

Nắng ửng lên sau trận mưa sáng, tôi luyến tiếc rời Cổng Trời và cô hàng nước Lò Thị Thu, người dân tộc Thái, má đỏ hồng để xuôi dốc đèo trên địa phận Lai Châu. Cánh “phượt thủ” tin rằng có cả bốn mùa trong một ngày trên Ô Quy Hồ. Đoạn đèo trên địa phận Lào Cai rét căm căm trong sương mù mùa đông, chợt dịu dàng như tiết thu bên phần đất Lai Châu. Nắng trải vàng trên triền núi với con suối đá róc rách bên mạn phải.

Đỉnh đèo “chiến binh mây mù”

Ngày thứ tư hành trình, tôi đặt chân đến Khau Phạ, cung đèo nổi tiếng dài 30km trên quốc lộ 32 nối liền huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Cảm xúc thật háo hức vì chưa từng vượt đèo này, nhưng tôi phải nán lại Tú Lệ vì trời đã xế chiều. Tối ở bản làng dưới thung lũng, tôi thưởng thức món xôi nếp danh tiếng với câu truyền miệng khắp xứ Tây Bắc “nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”. Những hạt nếp tròn có hương vị dẻo ngon đặc biệt nhờ trồng trên ruộng nương bậc thang với nguồn nước tinh khiết từ dải núi Khau Phạ chảy xuống. Du khách đến đây ai cũng tìm mua vài bọc nếp Tú Lệ làm quà.

Tuy nhiên, bản làng nổi tiếng đầu đèo Khau Phạ này còn có một nét rất đặc biệt khác mà không phải lữ khách nào lướt qua cũng kịp cảm nhận: đó là nét đẹp quyến rũ của những cô gái Thái Trắng. “Có người cho là con gái Tú Lệ xinh đẹp nhờ ngô thóc xứ này thơm ngon. Nhưng cũng có người lại tin rằng làn da trắng ngần của thiếu nữ bắt nguồn từ nước suối Khau Phạ. Trên các đỉnh núi cao, nhiều thác nước đổ xuống rồi hợp thành dòng suối dài hơn 8km chảy qua cánh đồng Tú Lệ. Các cô gái ở đây đều tắm chung dòng suối này” – anh Hoàng Văn Soàn, phó chủ tịch xã Tú Lệ, tự hào khi kể về mỹ nữ quê mình.

Nhờ sự dẫn đường của Soàn, tôi đến bờ suối chỉ cách quốc lộ 32 vài trăm mét để được tận mắt chiêm ngưỡng các tòa thiên nhiên tuyệt sắc. Trăng non gác trên đỉnh núi làm dòng suối mờ sẫm nhưng lại tôn bật những làn da mịn màng trắng ngần. Những mái tóc dài xõa tung như sóng đùa trên mặt nước. Các đôi mắt lấp lánh nửa tự nhiên nửa e thẹn nhìn khách lạ như ánh sao rơi trên mặt suối.

Tôi tiếc nuối đóng nắp kính máy ảnh khi Soàn kể: “Ngày trước các cô gái Tú Lệ còn thoải mái cho du khách chụp hình kỷ niệm. Nhưng gần đây họ không ưng bụng nữa khi nhiều người chụp ảnh đăng lên mạng với những lời bình phẩm tắm tiên dung tục quá. Chuyện mình trần tắm suối tự nhiên của đồng bào từ bao đời, ai cũng có thể chung tắm, sợ rằng sẽ không còn được bao lâu nữa”.

Đêm Tú Lệ da diết, khó ngủ khi tôi được mời ly rượu táo mèo và nghe cô chủ nhà trọ hát tặng bài ca dân tộc Thái “Muốn chơi hãy chơi khi mùa hoa ban nở, muốn vui hãy vui khi mùa ban chưa tàn…”. Sáng hôm sau, cảm giác háo hức chinh phục đèo Khau Phạ của tôi còn có thêm cả nỗi chia tay lưu luyến. Khác hẳn với sự hiểm trở, vắng bóng dân cư sinh sống trên đèo Ô Quy Hồ, lác đác bên triền Khau Phạ là những mái nhà dân ẩn khuất trong tán đào rừng và vườn ngô xanh mướt. Trên đèo còn có cả trường học mang tên Khau Phạ. Tiếng í ới của các em làm ấm lòng lữ khách trong gió lạnh đầu đông. Cả nửa giờ, xe tôi vẫn chạy vòng tròn quanh ba triền núi cao với thung lũng sâu thẳm bên dưới. Nhưng cảm giác không hoang vu, rờn rợn như Ô Quy Hồ khi dưới vực sâu vẫn ẩn hiện một dòng suối như dải tơ hiền hòa len lỏi chảy qua bản làng.

Lát sau, Sừng Trời, diễn giải từ Khau Phạ của người Thái, đã hiện ra hùng vĩ trên độ cao khoảng 1.500m. Người dân tộc địa phương tin rằng đây là đỉnh linh thiêng để tiếng lòng họ có thể vọng tận trời xanh. Khi có gì buồn khổ, oan ức hay thất tình, họ sẽ leo lên đây giải nỗi niềm với thần linh. Ngày nay, tại đỉnh Khau Phạ còn có đài tưởng niệm đội du kích kháng Pháp. Theo các trang quân sử, những người lính này chỉ sử dụng bẫy đá, bãi chông, cung nỏ và súng kíp cũng làm khiếp vía lính lê dương Pháp qua cung đường hành quân Nghĩa Lộ - Lai Châu. Từ đỉnh núi mù sương, họ thoắt ẩn thoắt hiện như bóng ma khó hạ, khiến lính viễn chinh đã phải kiềng nể gọi là “chiến binh mây mù”.

Chính nhờ nước rừng tinh khiết ở Ô Quy Hồ mà các trang trại nuôi cá tầm, cá hồi ở đây đều thành công. Kỹ sư Đào Văn Phú vui vẻ mời tôi đi thăm các trại cá của mình. Nước suối trong lạnh trên đèo được guồng quay dẫn vào hồ. Anh cho rằng cá hồi và cá tầm chỉ phát triển tốt ở nhiệt độ không quá 270C, và không ở đâu có môi trường để cá sống thuận lợi như Ô Quy Hồ. Du khách sẽ luyến tiếc nếu lướt qua các trại cá này mà không được nhìn ngắm những con cá hiếm nặng 20-30kg lượn lờ. Hương vị của chúng cũng ngon hơn hẳn cá dưới đồng bằng nếu thưởng thức tươi sống ngay bên dòng suối.

Ngay đỉnh đèo, một mỏm núi lớn nhô ra vực để chơi môn thể thao dù lượn. Cảm giác được bay lượn trên các đỉnh núi cao, vực sâu vô cùng thú vị, nhưng chắc chắn không phải ai cũng đủ can đảm. Gần đó còn có một nhà nghỉ khá đẹp bằng gỗ níu chân du khách. Chủ quán nhanh nhạy tiếp thị mình có đủ tất cả đặc sản Tây Bắc từ cá chình, cá lăng suối đá đến lợn bản thả rông, gà nương, dê núi…

Xuôi đèo Khau Phạ, ruộng bậc thang nối liền các bản làng nghe lạ tai như Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Su Phình... Dừng chân ở quán ăn của người Mông bên đường, tôi đã thưởng thức chén cơm trắng dẻo thơm được nấu từ ruộng lúa bậc thang Mù Cang Chải. Cảm giác quên cả no khi lùa vào miệng hạt cơm trên miền sơn cước đã được xếp hạng danh thắng quốc gia…

Qua những cung đèo lịch sử

Xuôi Khau Phạ, tôi hạ dần độ cao xuống Mường Kim, tỉnh Lai Châu, rồi theo quốc lộ 279 qua Sơn La. Cảnh sắc giao mùa thay đổi liên tục. Vừa ngẩn ngơ với hồ thủy điện Lai Châu giữa các dãy núi đá vôi trùng điệp như Hạ Long trên cạn, thì lại không muốn dời chân bên bờ Đà giang ở Quỳnh Nhai. Nấn ná mãi, cuối cùng tôi cũng về đến Tuần Giáo để rẽ quốc lộ 6, vượt cung đèo Pha Đin lịch sử dài 32km nối liền tỉnh Điện Biên với Sơn La.

Hồ Lai Châu đẹp như tranh vẽ trên đường Khau Phạ sang đèo Pha Đin - Ảnh: QUỐC VIỆT

Sở dĩ nhiều người gọi đây là cung đèo lịch sử vì nó gắn liền với trận chiến Điện Biên Phủ. Ông Trần Văn Dõi, nguyên đại đội trưởng đại đội công binh tham gia đánh Pháp ở chiến dịch Điện Biên Phủ, từng tâm sự cho tôi nghe về đèo hiểm này: “Ngày trước đèo Pha Đin hiểm trở đến mức người xe bình thường vượt qua nó cũng rất khó. Nhưng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nó lại là một trong những huyết mạch vận chuyển lương thực và kéo pháo tham chiến. Chỉ một khẩu pháo đã cần đến vài chục người trực tiếp kéo, rồi thêm nhóm đi trước sửa đường, nhóm sau chèn bánh xe, gùi đạn pháo trong khi trên trời máy bay Pháp quần thảo điên cuồng đánh phá. Bộ đội miền Nam mới lên đèo còn háo hức với cảnh đẹp hùng vĩ, nhưng chỉ một lát đã không còn tâm trí nhìn ngắm với mưa bom trên đầu, máu đẫm dưới chân. Ai đã từng vượt Pha Đin những ngày lịch sử này sẽ nhớ mãi suốt đời”.

Sau bước ngoặt lịch sử năm 1954, cung đèo Pha Đin trải qua nhiều đợt sửa chữa nhưng vẫn luôn là cung đèo nguy hiểm ở Tây Bắc. Nhà văn Hoàng Quốc Hải kể có lần ông đi thực tế, xe mình chạy trên đèo, xe bị tai nạn vẫn còn nằm ngửa dưới vực. Khao khát thưởng ngoạn cung đèo tuyệt đẹp của Tây Bắc tự dưng chùng hẳn xuống. Từ năm 2006, đường đèo Pha Đin đã được sửa chữa, mở rộng và chỉnh tuyến lại để hạ độ cao so với đèo cũ khoảng 200-400m. Khách muốn đi nhanh, nhẹ nhàng hơn có thể chọn đường mới này. Ai muốn sống lại lịch sử và phiêu diêu cảm xúc mạnh với đèo cũ hiểm trở nên chọn đường đèo cũ. Cổng Trời, nơi cao nhất của nó ở mức 1.648m so với mực nước biển. Đường cũ nhỏ xấu với nhiều khúc cua gắt nguy hiểm hơn hẳn đường mới.

Bia kỷ niệm đội du kích Khau Phạ - Ảnh: QUỐC VIỆT

Buổi chiều trên đèo Pha Đin cũ, tôi phóng tầm mắt nhìn bao quát được các thung lũng và những dải núi đồi trùng điệp phía xa. Đây chính là điểm khác biệt của Pha Đin so với Ô Quy Hồ hay Khau Phạ. Đường đèo cũ mới như song đôi, tầm nhìn rộng, cảnh sắc mênh mông, đặc biệt là đứng trên đèo cũ có thể ngắm được cung đèo mới uốn lượn với các đoàn xe tấp nập ngược xuôi Tây Bắc. Trong tiếng Thái, Pha Đin mang nghĩa Trời Đất, có lẽ khởi nguồn chính từ cảnh quan kỳ vĩ này.

Ô Quy Hồ nhìn từ cổng trời Sa Pa - Ảnh: HOÀI LINH
Đèo Mã Pí Lèng bao gồm chín khúc quanh uốn bên vách đá dựng đứng, bên dưới là vực sâu sông Nho Quế - Ảnh: HOÀI LINH
Phút dừng chân của những cô gái Mông trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng - Ảnh: HOÀI LINH
Một gia đình người Mông trên đường lên nương ở Quản Bạ, Hà Giang - Ảnh: HOÀI LINH

Rong ruổi trên đường đèo cũ, tôi được chạm vào tấm bia tưởng niệm xương máu những người lính đã vượt dốc núi hiểm trở này để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, và ghé thăm trạm khí tượng thủy văn nằm cheo leo đỉnh núi. Mới hôm trước, tại đây đã truyền về Hà Nội các số liệu chính xác để tôi có thể xem dự báo thời tiết cho hành trình vượt đèo. Dù chậm hơn một chút nhưng cung đèo Pha Đin cũ này còn cuốn hút lữ khách bởi sự vắng vẻ, yên tĩnh của nó. Những chú lợn đeo gông ngộ nghĩnh bên đường. Những đứa bé xinh xắn chăn dê. Và thi thoảng khách còn được mời mua mật ong rừng hay cải mèo. Loại mật ong tinh khiết của thảo nguyên Mộc Châu dưới chân đèo. Còn cải có lá tưa như răng cưa mà người đồng bằng một lần nếm thử sẽ không quên cũng như khó quên được đôi mắt mơ huyền của cô gái Thái bán cải…

Mây phủ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng - Ảnh: HOÀI LINH

Và Mã Pí Lèng, cung đèo cuối cùng trong tứ đại đèo núi rừng phía Bắc, mời gọi bước chân tiếp tục khám phá. Không chỉ là tuyệt tác thiên nhiên trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Mã Pí Lèng còn được gọi là cung đèo lịch sử vì nó gắn liền với mồ hôi và xương máu của hàng ngàn dân công khai mở cung đường này trong suốt hai thập niên 1950-1960. Ngày nay, lướt xe nhẹ nhàng trên con đường mang tên Hạnh Phúc, thưởng ngoạn các dãy núi đá vôi trùng điệp chọc thủng trời xanh và mơ màng với dòng sông Nho Quế như dải lụa xanh là thắt lưng thiếu nữ uốn lượn dưới vực sâu, du khách sẽ khó kìm được xúc động khi nghe kể chuyện người đi mở đường. Và nói như ông Hà Văn Nhị, người chỉ huy đội mở đèo, ở ngay đoạn cao nhất được ông đặt tên là điểm A1: “Chúng tôi không coi đó là công việc mà ý thức nó là cuộc chiến, cuộc chiến của sức trai trẻ cho quê hương đất nước mình…”.

Thôi, xin tạm dừng lại ở đây một chút bí mật, một chút hấp dẫn, gợi cảm chưa kể, để mời những bước chân tự phiêu du khám phá…

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên