12/12/2023 19:33 GMT+7

TP.HCM nghiên cứu làm đường ven sông Sài Gòn dài 80km

Ngày 12-12, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm 'Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn'.

Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: DIỄM TRANG

Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: DIỄM TRANG

Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - nhận định sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông đường thủy liên vùng Đông Nam Bộ. Cho nên cần thiết đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn mang lại lợi ích cho TP.HCM.

Hiện TP.HCM đã có ý tưởng nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn dài 80km để kết nối vùng Đông Nam Bộ. Các sở ngành đang nghiên cứu sơ bộ đoạn từ cầu Ba Son tới Bình Triệu dài khoảng 4km, rộng 30m, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng.

TP.HCM vận dụng cơ chế từ nghị quyết 98 của Quốc hội để thu hút các nguồn lực làm đường ven sông Sài Gòn.

Theo ông An, đường ven sông hình thành tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc - Nam, kết nối giao thông khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm TP. Đồng thời chia sẻ áp lực giao thông với các trục quốc lộ 22 - Trường Chinh, trục tỉnh lộ 9 - Hà Huy Giáp, Nguyễn Oanh...

Ngoài ra còn mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông, phát triển kinh tế ven sông. Qua đó, khai thác các quỹ đất dọc sông Sài Gòn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển.

Chia sẻ làm sao để phát triển kinh tế ven sông bền vững, TS Nguyễn Thị Hậu lưu ý các đơn vị phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn không nên chỉ chăm chăm nhìn vào hai bên bờ sông để phát triển bất động sản, mà cần nhìn rộng về các lợi ích dọc bờ sông.

"Ở Bangkok (Thái Lan), việc phát triển giao thông thủy trước hết phục vụ cho người dân rồi mới mở rộng phục vụ du lịch. TP.HCM có thể học hỏi, áp dụng cho khu Chợ Lớn trước", TS Hậu gợi ý.

Thiếu bến bãi, hệ sinh thái ven sông đơn sơ

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp bày tỏ tình trạng thiếu bến bãi dừng chân, hệ sinh thái hai bên bờ sông còn thiếu nên chưa thể hút khách.

Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng - tổng thư ký CLB Du thuyền TP Thủ Đức - đặt vấn đề các doanh nghiệp hiện nay muốn đầu tư bến du thuyền dựa trên các khu đất ven sông có sẵn.

Liệu doanh nghiệp có được đăng ký các khu đất này và đề xuất để quy hoạch bến thủy nội địa không?

Theo ông Bùi Hòa An, các doanh nghiệp muốn đề xuất làm bến du thuyền có thể đề xuất với lãnh đạo các địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương có văn bản đề xuất với Sở Giao thông vận tải TP.HCM cập nhật vào quy hoạch 411 bến thủy nội địa giai đoạn 2020 - 2030.

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng chia sẻ thêm TP.HCM cần có cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu du lịch, xây dựng khu vực nhà chờ, nhà vệ sinh… phục vụ khách du lịch.

Thời gian tới, TP.HCM phát triển du lịch đường thủy gắn liền với đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng chi tiêu, kéo dài lưu trú của du khách. Đồng thời, nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đường thủy nhằm đảm bảo phát triển các sản phẩm chất lượng, bền vững.

Đường ven sông Sài Gòn: Giao thông thủy, bộ cùng phát triểnĐường ven sông Sài Gòn: Giao thông thủy, bộ cùng phát triển

Thông tin TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ thống nhất phương án bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn đã nhận được nhiều sự đồng tình. Hy vọng tuyến đường này hình thành sẽ giúp giao thông đường thủy, đường bộ cùng phát triển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên