14/09/2019 08:00 GMT+7

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi 'Hạ Long của miền Tây Bắc'

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH
LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH

TTO - Vẻ đẹp mê hoặc của lòng hồ Thuỷ điện Sơn La giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ đã thôi thúc Là Văn Phong và những người bạn trẻ huyện Quỳnh Nhai vay tiền khởi nghiệp.

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 1.

Ảnh: NGỌC QUANG

Được gọi tên là "dòng sông ánh sáng", trong 40 năm qua, sông Đà đã bị "khuất phục" để xây dựng 3 công trình thuỷ điện lớn nhất Việt Nam (Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu), trong đó Nhà máy thuỷ điện Sơn La là nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á với công suất thiết kế 2.400 MW, điện lượng bình quân hằng năm hơn 10 tỉ KWh.

Thủy điện Sơn La - Video: NGỌC QUANG

Được xây dựng sau Thuỷ điện Hoà Bình 25 năm, Nhà máy Thuỷ điện Sơn La là một nhà máy hiện đại, có mức độ tự động hoá cao. Đây là công trình được Quốc hội thảo luận rất kỹ và lựa chọn phương án "Sơn La thấp" để đảm bảo an ninh cho phía hạ lưu: mực nước dâng bình thường 215m (mực nước chết 175m). Thân đập có chiều dài gần 1km.

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 3.

Ảnh: NGỌC QUANG

Từ năm 2010, thời điểm chính thức chặn dòng tích nước phục vụ phát điện, Thuỷ điện Sơn La đã "kiến tạo" một vùng biển hồ mênh mông với diện tích 224km2, dung tích lên đến 9,26 tỉ m3 nước. Kết hợp với địa hình tự nhiên hùng vĩ nơi đây, vùng lòng hồ thuỷ điện đẹp mê hoặc như một "Hạ Long của miền Tây Bắc".

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 4.

Ảnh: LÊ KIÊN

Bắt đầu từ tháng 9 khi thuỷ điện tích nước, mực nước trong lòng hồ dâng cao, và mùa thu đến, khu vực lòng hồ thuỷ điện Sơn La trải dài 175 km từ Mường La, Quỳnh Nhai (Sơn La) đến Mường Lay, Nậm Nhùn (Điện Biên) là một vùng non nước hữu tình, khích lệ những du khách ưa khám phá.

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 5.

Cầu Pá Uôn - Ảnh: LÊ KIÊN

Đây là cầu Pá Uôn (huyện Quỳnh Nhai), cây cầu cao nhất Việt Nam với trụ chính cao 103,8m, được xây dựng tại nơi trước đây là một bến đò ngang chở khách qua sông Đà. Nhà văn Nguyễn Tuân, khi viết tác phẩm "Người lái đò sông Đà" cũng đã lưu lại chốn này.

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 6.

Ảnh: LÊ KIÊN

Cách đây 10 năm, một cuộc di dân khổng lồ đã được các tỉnh Sơn La, Điện Biên thực hiện trước giờ chặn dòng, với gần 100.000 người phải di dời khỏi bản làng, rời xa nơi chôn rau cắt rốn. Huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) là địa phương chiếm diện tích lòng hồ lớn nhất, với 9/11 xã phải di dời, tái định cư lên những vùng đất cao.

"Nhưng giờ đây, lòng hồ lại gợi ý cho chúng em phát triển kinh tế mới với du lịch và nuôi thuỷ sản", chàng trai người Thái sinh năm 1993 Là Văn Phong tâm sự.

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 7.

Chàng trai người Thái sinh năm 1993 Là Văn Phong - Ảnh: ĐỨC BÌNH

Năm 2014 Phong tốt nghiệp Đại học Tây Bắc (khoa Kinh tế), ra trường nhưng không kiếm được việc làm, trở về bản Pó Ban (xã Chiềng Bằng, Quỳnh Nhai) ngay bên lòng hồ với những suy tư.

"Từ năm 2015 em thấy khách du lịch có nhu cầu khám phá lòng hồ, lần đầu tiên em thuê chiếc thuyền đánh cá bé của người dân chở 17 khách du lịch, thu mỗi người 200.000 đồng thôi", Phong kể.

Khởi nghiệp với du lịch ở Quỳnh Nhai - Video: NGỌC QUANG

"Năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ phát động. VCCI tổ chức một cuộc thi ở đại học Tây Bắc, chúng em viết dự án lên thuyết trình. Hồi xưa quê em ở dưới lòng hồ kia, nghèo lắm… Em cũng muốn làm cái gì đó để cải thiện cuộc sống…

Năm 2017 chúng em thành lập hợp tác xã thuỷ sản và du lịch Quỳnh Nhai, nhưng tên dài quá, đi họp các lãnh đạo toàn gọi là 'HTX thằng Phong'. Vừa rồi chúng em đổi tên thành HXT Quỳnh Nhai Travel", Phong kể tiếp.

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 9.

Ảnh: LÊ KIÊN

Bắt đầu với 300 triệu tiền vốn ưu đãi theo chương trình phát triển hợp tác xã, Phong vận động anh em góp thêm và vay thêm tiền ngân hàng, nay Quỳnh Nhai travel đã có 2 chiếc tàu 2 tầng (có thể chở 60 khách mỗi tàu).

Huyện cũng giao cho 5 hòn đảo để phát triển du lịch, Phong đặt tên cho vùng đất khởi nghiệp của mình là "vịnh Uy Phong" và xây dựng một cơ sở vui chơi, ăn uống. "Tới đây em sẽ phối hợp với bà con để nuôi gà, lợn, trồng rau để phục vụ du khách. Tiềm năng còn lớn lắm anh ạ", Phong khoe.

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 10.

Ảnh: NGỌC QUANG

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 10.

Ảnh: LÊ KIÊN

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 350km, vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đang là địa chỉ mới thu hút khách du lịch. Đi trên những cung đường Tây Bắc, du khách còn được chiêm ngưỡng những khung cảnh rất đỗi thanh bình, dung dị gắn với cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao.

Cô học trò dân tộc Thái mơ làm cô giáo của bản Cô học trò dân tộc Thái mơ làm cô giáo của bản

TTO - Quyết tâm theo học cái chữ để sau này trở thành cô giáo bản nơi quê hương mình, hơn hai năm qua em Hà Thị Hồng Nhung đã tạm xa gia đình xuống học tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân.

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên