25/04/2022 16:41 GMT+7

TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển giáo dục đào tạo

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Chiều nay 25-4, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo về định hướng phát triển nguồn nhân lực của TP.HCM, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đề xuất cho thành phố được thực hiện cơ chế đặc thù trong giáo dục.

TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển giáo dục đào tạo - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM trong một hoạt động ngoại khóa - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Theo đó, TP.HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép các cơ sở giáo dục công lập được liên kết, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với cơ sở giáo dục nước ngoài; học sinh tham gia và hoàn thành chương trình, đạt yêu cầu ở kỳ thi cuối cấp được cấp bằng Việt Nam và bằng quốc tế; phân cấp cho UBND TP được quy định cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước - quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo giao cho UBND TP thẩm định nội dung và ban hành khung nội dung tài liệu giáo dục địa phương; việc biên soạn, in ấn và phát hành tài liệu này sẽ thực hiện theo phương pháp xã hội hóa; đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo giao quyền chủ động cho TP.HCM về chỉ tiêu lớp thường trong trường THPT chuyên, giúp TP thực hiện các cơ chế đặc thù phát triển các ngoại ngữ và thực hiện các đề án của TP.

Riêng về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới), TP.HCM kiến nghị như sau: 

Đối với các trường hợp có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp đối với các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp…) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông thì có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng. 

Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.

Đối với các giáo viên môn tin học, môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP thì có thể tham gia giảng dạy môn tin học, môn nghệ thuật tại các trường THPT theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng. 

Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 36 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các trường THPT.

TP.HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép TP được bổ sung mỗi cơ sở giáo dục công lập có đủ 4 vị trí việc làm: nhân viên văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế (đối với nhân viên y tế, cứ trên 1.000 học sinh thì thêm một nhân viên) vì nhiều trường ở TP có quy mô lớn, học sinh đông.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo hướng dẫn, xem xét cho phép  Trường đại học Sài Gòn được tự chủ tuyển sinh các mã ngành đào tạo giáo viên đặc thù như: tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) để đào tạo giáo viên phục vụ tại các trường học trên địa bàn TP; cho phép Trường đại học Sài Gòn đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các ngành như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp đáp ứng cho chương trình ngoại ngữ 2, chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cơ hội đổi mới giáo dục: Học và thi ở các nước phát triển Cơ hội đổi mới giáo dục: Học và thi ở các nước phát triển

TTO - Để kết lại tuyến bài 'Cơ hội đổi mới giáo dục', Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu giáo dục trong nước và thế giới, từ đó có những tham chiếu cho quá trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam.


HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên