09/12/2021 08:23 GMT+7

TP.HCM: tổ chức trạm y tế theo số dân

TIẾN LONG - THẢO LÊ
TIẾN LONG - THẢO LÊ

TTO - Hôm qua 8-12, ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X tập trung chất vấn Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cùng giám đốc hai sở Y tế và Kế hoạch - đầu tư.

TP.HCM: tổ chức trạm y tế theo số dân - Ảnh 1.

BS Nguyễn Đức Tài - trạm trưởng trạm y tế lưu động 12.2, phường 12, quận Bình Thạnh - phát thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà cho gia đình anh T.N.D., cả 4 người trong nhà anh D. đều là F0 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, sự xuất hiện biến chủng Omicron khiến nhiều đại biểu lo lắng và tập trung chất vấn về việc chuẩn bị kịch bản ứng phó của TP, trong đó quan trọng nhất là củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở. Cùng với đó, đại biểu đặt vấn đề muốn lắng nghe cụ thể hơn giải pháp phục hồi kinh tế của chính quyền TP.

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ ra những vấn đề đang tồn tại trong một siêu đô thị như TP.HCM. Đó là sự bất cập về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phân bố dân cư, nhà ở, việc làm, hệ thống đảm bảo an sinh - xã hội và môi trường sống... Đây là những vấn đề đòi hỏi TP phải có những giải pháp mang tính đột phá và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ trung ương mới có thể từng bước khắc phục được.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Lập đề án tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số

Cơ chế, chính sách nào giữ chân nhân viên y tế cơ sở trước "làn sóng" xin nghỉ việc, khắc phục việc thiếu bác sĩ và thu hút bác sĩ về làm việc ở trạm y tế được nhiều đại biểu chất vấn cả chủ tịch UBND TP và giám đốc Sở Y tế. Trao đổi lại, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và còn diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng mới xuất hiện ở nhiều quốc gia trong những ngày qua, nên đòi hỏi TP.HCM không được lơ là, chủ quan.

Về củng cố y tế cơ sở, ông Mãi cho hay Bộ Y tế đã thống nhất cho TP.HCM lập đề án thí điểm tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số. Việc này giúp giải quyết hạn chế về biên chế nhân viên y tế hiện không đáp ứng được yêu cầu chống dịch. Theo ông Mãi, nếu đề án triển khai, ngoài trạm y tế cơ hữu, TP sẽ huy động các đơn vị tư nhân, lực lượng nhân viên y tế nghỉ hưu... để đảm bảo vận hành ngay các trạm y tế lưu động. Các xã, phường có dân số đông có thể có nhiều trạm y tế lưu động để đáp ứng công tác chống dịch.

Về thu hút nhân sự cho các trạm y tế, giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng cho biết ngành y tế TP đang kiến nghị cơ chế cho sinh viên ngành y vừa tốt nghiệp về thực hành tại trạm y tế phường, xã trong 12 tháng và 6 tháng còn lại thực hành ở bệnh viện. Cơ chế này khác với quy định hiện nay buộc sinh viên ngành y tốt nghiệp phải thực tập 18 tháng tại các bệnh viện tuyến TP hoặc quận, huyện mới được xét cấp chứng chỉ hành nghề. 

"Nếu kiến nghị được thông qua, mỗi năm có khoảng 500 bác sĩ trẻ về làm việc tại các trạm y tế. Ngành y tế cũng đề xuất hỗ trợ bằng 1,5 lần lương tối thiểu vùng, khoảng 6 triệu cho các bác sĩ về trạm y tế. Chúng tôi rất mong đề xuất sớm hiện thực để luôn có lực lượng bác sĩ trẻ ở y tế cơ sở" - ông Thượng chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Thượng, ngành y tế cũng đề xuất tăng định biên nhân sự cho trạm y tế phường, xã. Thay vì mỗi trạm y tế tối thiểu có 5 nhân viên, tối đa 10 nhân viên như hiện nay thì đề xuất tăng gấp đôi, lần lượt tối thiểu 10, tối đa 20 nhân viên.

TP.HCM: tổ chức trạm y tế theo số dân - Ảnh 3.

Một khu nhà xã hội ở quận 8 đã thu hút được nhiều người lao động ưa chuộng - Ảnh: TỰ TRUNG

Nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp

Khi được hỏi về giải pháp căn cơ phục hồi kinh tế, chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới. Việc đưa tốc độ tăng trưởng từ -6,78% lên 6 - 6,5% trong một năm là nhiệm vụ rất khó khăn.

Trong các giải pháp đưa ra, ông Mãi chia sẻ kỹ về việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo ông Mãi, hiện nay TP đã vận dụng các chính sách của trung ương và TP để hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ giảm các chi phí sản xuất kinh doanh mở rộng, gia nhập thị trường cũng như tái cấu trúc thị trường... TP sẽ tiếp tục tiếp xúc thường xuyên với các hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe ý kiến, hiểu khó khăn vướng mắc nhằm sớm tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Mặt khác, theo ông Mãi, hiện doanh nghiệp có nhiều khó khăn về lao động và UBND TP.HCM đã làm việc với các hiệp hội và các tỉnh thành nơi có đông người lao động rời TP trở về quê khi giãn cách. TP tổ chức tiêm vắc xin, hỗ trợ chỗ ở, các trung tâm tư vấn, hỗ trợ việc làm rất tích cực cho người lao động. 

"Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng điều doanh nghiệp cần nhất ở chính quyền hiện nay là sự thấu hiểu, kịp thời tháo gỡ khó khăn trước mắt. TP sẽ nỗ lực thực hiện nội dung này thời gian tới", ông Mãi khẳng định.

Mong những cái "sẽ" sớm thành hiện thực

Cử tri Nguyễn Đình Thi (quận 7) cho rằng nhiều vấn đề được chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra với lộ trình thực hiện, thể hiện được sự quyết tâm. Tuy nhiên, hiện nay một số vấn đề cụ thể mà đại biểu nêu ra, TP.HCM vẫn chưa có sự dứt khoát, vẫn còn "sẽ". "Cử tri mong sự thiết thực, ví dụ như công trình chống ngập 10.000 tỉ đồng hiện nay nhiều địa bàn của TP thường xuyên ngập nhưng TP vẫn chưa nêu rõ được thời điểm nào để hoàn thành" - ông Thi nói.

Cử tri Lê Văn Thắng (quận Tân Bình) cho rằng các đại biểu HĐND đã đặt các vấn đề khá thiết thực thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM. Chủ tịch UBND TP đã có những kịch bản khá chi tiết, cụ thể để thực hiện các chương trình, đề án, nhất là công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng những vấn đề cụ thể hơn, liên quan mật thiết đến đời sống dân cư lại chưa được đưa ra chất vấn. "Cử tri quan tâm đến câu hỏi TP bao giờ hết ngập, bao giờ hết kẹt xe, vấn nạn karaoke bao giờ được giải quyết triệt để? Không chỉ cứ quan tâm đến những thứ vĩ mô mà phải quan tâm các vấn đề ngay trong đời sống nhân dân" - ông Thắng nói.

Phấn đấu xây 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội

Về chương trình phát triển nhà ở, ông Trần Hoàng Quân - giám đốc Sở Xây dựng - cho biết TP ban hành kế hoạch chương trình cho giai đoạn 2021-2025, phấn đấu xây 366.510 căn nhà, tương ứng 50 triệu m2 sàn. Trong đó nhà ở xã hội chiếm 2,5 triệu m2 sàn, chiếm 5%.

Để thực hiện công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, TP phấn đấu phát triển thêm 812.000m2 sàn nhà ở cho công nhân từ việc rà soát 23 dự án có quỹ đất để điều tiết xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó là quỹ đất của các huyện ngoại thành gần KCN-KCX. Như vậy, giai đoạn 2021-2025, TP phấn đấu giải quyết cho 240.000 công nhân.

Theo dự thảo chương trình phát triển nhà ở 2021-2030, hiện TP vẫn đang khẩn trương trình các đơn vị, Bộ Xây dựng để thẩm định và trình HĐND TP thông qua để giải quyết chỗ ở cho 511.000 công nhân. Trong giai đoạn 2021-2030, TP phấn đấu chỉ tiêu có 1 triệu căn. Trong đó, từ 2021-2025 phấn đấu xây dựng nhà ở khu thương mại, đô thị gần 176.000 căn, nhà ở xã hội gần 57.000 căn. Trong đó, nhà dành cho công nhân thuê mua gần 13.000 căn, nhà lưu trú hơn 14.000 căn, nhà phục vụ tái định cư nhà ven kênh rạch 8.500 căn, nhà phục vụ đối tượng chính sách gần 23.000 căn.

Chính sách hỗ trợ nhà trọ hiện nay, các quận huyện và TP Thủ Đức đã rà soát chất lượng phòng trọ. TP có 560.000 căn trọ. 90% các căn trọ đảm bảo điều kiện tiêu chí của TP. Tuy nhiên trên 30% phòng trọ chưa đảm bảo tiêu chí phòng cháy chữa cháy. Do đó, các quận, huyện đã kiến nghị TP có chính sách chung hỗ trợ và quản lý phòng trọ trên địa bàn TP.

Đại biểu mới hỏi chứ chưa "chất vấn"

Kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM và kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV khác về quy mô, một ở tầm quốc gia, một quy mô địa phương nhưng đều có phần chất vấn - trả lời chất vấn các vấn đề nóng, nhất là việc phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sắp tới.

Tuy nhiên, nếu kỳ họp Quốc hội vừa rồi các đại biểu đã làm nên một kỳ chất vấn chất lượng, với nhiều vấn đề được mổ xẻ "đúng và trúng" thì phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP còn không khí bình bình. Chưa thấy cảnh các trưởng ngành "đổ mồ hôi hột" ở phiên chất vấn. Nói vậy có nghĩa chưa thấy đại biểu tranh luận sôi nổi, truy vấn, mổ xẻ đến cùng vấn đề được chất vấn. Người nghe chất vấn vẫn đánh giá đại biểu HĐND TP chất vấn hơi "hiền", hầu như không có tranh luận trong phiên chất vấn.

Lấy ví dụ, khi chất vấn giám đốc Sở Y tế có đại biểu hỏi vấn đề rất quan trọng là TP đã chuẩn bị kịch bản nào nếu dịch quay trở lại nhưng giám đốc Sở Y tế TP chỉ nói sơ qua chuẩn bị 7 kịch bản thì đại biểu lại "thỏa mãn" và không "truy" thêm kịch bản đó là gì? Kịch bản đó có đảm bảo ứng phó được mọi tình huống?... Trong khi bài học quá khứ cho thấy dù chuẩn bị nhiều kịch bản nhưng cuối cùng hệ thống y tế TP cũng khủng hoảng trước cơn bão dịch lần thứ 4.

Cũng thông cảm thời gian chất vấn ở HĐND ngắn hơn nhiều so với Quốc hội. Tuy nhiên lịch sử các kỳ họp HĐND TP không phải không có những phiên chất vấn sắc bén và những bằng chứng xác thực là các hồ sơ, mô hình minh họa của đại biểu.

TIẾN LONG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Trước mắt chỉ thí điểm học trực tiếp lớp 9, 12 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Trước mắt chỉ thí điểm học trực tiếp lớp 9, 12

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trước mắt TP.HCM chỉ thí điểm học trực tiếp đối với học sinh lớp 9 và lớp 12. Còn đối với học sinh lớp 1, thành phố sẽ bàn thêm.

TIẾN LONG - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên