31/03/2021 09:17 GMT+7

TP.HCM: từ dựa vào đất sang dựa vào biển

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Hướng phát triển ra biển và tập trung kết nối vùng là hai giải pháp quan trọng để TP.HCM tránh nguy cơ tụt hậu không chỉ với các trung tâm trong khu vực châu Á mà còn với các đô thị khác trong nước.

TP.HCM: từ dựa vào đất sang dựa vào biển - Ảnh 1.

Khu vực có dự án lấn biển Cần Giờ, thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Nếu như vào năm 1995, nền kinh tế TP.HCM có quy mô gấp gần 2 lần so với Hà Nội, đến nay tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn chưa tới 1,7 lần.

PGS.TS Lưu Thế Anh

Đó là nội dung được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo "TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế" do Ban Kinh tế trung ương và UBND TP.HCM đồng tổ chức ngày 30-3.

Theo đó, cần một định hướng và mô hình phát triển mới để thực hiện giấc mơ đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính, dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới.

TP.HCM đang chậm dần

Theo PGS.TS Lưu Thế Anh - viện trưởng Viện tài nguyên và môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), vị thế dẫn dắt và đầu tàu của TP.HCM đang là thách thức. Hơn một thập niên trở lại đây, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều địa phương khác đang vươn lên mạnh mẽ.

Như Hà Nội trong 20 năm qua tăng trưởng đạt mức bình quân gần 9,5%/năm, cao hơn khoảng 1% so với TP.HCM. Kết quả là quy mô nền kinh tế của Hà Nội từ chỗ chỉ chiếm 8,2% so với cả nước cách đây 20 năm nay đã tăng lên 13,6%, nhờ đó thu hẹp đáng kể khoảng cách với TP.HCM.

Nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... hiện tại và trong thập niên tới vẫn chưa phải là "đối thủ cạnh tranh" ngang tầm với TP.HCM, nhưng một số lĩnh vực đã có thể cạnh tranh trực tiếp với TP.HCM. Như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong giai đoạn 2017 - 2019 của TP.HCM đã bật khỏi Top 10 xuống vị trí thứ 14.

Xét ở một phương diện nào đó, các địa phương này, chứ không phải TP.HCM, là tác nhân chủ yếu tạo cảm hứng và sự ganh đua giữa các địa phương trong giai đoạn vừa qua. Thậm chí một số địa phương còn có vai trò dẫn dắt các địa phương lân cận.

"Mặc dù vị thế đầu tàu kinh tế trong tương lai gần vẫn chưa bị thay thế, nhưng nếu so sánh với một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao khác sẽ thấy rõ một thực tế không mấy dễ chịu đối với TP.HCM" - TS Lưu Thế Anh nhấn mạnh.

Nhìn rộng ra khu vực Đông Á, nếu so sánh trên hai tiêu chí là năng lực cạnh tranh và chất lượng cuộc sống, thì dù quy mô dân số và diện tích không có nhiều khác biệt nhưng TP.HCM vẫn đứng cuối bảng xếp hạng trong số 13 TP trong khu vực này.

Với những vấn đề mang tính cố hữu ngày càng trở nên nghiêm trọng cản trở sự phát triển, ông Thế Anh cho hay TP.HCM được dự báo sẽ tiếp tục giảm bậc xếp hạng trong tương lai không xa.

Bỏ quên lợi thế kinh tế biển?

Theo các chuyên gia, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 khá cao, GRDP bình quân đầu người gấp 2,4 lần so với bình quân chung của cả nước, nhưng quy mô và tốc độ, chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng.

Trong đó, tiềm năng và lợi thế của kinh tế biển đang bị lãng quên. Hệ thống giao thông thủy và kinh tế cảng gắn với dịch vụ sau cảng hàng trăm năm nay tại TP.HCM luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng hoàn toàn chỉ dựa vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Soài Rạp để ra biển.

Là một TP biển nhưng đường bờ biển lại không nhiều, trong khi biển Cần Giờ lại đang bị lãng quên.

Phát triển kinh tế biển từ vịnh Cần Giờ

TP.HCM nằm ở vị trí có nhiều lợi thế địa kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Với vị trí trung tâm và cửa ngõ phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM hội đủ điều kiện và tiềm năng phát triển thành "trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" trong vòng 1 đến 2 thập kỷ tới.

Chủ trương này đã được UBND TP.HCM đề xuất với Chính phủ và được nhiều chuyên gia đồng tình. Tuy nhiên, TP.HCM cần được trao các cơ chế đặc biệt để tận dụng cơ hội thay vì bỏ lỡ trong gần 20 năm qua.

Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, TP.HCM cần lựa chọn được vấn đề cốt lõi để bứt phá phát triển kinh tế biển. Với địa giới TP.HCM muốn hướng ra biển thì chỉ có thể là Cần Giờ.

Mô hình phát triển trong tương lai gần của TP.HCM cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại vịnh Cần Giờ.

Từ đây, cần tích tụ dân cư biển, đón nhận cơ hội của hậu hiện đại tạo bước ngoặt thay đổi phương thức phát triển của TP (chuyển từ phát triển dựa vào đất đai - land based, sang phát triển dựa vào biển - ocean based).

Tuy nhiên, GS Đặng Hùng Võ cũng cảnh báo, phát triển ra hướng biển nhưng không phải để bán đất và trả giá bằng môi trường, hệ sinh thái và văn hóa. Phát triển hướng biển nhưng vẫn đảm bảo hệ sinh thái biển, môi trường lành mạnh được chứng minh bằng những luận cứ khoa học. Nếu chưa đảm bảo thì tiếp tục nghiên cứu.

Hơn nữa, TP.HCM cần giữ vững vai trò nhạc trưởng trong liên kết vùng với 8 tỉnh lân cận và là đầu mối giao thương với sự xuất hiện các "cửa ngõ" hàng không và cảng biển quốc tế mới: Long Thành, Cái Mép - Thị Vải, Bến Tre, Trần Đề...

Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cũng cho rằng TP.HCM và vùng TP.HCM cần định vị lại vị thế cạnh tranh của mình, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao dựa trên điều kiện tiềm năng, thế mạnh đặc thù.

"Mô hình phát triển trong tương lai của TP.HCM cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển, gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế.

Trong đó phát triển vịnh Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TP.HCM từ phát triển dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển" - ông Hoan nói.

Các nước tiến rất nhanh

Theo TS Lưu Thế Anh nhắc lại hồi ký của ông Lý Quang Diệu, thủ tướng Singapore năm 1992 khi so sánh TP.HCM với Bangkok: "Vào năm 1975, TP.HCM có thể ganh đua với Bangkok, giờ đây thành phố này tụt lại về sau hơn 20 năm".

Theo ông Thế Anh, nếu so sánh với Seoul (Hàn Quốc) và Thượng Hải (Trung Quốc) trong ba thập kỷ từ khi đổi mới đến nay, tổng GDP của TP.HCM tăng khoảng 10 lần, trong khi ở giai đoạn 1960 - 1990 thì GDP của Seoul đã tăng 20 lần và GDP của Thượng Hải tăng hơn 20 lần trong ba thập kỷ qua.

Dự án lấn biển Cần Giờ: Nghiên cứu phương án khai thác vật liệu san lấp tại chỗ Dự án lấn biển Cần Giờ: Nghiên cứu phương án khai thác vật liệu san lấp tại chỗ

TTO - Các nhà khoa học nhận định việc nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ phục vụ san lấp và cải tạo biển hồ thực hiện tốt sẽ giải quyết được phần lớn nguồn vật liệu san lấp - vấn đề được dư luận quan tâm suốt thời gian qua.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên