28/03/2018 19:39 GMT+7

Trái bần giúp làm giàu

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - Một loại trái cây vốn mọc hoang bên những bờ, bãi… và là biểu tượng của sự nghèo khó, đã trở thành một loại cây kinh tế ở xứ cù lao.

Ý tưởng xuất phát từ ông Nguyễn Văn Hòa, ở thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng).

Trái bần giúp làm giàu - Ảnh 1.

Năm 2012, ông Nguyễn Văn Hòa sản xuất được 1.000 keo nước cốt bần, năm 2015 sản xuất được 6.000 keo, năm 2016 làm 10.000 keo, năm 2017 sản xuất hơn 15.000 keo tương đương sử dụng 15 tấn bần nguyên liệu - Ảnh: THÙY TRANG

Từ trái hoang bị hắt hủi

Ông Hòa nói trái bần, rừng bần gắn liền với tuổi thơ nghèo khó của gia đình ông. Mỗi bữa ăn không có món canh chua bần, thì cũng có món mắm bần (thực ra là bần trộn muối) làm thức ăn chính của bữa cơm gia đình.

"Bần mà nấu canh chua thì ngon hết sẩy, không giống canh chua me, hay mẻ chút nào. Vị thơm đậm đà, không lẫn đâu được - ông Hòa nói - Có lẽ vì vậy mà người dân xứ cù lao này, dù đi xa nhà, ăn đủ mọi đặc sản trên đời tôi vẫn không quên được mùi vị trái bần ở quê".

Bần mọc hoang bên bờ, bãi. Rễ bần giữ phù sa, chống xói mòn. Nhưng một thời cây bần vốn không sinh lợi kinh tế nên người dân phá bỏ. Ông Hòa nói ông rất xót xa.

Từ loại cây bị hắt hủi. Ông Hòa nghĩ nếu ai biết thưởng thức thì nó sẽ là một loại đặc sản khó quên. Vấn đề là làm sao để biến nó thành loại sản phẩm để bảo quản đến tay mọi người.

"Tôi nghĩ tới nghĩ lui cả năm trời để làm sao giữ được trái bần, thậm chí giới thiệu đến nhiều người biết thưởng thức món ăn độc đáo này", ông Hòa chia sẻ.

Sau nhiều lần thử nghiệm, thất bại với nhiều công thức, đến năm 2012 thì quy trình làm nước cốt bần của ông Hòa mới hoàn thiện.

Quy trình đó là bần được mua về, rửa sạch, luộc nấu nửa tiếng với tỉ lệ 1kg bần nửa lít nước, 4% muối, nấu xong mang sang máy ly tâm tách xác bần và nước bần. Xác bần sẽ được tận dụng để nấu rượu, còn nước bần tiếp tục nấu lại cho cô đặc rồi được vô bọc hút chân không. Tất cả đều do ông Hòa nghiên cứu, mày mò chế tạo công cụ rồi nhờ thợ cơ khí sản xuất máy sấy, máy ly tâm có một không hai.

Đặc sản xứ cù lao

"Mới đầu tui chỉ cho bà con, bạn bè dùng thử, ai cũng khen ngon, hết lại tìm đến. Dần dà họ kêu tôi bán đi chứ làm cho ăn hoài thì không ổn. Tui nghĩ cũng phải vì có như vậy thì vừa tạo việc làm cho dân địa phương, vừa bảo tồn lâu hơn diện tích rừng bần ở vùng quê này", ông Hòa tâm sự.

Nhiều người dân trong vùng có thêm thu nhập từ việc lượm bần tự nhiên bán cho cơ sở của ông Hòa lúc đầu chỉ xem đó là việc kiếm thêm. Nhưng giờ lại là công việc chính của nhiều hộ gia đình.

Chị Lâm Thị Bích, ở ấp Chợ, thị trấn Cù Lao Dung (Sóc Trăng) kể, trước kia hai vợ chồng ngoài việc trồng mía thì ai thuê gì làm nấy hoặc phải đi sang các xã khác làm thêm mới có thêm thu nhập. "Từ khi chú Hòa thuê lượm bần, hai vợ chồng chăm chỉ mỗi ngày một buổi sáng thôi cũng kiếm được nhiều tiền lắm, giờ mỗi tháng thu nhập từ bần không dưới 10 triệu", chị Bích vui vẻ.

"Tôi không giấu nghề. Sắp tới sẽ hình thành tổ hợp tác, gom dân lại cùng nhau làm. Tôi cũng vận động người dân ở đây trồng thêm bần, diện tích bần hiện nay ở đây đã hơn 21.000 hecta rồi ", ông Hòa chia sẻ.

Được biết, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cũng chọn nước cốt bần Ngọc Hồng là một trong 16 sản phẩm tiêu biểu của Sóc Trăng để có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong thời gian tới. 

bần 3

Câu chuyện về anh Nguyễn Văn Hòa làm giàu về trái bần qua chế biến nước cốt bần trên Cù Lao Dung tỉnh Sóc trăng lại mang một giá trị độc đáo văn hóa khác gắn liền với đời sống dân dã khai phá đất phương Nam.

Ở Miền Tây, có nhiều địa danh vẫn còn gắn liền với tên tuổi cây bần như Xẻo Bần, Rạch Bần, Cù Lao Bần...Thêm vào đó thức ăn dân dã như gỏi bần từ hoa bần trộn với tép bạc, cá sặc hoặc thịt heo thái nhỏ. Trái bần ăn với mắm sống, nấu canh chua, rồi rễ bần làm cạc bần để đóng nút chai...

Nhưng anh Hòa không dừng lại các giá trị dân dã từ cây bần, mà vươn lên từ nhận ra giá trị của cây bần từ lượm trái để bán để sinh sống, rồi nhận ra tài nguyên cây bần ở xứ cù lao mình mà mần mò, quyết tâm và chịu khó để chế biến ra nước cốt bần có thương hiệu "Ngọc Hồi sản xuất nước cốt bần" để cung cấp cho thị trường mở rộng.

Quan trọng hơn trong thời kỳ ứng phó biến đổi khí hậu, các giá trị chế biến của anh Hòa làm ra sẽ tạo sinh kế cho người dân địa phương để tham gia gây dựng lại rừng bần để giữ đất, chống sạt lở bờ sông, cửa biển, khôi phục tính đa dạng sinh học đất trũng ngập nước thì giá trị sẽ được nhơn lên nhiều lần.

Qua câu chuyện phát huy sản phẩm và kinh nghiệm bản địa của anh Hòa và các điển hình khác cho thấy người dân vùng ĐBSCL đã và sẽ tham gia tích cực về thực thi kết luận Thủ tướng về hội nghị Diên Hồng ĐBSCL là thuận thiên để ứng phó Biến đổi khí hậu. Đồng thời cũng hình thành dần mỗi làng là một sản phẩm mà các Hội nghị thường nói ở xứ Thái, xứ Nhật. Nhưng té ra xứ mình thì nông dân đã làm rồi.

TS Nguyễn Văn Sánh

(Viện trưởng Viện nghiên cứu - phát triển ĐBSCL)

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên