17/06/2023 11:04 GMT+7

TP.HCM hướng tới trung tâm y tế khu vực

XUÂN MAI
và 1 tác giả khác

Hôm nay (17-6), lần đầu tiên ngành y tế TP.HCM tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu với mục tiêu đưa TP.HCM trở thành một trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.

Các kỹ thuật y tế chuyên sâu của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tốt về mặt chẩn đoán, sinh học phân tử, điều trị... nhưng chi phí cao nên rất khó để tất cả người bệnh được tiếp cận  - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các kỹ thuật y tế chuyên sâu của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tốt về mặt chẩn đoán, sinh học phân tử, điều trị... nhưng chi phí cao nên rất khó để tất cả người bệnh được tiếp cận - Ảnh: DUYÊN PHAN

Định hướng phát triển TP.HCM thành một "trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN" đã được xác định tại nghị quyết số 31 ngày 31-12-2022 của Bộ Chính trị. Để hiện thực hóa được câu chuyện này, các chuyên gia ngành y tế cho rằng phải phát triển từ gốc rễ, thay đổi cơ chế, chính sách...

Nhiều chuyên khoa đã ngang tầm thế giới

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đánh giá hội nghị là dịp để ngành y tế giới thiệu sâu rộng đến người dân về các kỹ thuật tiên tiến nhất đang được triển khai hiệu quả tại các đơn vị y tế. Mục tiêu để người dân có đầy đủ thông tin và an tâm khi chọn các bệnh viện trong nước khám chữa bệnh thay vì đi nước ngoài.

Thực tế những năm gần đây TP đã và đang triển khai nhiều hoạt động để nâng tầm ngành y tế. Hiện đã có những chuyên khoa phát triển ngang tầm so với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Điển hình, trong năm 2023 Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hoàn thành và đưa vào hoạt động ba trung tâm chuyên sâu bao gồm: tim mạch nhi, phẫu thuật nhi và sơ sinh. Đến nay đã có hàng nghìn bệnh nhi có bệnh lý nặng và phức tạp được điều trị, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ, trở thành một trung tâm chuyên sâu uy tín trong lĩnh vực nhi khoa của khu vực ASEAN.

Không chỉ trong lĩnh vực nhi khoa, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết một trong những điểm nổi bật của ngành sản phụ khoa TP là tỉ lệ tử vong mẹ rất thấp: 2,02/100.000 sinh sống do quản lý thai kỳ nguy cơ cao tốt. 

Đáng chú ý, hiện nay chi phí điều trị của ta thấp hơn so với các nước lân cận. Ví dụ, chi phí thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/6 so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi tỉ lệ thành công đạt từ 50 - 60%, không thua kém gì các nước trong khu vực.

Trong khi đó, theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh ung thư đang là gánh nặng lớn cho ngành y tế, bệnh nhân và xã hội; nhưng số bệnh nhân mắc bệnh này trên cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng luôn tăng với tỉ lệ trung bình 5%/năm. 

Ông cho hay thời gian qua một trong những kỹ thuật y tế chuyên sâu được bệnh viện áp dụng là tiếp cận điều trị trúng đích và đã đạt được một số thành tựu. Bên cạnh đó, bệnh viện đang định hướng xây dựng trung tâm khám tầm soát ung thư hiện đại theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM.

Trang thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (quận Tân Bình, TP.HCM)  - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trang thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phải làm tốt việc "gốc rễ"

Theo ông Tăng Chí Thượng, để TP sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN thì theo bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực, việc thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến khám chữa bệnh là rất cần thiết.

Ông Đặng Huy Quốc Thịnh cho biết số lượng bệnh nhân là người nước ngoài đến bệnh viện điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trong thời gian qua còn ít, chủ yếu là bệnh nhân người Campuchia, Việt kiều và một vài bệnh nhân người phương Tây đang làm việc và sinh sống tại TP. 

Những bệnh nhân này cho hay chi phí điều trị ở các nước khác rất cao và phải chờ đợi, trong khi ở Việt Nam chi phí điều trị thấp hơn nhiều và đội ngũ y tế có tay nghề cao. Theo ông Thịnh, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu có thể đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân thay vì để họ phải ra điều trị ở nước ngoài. 

Tuy nhiên nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng cơ sở vật chất, các dịch vụ đi kèm và tổ chức dịch vụ của các bệnh viện còn nhiều hạn chế.

Để thu hút được khách nước ngoài, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng phải cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phải phát triển ngang tầm với thế giới, phải có cơ chế chính sách đầu tư. Trong khi đó, hiện các cơ chế sửa chữa, mua sắm về đầu tư công còn chậm trễ. 

Bên cạnh đó nếu muốn phát triển phải có cơ chế giữ chân được nguồn nhân lực có trình độ chuyên khoa sâu và tạo điều kiện để họ tiếp cận với những kỹ thuật mới. Mặt khác, hiện nay bảo hiểm y tế toàn cầu chưa được thiết lập tại Việt Nam, khách nước ngoài muốn du lịch kết hợp chữa bệnh bắt buộc phải trả tiền túi, đây cũng là một trong những rào cản.

Bác sĩ Thịnh cho biết các kỹ thuật y tế chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị ung thư đã được ứng dụng có hiệu quả tại TP.HCM, trong đó có Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Theo ông Thịnh, phát triển y tế chuyên sâu là cần thiết, tuy nhiên "gốc rễ" là phải có một chiến lược toàn diện kiểm soát ung thư hiệu quả và cần thời gian. 

Song song với điều trị, cần đẩy mạnh việc phòng ngừa, công tác giáo dục truyền thông, phòng chống tác hại các yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá... "Nếu chúng ta chỉ chú tâm vào kỹ thuật, nhưng số bệnh nhân ung thư vẫn tăng dần thì ngành y tế sẽ quá tải, không thể gánh nổi.

Vì vậy chiến lược xây dựng trung tâm khám, tầm soát bệnh ung thư là rất cần thiết. Tôi kỳ vọng sớm thành hiện thực để triển khai, đẩy mạnh công tác khám, tầm soát bệnh", bác sĩ Thịnh nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TP.HCM - cho biết với định hướng xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN, nếu mỗi bệnh viện tập trung vào một mũi nhọn trong tổng thể trung tâm y tế kỹ thuật cao là rất tốt. Theo ông, TP phải tập trung phát triển chính vào ba mũi nhọn: ung thư, tim mạch và chấn thương chỉnh hình.

TP.HCM cần chọn giải pháp nào?

Ông Tăng Chí Thượng cho hay từ thực tiễn của hệ thống y tế TP và những bài học kinh nghiệm các nước, TP.HCM đã đề ra bảy nhóm giải pháp để đưa TP.HCM thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe chuyên sâu. 

Ba trong bảy nhóm giải pháp quan trọng đó là hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; phát triển kỹ thuật và chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe chất lượng.

Trong thời gian tới, ngành y tế TP xây dựng đề án "Hình thành trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao". 

Trung tâm này giúp phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm ở giai đoạn chưa có triệu chứng, từ đó can thiệp sớm mang lại hiệu quả điều trị cao, làm giảm số lượt người dân đi ra nước ngoài để chữa bệnh, thu hút khách du lịch, người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại TP.HCM, góp phần phát triển loại hình du lịch mới, đó là du lịch y tế.

Ngoài ra, ba dự án xây mới bệnh viện đa khoa ở các cửa ngõ bao gồm Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức đang dần hoàn thiện cũng góp phần xây dựng ngành y tế TP.HCM trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế của Đông Nam Á sau năm 2025.

* Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Chi phí cao, thách thức đối với bệnh nhân có điều kiện khó khăn

Chi phí điều trị các kỹ thuật y tế chuyên sâu thường rất cao nên để tất cả bệnh nhân dễ dàng tiếp cận là thách thức, không đơn giản. Cụ thể đây là cơ hội cho những bệnh nhân có đủ điều kiện kinh tế tiếp cận, nhưng lại là thách thức với những bệnh nhân có điều kiện kinh tế khó khăn.

Bảo hiểm y tế đã hỗ trợ rất nhiều bệnh nhân ung thư, nhưng nguồn lực bảo hiểm y tế có hạn nên còn nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu chưa được bảo hiểm y tế chi trả hoặc chỉ chi trả một phần. Nhìn góc độ tích cực hơn, khi TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu thì sẽ giữ chân được các nhóm bệnh nhân có điều kiện mong muốn đi ra nước ngoài điều trị.

* Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam (nguyên phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch, Trường đại học Y Dược TP.HCM):

Tránh lãng phí

Hệ thống bệnh viện công lập hiện nay tại TP.HCM đã phát triển rất tốt với nhiều kỹ thuật chuyên sâu, đặc biệt là đã và đang thành lập các trung tâm lớn để tầm soát, điều trị nhiều bệnh lý phức tạp khác nhau...

Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là kinh phí đâu để các trung tâm duy trì hoạt động trong thời gian dài, từ đó có thể gây lãng phí lớn khi cơ sở vật chất ở đây rất hoành tráng, máy móc hiện đại.

Các trung tâm này chỉ cần xây dựng với quy mô cho phép, hợp lý; không cần quá hoành tráng khi số lượng bệnh nhân thường không nhiều.

Ở Pháp, một trung tâm bệnh lý mạch máu chỉ có khoảng 50 giường nhưng hoạt động rất tốt, đáp ứng đủ nhu cầu người dân để mổ, khám chữa bệnh, không lãng phí. Do đó, trước khi xây dựng các trung tâm thì cần xin ý kiến các nhà chuyên môn, nhà quản lý...

* Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu (phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM):

Làm mới sản phẩm du lịch y tế đẳng cấp hơn

Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại gồm 131 bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao với chi phí khám chữa bệnh hợp lý, TP.HCM có rất nhiều lợi thế phát triển sản phẩm du lịch y tế.

Sở Du lịch đã làm việc, kết nối với hơn 50 đơn vị gồm các bệnh viện, phòng khám và spa, cơ sở lưu trú và hiện đang có 30 sản phẩm du lịch y tế đang được các doanh nghiệp khai thác. Đồng thời, sở đã giới thiệu những chương trình tour kết hợp giữa du lịch và nha khoa, du lịch và y học cổ truyền của các doanh nghiệp lữ hành.

Dự kiến từ ngày 17 đến 22-6, du lịch TP sẽ có đợt xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia. Ngoài ra, có chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan. Dự kiến có sự tham gia của Sở Y tế, các bệnh viện, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ đạt chuẩn...

XUÂN MAI - NHƯ BÌNH ghi

Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (NUH)  - Ảnh: Straits Times

Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (NUH) - Ảnh: Straits Times

Singapore cạnh tranh bằng chất lượng

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, thị trường chăm sóc sức khỏe của Singapore dự kiến tăng lên 49,4 tỉ USD vào năm 2029 và chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe dự kiến đạt 9% GDP trong cùng năm.

Trước đại dịch, Singapore đã thu hút khoảng 500.000 khách du lịch y tế hằng năm, đóng góp hơn 1 tỉ USD cho nền kinh tế. Khoảng 60% những du khách này đến từ Indonesia. Singapore là điểm đến ưa thích của bệnh nhân trong các lĩnh vực y tế chuyên biệt như ung thư, cấy ghép tạng, chỉnh hình, tim mạch và thần kinh...

Thành công này là kết quả của chiến lược phát triển dài hơi, với bốn lĩnh vực được ưu tiên là cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo chuyên ngành sức khỏe và quản lý y tế, nghiên cứu và phát triển y sinh học và quản trị bệnh viện. Trong đó, Singapore rất chú trọng mảng nghiên cứu y sinh học. Ngành công nghiệp dược phẩm của Singapore bắt đầu bùng nổ từ năm 2000, khi chính phủ đưa ra Chiến lược phát triển khoa học y sinh (BMS) và ưu tiên ngành dược phẩm ở cấp chính sách quốc gia. Theo trang tin Quartz (Mỹ), hiện nay 8 trong số 10 công ty dược phẩm hàng đầu có cơ sở tại Singapore, 4 trong số 10 loại thuốc hàng đầu theo doanh thu toàn cầu cũng được sản xuất tại đây.

Singapore cũng là một trung tâm đào tạo y khoa của khu vực. Đảo quốc sư tử tự hào về các cơ sở giáo dục có năng lực đào tạo nghề và được quốc tế công nhận, trong đó có lĩnh vực y tế. Các trường y khoa của Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang đã đào tạo các bác sĩ cho các nước trong khu vực. Ngoài ra, còn có đào tạo bác sĩ chuyên khoa sau đại học, đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh chuyên về lĩnh vực y tế.

MINH KHÔI

Malaysia cạnh tranh bằng giá

Singapore đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ Malaysia trong vai trò trung tâm y tế của khu vực. Quốc gia này có một số lợi thế, nổi bật nhất là giá cả rất cạnh tranh. Theo trang Asean Briefing, chi phí trung bình cho phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ở Malaysia vào khoảng 14.000 USD, con số này ở Singapore là 23.000 USD. Ngoài ra, tiền lương của y bác sĩ ở Singapore cũng nằm trong diện cao nhất trong khu vực ASEAN.

Malaysia có hệ thống chăm sóc sức khỏe được quốc tế ca ngợi là toàn dân có thể tiếp cận. Ngành y tế của Malaysia hoạt động theo hệ thống hai cấp, gồm hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân do chính phủ hỗ trợ và còn lại là hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân hiệu quả cao. Chính phủ trợ cấp tới 98%. Nước này đã chi khoảng 6,9 tỉ USD cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2019.

Vì những lý do này, Malaysia đang trên đà trở thành điểm đến ưa thích về y tế trong khu vực ASEAN. Năm 2011, nước này thu hút 640.000 du khách tới chữa bệnh, nhưng tới năm 2019 con số này tăng lên hơn 1 triệu người, mang về hơn 433 triệu USD. Từ năm 2005, Bộ Y tế Malaysia đã thành lập Hội đồng Du lịch y tế (MHTC). Cơ quan này cung cấp dịch vụ toàn diện cho khách hàng nước ngoài tới chữa bệnh.

Về chuyên môn, Malaysia cũng tự tạo chỗ đứng bằng những lĩnh vực điều trị chuyên biệt, như sinh sản và tim mạch. Về tim mạch, Malaysia có thể tự tin cạnh tranh với các trung tâm y tế đẳng cấp thế giới trên khắp châu Á. Đất nước này có hơn 30 trung tâm điều trị tim tiên tiến, bao gồm Viện Tim mạch quốc gia nổi tiếng là một trong những cơ sở tốt nhất châu Á. Đây là cơ sở đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương cấy máy Micra AV - máy tạo nhịp tim nhỏ nhất thế giới.

Tỉ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở Malaysia cũng rất cao, khoảng 55 - 60%.

Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ trở thành trung tâm y tế nhi khoa của khu vực Đông Nam ÁBệnh viện Nhi đồng 1 sẽ trở thành trung tâm y tế nhi khoa của khu vực Đông Nam Á

Ngày 27-5, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khánh thành 2 khối nhà là Trung tâm phẫu thuật nhi và Trung tâm sơ sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên