02/08/2021 20:48 GMT+7

TP.HCM phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn cho người nhiễm COVID-19

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Ngày 2-8, UBND TP.HCM có văn bản gửi Sở Y tế và Sở Thông tin - truyền thông về việc phối hợp mạng lưới Thầy thuốc đồng hành với khoảng 2.500 y bác sĩ tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại cộng đồng.

TP.HCM phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn cho người nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Bệnh viện Thống Nhất, đến tận nhà tái khám cho bệnh nhân trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: THU HIẾN

Cụ thể, UBND TP sẽ giao các trung tâm y tế thuộc các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, hoàn thiện tổ chức tổ COVID-19 cộng đồng, tiếp nhận thông tin từ mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, phối hợp rà soát thực tế các trường hợp nguy cơ cao.

Trung tâm Y tế và cấp cứu 115 phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tiếp nhận cảnh báo các trường hợp nguy cơ cao, cần nhập viện điều trị hoặc cấp cứu, đăng thông tin lên tổ điều phối chuyển bệnh nhân COVID-19.

Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị tiếp nhận các trường hợp đã được mạng lưới Thầy thuốc đồng hành và tổ y tế cộng đồng khám sàng lọc, đánh giá thực tế, xác định nguy cơ cao.

Đồng thời, Sở Thông tin - truyền thông chia sẻ thông tin các trường hợp F0, F1 cần được hỗ trợ, tần suất 60 phút/lần, cho phép mạng lưới Thầy thuốc đồng hành truyền thông cho người dân biết đến đầu số hotline 1022 - phím 3.

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19, lấy dữ liệu trực tiếp từ trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh và các hotline trên toàn quốc.

Mạng lưới này được thành lập nhằm huy động nguồn lực xã hội tư vấn người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại cộng đồng, hỗ trợ tăng cường cho y tế các tỉnh đang thực hiện chỉ thị 16 tăng cường.

Đối tượng chính mạng lưới tập trung hỗ trợ là bệnh nhân COVID-19 cần hỗ trợ khẩn cấp, trường hợp xác định chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); trường hợp xác định có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân COVID-19.

Tính đến tối 28-7, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã đào tạo trực tuyến cho 2.500 y bác sĩ tình nguyện viên, sẵn sàng triển khai mạng lưới chính thức trên toàn quốc.

Họ là các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, dược sĩ, điều dưỡng, chuyên viên tâm lý... làm việc tại khắp các tỉnh thành, nơi chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19.

Phương thức hoạt động của mạng lưới là hằng ngày trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương và các hotline (đường dây nóng) về COVID-19 trên toàn quốc sẽ gửi thông tin của tất cả F0 và F1 về kho dữ liệu chung. Mạng lưới sẽ sử dụng công nghệ để phân chia các trường hợp này cho bác sĩ, vẫn đảm bảo bí mật thông tin người bệnh.

Các bác sĩ sau đó sẽ chủ động gọi điện thoại đến từng F0, F1 để sàng lọc tình trạng bệnh. Dựa vào bảng kiểm các triệu chứng COVID-19, bác sĩ sẽ hỏi thăm, chấm điểm, đánh giá nguy cơ diễn tiến của từng bệnh nhân, rồi phân loại họ về 5 mức nguy cơ, từ 0 đến 4.

Chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến Chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến 'Hiểu đúng - Sống khỏe'

Ngày 6-10-2020, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM và AstraZeneca Việt Nam đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ thực hiện chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến 'Hiểu đúng - Sống khỏe'

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên