26/09/2016 09:08 GMT+7

TP.HCM không cho xin lỗi suông, ai xin lỗi hoài thì thay

ÁI NHÂN, luunhan@tuoitre.com.vn
ÁI NHÂN, luunhan@tuoitre.com.vn

TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến: Người dân không muốn chỉ nhận thư xin lỗi suông từ cơ quan hành chính, theo kiểu: Ừ thôi, giao cho dân thư xin lỗi để họ vui vẻ, không cự nự.

Ông Trần Vĩnh Tuyến: “Nơi nào, bộ phận nào, cán bộ nào mà tiếp tục trễ hẹn với dân không có lý do, vô cảm với dân thì buộc phải thay đổi”
Ông Trần Vĩnh Tuyến: “Nơi nào, bộ phận nào, cán bộ nào mà tiếp tục trễ hẹn với dân không có lý do, vô cảm với dân thì buộc phải thay đổi”

​UBND TP.HCM sẽ ký ban hành quy định về thực hiện thư xin lỗi, áp dụng thống nhất cho 24 quận huyện và các sở ngành.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nói: “Theo quy định, nếu trễ hẹn vì lý do chủ quan hay khách quan thì đều phải xin lỗi, vì đã hứa mà trễ thì phải xin lỗi. Nội dung thư xin lỗi phải nói rõ lý do và đề ra thời hạn trả hồ sơ cụ thể. Định kỳ các quận huyện, sở ngành phải báo cáo tình hình thực hiện thư xin lỗi cho UBND TP biết để giám sát”.

Không thể xin lỗi là xong

* Việc xin lỗi người dân đã nâng lên thành quy định, mục đích của TP muốn đạt tới là gì khi triển khai, thưa ông?

- Người dân cũng không mong muốn chỉ nhận được thư xin lỗi từ cơ quan hành chính. Họ mong hồ sơ, công việc của họ được giải quyết tốt chứ không phải lời xin lỗi suông rồi thôi. Người xin lỗi cũng không phải theo kiểu: Ừ thôi, giao cho người dân thư xin lỗi để người dân vui vẻ, không cự nự nữa.

Mục đích của việc thực hiện xin lỗi là cơ quan hành chính phải có giải pháp thay đổi, cải cách thủ tục hành chính. Thư xin lỗi là một giải pháp giúp nhận diện, kiểm soát, đánh giá các thiếu sót dẫn đến trễ hẹn, từ đó thay đổi.

Hay nói cách khác, thư xin lỗi là một biện pháp để giúp cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân tốt hơn, góp phần xây dựng chính quyền vì dân phục vụ. Nếu triển khai tốt quy định này sẽ khắc phục tình trạng trễ hẹn với người dân, việc phục vụ người dân chắc chắn sẽ có tiến bộ.

* Chủ tịch quận, huyện là người trực tiếp ký các thư xin lỗi người dân. Ở cấp sở thì giám đốc sở phải giám sát trực tiếp các báo cáo về thư xin lỗi của các đơn vị trực thuộc. Điều này có gây khó khăn khi tăng đầu việc cho họ?

- Tất cả các quận huyện, sở ngành đều đồng thuận. Bởi vì việc người đứng đầu ký vào các thư xin lỗi thì không tăng thêm việc mà còn giúp người lãnh đạo kiểm soát được tình hình giải quyết hồ sơ hành chính cho dân. Quận 1 đã từng làm rồi và có phần mềm quản lý hết. Cán bộ nào, trưởng phòng nào để trễ hẹn hoài thì phải xem lại trách nhiệm.

Rõ ràng, sau khi mình thực hiện vấn đề này thì tình hình thay đổi liền. Có thể nói, cán bộ giải quyết được tốt các hồ sơ hành chính cho dân. Trước đây, các quận huyện cũng thực hiện thư xin lỗi nhưng giao cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ký, giao chánh văn phòng ký cũng không hiệu quả, giao tiếp cho phó chủ tịch UBND ký thì tình hình cũng không thay đổi. Vậy thì phải giao luôn cho chủ tịch UBND quận huyện ký.

Chủ tịch UBND quận huyện ký thư xin lỗi vừa thể hiện trách nhiệm với người dân, doanh nghiệp, đồng thời cũng vừa kiểm soát được là trong tuần này, trong tháng này có bao nhiêu trường hợp trễ hẹn. Kể cả trường hợp trễ hẹn mà cán bộ không xin lỗi dân thì chủ tịch cũng biết được sự trung thực của cơ quan tham mưu. Từ đó thấy được lý do trễ hẹn là sao, rồi sau đó giải quyết như thế nào nữa. Chỉ khi nào anh biết được thì anh mới buộc phải ra tay chỉ đạo.

Cán bộ để phải xin lỗi hoài thì thay

* Như vậy, giám sát việc thực hiện thư xin lỗi như thế nào để đảm bảo hiệu quả?

- Quy định là cơ sở pháp lý để lãnh đạo Thành ủy, UBND TP kiểm soát và xử lý những trường hợp thiếu trách nhiệm, biểu dương kịp thời những đơn vị làm tốt. Định kỳ các quận huyện, sở ngành báo cáo về tình hình thực hiện thư xin lỗi về cho UBND TP.

Các tổ thanh tra công vụ sẽ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, đánh giá lại kết quả sau khi thực hiện quy định thư xin lỗi thì tỉ lệ hồ sơ đúng hẹn có tăng lên hay không. Từ đó, đặt ra trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị như thế nào và tìm ra các giải pháp cải cách.

* Nếu đơn vị, sở ngành không thực hiện tốt các thủ tục hành chính, việc xin lỗi khiến dân phản ứng thì xử lý thế nào với người đứng đầu?

- Việc thực hiện thư xin lỗi sẽ là tiêu chí đánh giá cán bộ. Trước đây mình cứ đánh giá chung chung. Còn bây giờ một cán bộ được đánh giá xuất sắc mà công cuộc cải cách hành chính ở đó không đảm bảo, người dân phiền hà, than phiền hồ sơ trễ hẹn quá nhiều thì không được.

Đối với những cơ quan không thực hiện tốt thì có những hình thức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Cơ quan nào làm tốt thì khen thưởng. Việc đó giúp cho Thành ủy, UBND TP đánh giá cán bộ ngày càng rõ ràng hơn. Phải định hình rõ, nhận diện rõ từng loại việc và cải cách hành chính phải gắn chặt với trách nhiệm người đứng đầu.

Nơi nào buông lỏng, thiếu chỉ đạo, kiểm tra, không thực hiện đúng các chỉ đạo của UBND TP thì nơi đó rõ ràng thiếu trách nhiệm. Mà thiếu trách nhiệm thì anh phải bị xử lý.

Ông ĐỖ VĂN PHƯỢNG (ngụ phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM):

Quan trọng nhất vẫn là “được việc”

Nếu chính quyền thực hiện việc gửi thư xin lỗi cho người dân khi có chậm trễ hay sai sót về thủ tục hành chính thì quá tốt. Quan hệ giữa nhân viên nhà nước và người dân sẽ được cải thiện hơn trước, người dân sẽ cảm thấy được tôn trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ làm theo kiểu hình thức thì không nên.

Cái mà người dân chúng tôi mong muốn khi đi làm thủ tục, giấy tờ là phải được việc. Khi chúng tôi đi nộp hồ sơ, theo hẹn chờ 7 ngày, 15 ngày, 20 ngày lên nhận kết quả rồi lại bảo thiếu cái này cái kia rồi viết cho một cái giấy xin lỗi thì dân vẫn sẽ bức xúc vì mất thời gian đi lại.

Cho nên cần nhất vẫn là thực chất, các anh, chị ngay khi tiếp nhận cho chúng tôi một cái danh sách thiếu gì, cần bổ sung gì để chúng tôi làm cho đầy đủ, trơn tru, không hẹn năm lần bảy lượt là người dân chúng tôi còn phải cảm ơn lại chính quyền.

Vũ Thủy ghi

 

 

ÁI NHÂN, luunhan@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên