20/07/2019 10:51 GMT+7

TP.HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - 40 năm trước, ngay khi biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc lâm nguy, tất cả các lực lượng của TP.HCM đều vào cuộc.


TP.HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc - Ảnh 1.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang bắt tay các đại biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 20-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp Đại học Quốc gia TP.HCM - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã tổ chức Hội thảo khoa học “TP.HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Pnompenh - Campuchia".

Tham dự có Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang các vị nguyên lãnh đạo TP, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quân sự, chuyên gia ngoại giao.

Mở đầu hội thảo, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Lê Văn Minh nhắc nhớ cách đây 40 năm, quân và dân ta đã giành chiến thắng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Xari giúp hồi sinh cả một dân tộc.

“Đến nay, với những sáng tỏ của lịch sử, chúng ta một lần nữa tự hào khẳng định chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên cương ở Tây Nam và phía Bắc của quân và dân ta là cuộc chiến bắt buộc, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tinh thần láng giềng thủy chung, chí tình, chí nghĩa giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia” - ông Minh nêu rõ.

TP.HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc - Ảnh 2.

Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Văn Minh phát biểu đề dẫn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Minh, trong lúc toàn quân, toàn dân ta vẫn chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm vui của không khí hòa bình, thì ở vùng biên giới Tây Nam, chính quyền Campuchia dân chủ do tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Xari cầm đầu, được sự hậu thuẫn của thế lực phản động quốc tế, gây ra hàng loạt vụ xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, cướp phá và giết hại đồng bào ta.

Mặt khác, Trung Quốc khiêu khích, xung đột vũ trang trên tuyến biên giới phía Bắc.

Ngay từ đầu, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước bằng con đường hòa bình, nên chủ động tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao, trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Nhưng chính quyền Pol Pot - Ieng Xari lại tỏ rõ thái độ hiếu chiến, không những không dừng lại các hành động chống phá đơn thuần mà còn hung hăng, gia tăng các đợt tấn công rộng lớn, thọc sâu vào nội địa Việt Nam ở nhiều nơi.

“Đã có không ít những người con ưu tú của thành phố mang tên Bác mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, hi sinh máu xương của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc” - ông Minh nói.

Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp đỡ nhân dân Campuchia dần đi đến hồi kết, ngày 17-2-1979, Trung Quốc đã gây chiến tranh quy mô lớn xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

"Trước tình hình đó, cùng quân dân cả nước, một lần nữa, nhân dân TP.HCM lại sôi sục trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, làm tốt vai trò của hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho tuyến đầu Tổ quốc chống quân xâm lược” - ông Minh nói.

Ngày 18-3-1979, về cơ bản quân đội Trung Quốc đã rút về nước ở phía Bắc và chúng ta đã thực hiện thành công sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc vẹn toàn.

TP.HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc - Ảnh 3.

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiến sĩ Lê Hồng Liêm - phó chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam Campuchia - đánh giá việc Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo này là rất cần thiết thể hiện sự nhanh nhạy, kịp thời, dũng cảm và trách nhiệm đối với một giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Còn thiếu tướng Vũ Quang Đạo - nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam - cho rằng cần phải khẳng định đây là hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

TP.HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc - Ảnh 4.

PGS-TS Phan Xuân Biên - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bàn thêm về vai trò của TP.HCM, PGS-TS Phan Xuân Biên (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) chia sẻ những ai từng sống ở TP.HCM trong giai đoạn bao cấp - giai đoạn đầu tiên người TP phải ăn độn bo bo, mới thấy hết cái tình nghĩa, tinh thần của người dân TP.

“Thời đó vẫn có câu nói vui 'Ban ngày cả nước lo việc nhà mà ban đêm cả nhà lo việc nước', ấy vậy mà vẫn cố gắng chi viện sức người, sức của cho biên giới”, ông nhắc.

Cũng theo ông Biên, ngay khi biên giới lâm nguy, TP.HCM đã tung ngay quả đấm quân sự chi viện kịp thời. Tất cả các lực lượng của TP đều vào cuộc.

Ngay từ năm 1977, trung đoàn thiện chiến nhất của TP.HCM là trung đoàn Gia Định, đã lên đường ngay. Kết hợp theo đó là bộ đội địa phương đến từ Hóc Môn, Bình Thạnh, Thủ Đức. Rồi có cả sự nhập cuộc của lực lượng thanh niên xung phong TP.

“Dân tộc ta vốn có truyền thống chiến tranh chống xâm lược là để hòa hiếu, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Muốn đạt mục tiêu đó, không thể quên lịch sử mà phải nằm lòng lịch sử, nêu cao tinh thần cảnh giác trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” - ông Biên nhấn mạnh.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên