02/04/2018 16:05 GMT+7

TP.HCM nâng mức phạt với chung cư vi phạm PCCC

Nguồn: Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam

Để bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy tại các chung cư, nhà cao tầng, TP.HCM kiến nghị tăng cường chế tài, nâng mức phạt để tăng tính răn đe.

TP.HCM nâng mức phạt với chung cư vi phạm PCCC - Ảnh 1.

Vụ cháy chung cư Carina (quận 8) đã để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình. Ảnh: Mạnh Linh

Đặc biệt, với chung cư chưa nghiệm thu PCCC mà đưa dân vào ở sẽ bị cưỡng chế buộc phải di dời, tránh những sự cố đau lòng như trường hợp của chung cư Carina Plaza.

Đây là thông tin do ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết tại hội nghị triển khai chỉ thị về các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với chung cư, nhà cao tầng ở TP.HCM trong ngày 30-3.

Theo ông Hoan, rút kinh nghiệm từ vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8), TP.HCM sẽ kiến nghị tăng cường chế tài, nâng mức phạt đối với các đơn vị vi phạm về an toàn PCCC; đặc biệt sẽ thực hiện cưỡng chế cư dân rời các chung cư chưa nghiệm thu PCCC để tránh các sự việc đau lòng như vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina vừa qua.

"Hiện TP.HCM có 12 chung cư mới xây đã cho dân vào ở nhưng chưa có nghiệm thu PCCC. Đối với nhà chung cư, nhà cao tầng chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào sinh sống, UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu Cảnh sát PCCC phải tiếp tục phối hợp các sở, ngành chức năng tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhanh các yêu cầu về PCCC để người dân được sống trong nơi ở mới đảm bảo PCCC", ông Hoan cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết trong 3 tháng đầu năm, TP.HCM xảy ra 119 vụ cháy, trong đó có 4 vụ cháy lớn, 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả đã có 16 người chết, 52 người bị thương, chủ yếu từ vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza.

"Đặc biệt, sau vụ việc đau lòng ở chung cư Carina, đề nghị tất cả cư dân sống tại chung cư cần có trách nhiệm tham gia giám sát PCCC tại nơi mình đang sinh sống. Nếu ban quản lý hoặc ban quản trị phớt lờ việc này, cư dân phải báo ngay cho lực lượng PCCC ở các quận, huyện nơi mình sinh sống để có hướng xử lý kịp thời. Cán bộ PCCC khi đi kiểm tra các thiết bị PCCC tại chung cư và nhà cao tầng, việc kiểm tra khắc phục các vi phạm về PCCC là 15 ngày/lần; lập biên bản nêu rõ việc thực hiện những cam kết của chủ đầu tư, sau đó ra thông báo tạm đình chỉ, đình chỉ khi cần thiết. Sau khi xử phạt xong, nếu chủ đầu tư không khắc phục, đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế theo quy định", ông Hưởng cho biết thêm.

TP.HCM nâng mức phạt với chung cư vi phạm PCCC - Ảnh 2.

Diễn tập PCCC thường xuyên tại các chung cư, nhà cao tầng để nâng cao ý thức PCCC của người dân

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 406 là chung cư trên 10 tầng và 508 chung cư dưới 10 tầng, 319 công trình nhà cao tầng (văn phòng, chợ, trung tâm thương mại...). Trong số chung cư nêu trên, có 474 công trình xây dựng trước năm 1975 và sau khi có luật PCCC, không thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Khi kiểm tra phương tiện PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng, các chung cư này thường mắc các lỗi như: Không đảm bảo các điều kiện về giao thông, thiếu nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy, lối thoát nạn bị lấn chiếm, hệ thống kỹ thuật PCCC không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, người dân tự ý câu mắc điện, sử dụng thiết bị điện không an toàn, nhiều chung cư không có ban quản trị, ban quản lý tòa nhà... Gần đây, một số chung cư cao tầng đang trong giai đoạn thi công, chưa thực hiện việc nghiệm thu về PCCC, chưa hoàn thành công trình theo quy định của pháp luật đã đưa dân vào sinh sống…

Ông Võ Văn Hoan cho biết, để siết chặt quản lý về PCCC, UBND TP.HCM đã ban hành chỉ chị thị về các biện pháp an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng ở thành phố. Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị của trung ương và thành phố về đảm bảo an toàn PCCC.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát PCCC rà soát, thống kê, đánh giá điều kiện an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng. Công bố danh sách chung cư, nhà cao tầng chưa thành lập ban quản lý, ban quản trị và không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung yêu cầu kiến nghị về an toàn PCCC và vi phạm trong đầu tư xây dựng. Cảnh sát PCCC cần công bố công khai danh sách các chung cư an toàn, chung cư chưa an toàn theo các cấp loại A, B, C, D cho UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, cư dân biết để phối hợp giám sát. Trong trường hợp cần thiết, thông tin định kỳ tình trạng chung cư trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Nguồn: Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên