10/06/2021 12:34 GMT+7

TP.HCM đang đàm phán với nhà cung cấp vắc xin, mục tiêu tiêm cho toàn bộ người dân

N.BÌNH -  NGỌC HIỂN
N.BÌNH - NGỌC HIỂN

TTO - TP.HCM đặt mục tiêu sẽ thực hiện tiêm vắc xin COVID-19 cho toàn dân và dự kiến trước khi kết thúc năm 2021, kỳ vọng 2/3 dân số TPHCM sẽ được tiêm chủng.

TP.HCM đang đàm phán với nhà cung cấp vắc xin, mục tiêu tiêm cho toàn bộ người dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM - Ảnh: HUYỀN MAI

Sáng 10-6, lãnh đạo TP.HCM đã có buổi gặp gỡ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó câu chuyện được quan tâm nhất là tiến độ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân.  

Lãnh đạo TP.HCM cho biết TP đang triển khai mua và tiêm vắc xin cho người dân TP dựa trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, với mục tiêu tiêm cho toàn bộ người dân TP. Hiện TP cũng đã làm việc với các đơn vị sản xuất vắc xin để mua vắc xin, trong đó có doanh nghiệp sản xuất vắc xin của Nga để mang vắc xin về TP. 

Ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - chia sẻ sáng nay trước khi đến dự hội nghị này, ông đã gọi điện cho bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi về vấn đề vắc xin phòng chống dịch COVID-19, và thực tế là hiện rất khó tiếp cận được nguồn vắc xin. 

Vì thế, theo ông Nguyễn Văn Nên, dù mục tiêu là tiêm vắc xin cho toàn dân nhưng sẽ có ưu tiên đối tượng tiêm vì số lượng hạn chế. 

"Chủ trương TP.HCM là mở rộng tối đa đối tượng được ưu tiên được tiêm", ông Nên khẳng định, đồng thời cho biết để đa dạng cơ hội, Chính phủ đã mở rộng cơ chế cho các doanh nghiệp được tiếp cận vắc xin, khi có là triển khai ngay. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ kiểm tra chất lượng và kế hoạch tiêm. 

Để quá trình tiêm vắc xin được đẩy nhanh hơn, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng TP, doanh nghiệp cần mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vắc xin. "Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND TP, với tinh thần mang vắc xin về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt", ông Nên nói thêm. 

Trong khi chưa có vắc xin, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, có giải pháp cụ thể để sản xuất an toàn, để tự bảo vệ mình, duy trì các hoạt động sản xuất trong năng lực chủ động của mình. 

TP.HCM đang đàm phán với nhà cung cấp vắc xin, mục tiêu tiêm cho toàn bộ người dân - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược, quyết định đối với TP, chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định - Ảnh: HUYỀN MAI

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho biết TP đã có kế hoạch cụ thể và lộ trình tiêm vắc xin từ nay đến cuối năm 2021 và quý 1-2022, trong đó đặt mục tiêu 2/3 dân số TP được tiêm chủng trước khi bắt đầu năm 2022. 

Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cũng thừa nhận để có vắc xin lúc này là không hề đơn giản. 

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cho rằng tiêm vắc xin là yếu tố quyết định và căn cơ để đối phó dịch. Sau hơn một năm cầm cự và cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cho biết đợt bùng phát dịch lần 4 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động tiêu cực.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết chi phí vệ sinh an toàn phòng dịch của doanh nghiệp tăng rất mạnh. Nhưng dù có nhiều biện pháp an toàn, doanh nghiệp vẫn không lo lắng, làm sao bảo toàn lực lượng lao động, nên các giải pháp duy nhất hiện nay là tiêm vắc xin cho người lao động. 

Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí - điện TP.HCM, cũng nói chỉ có giải pháp "Vắc xin - Vắc xin - Vắc xin" mới giải quyết được các vấn đề sản xuất hiện nay. 

"Nên tất cả giải pháp khác về hỗ trợ vốn vay, giảm thuế... vẫn không thể cứu được doanh nghiệp vì hoạt động sản xuất sẽ ngưng trệ sản xuất nếu xưởng sản xuất xuất hiện các ca F lây nhiễm", ông Tống nói. 

Thành phố này ở đâu cũng có dịch, điều này là không đúng

Thông tin đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Phong muốn phải lên tiếng "giải oan" cho TP.HCM, hiện nay đi đâu cũng bị cách ly, hạn chế.

Ông Phong cho hay tính đến ngày 6-6, TP.HCM có 640 trường hợp mắc COVID-19, đã được Bộ Y tế xác nhận, 433 trường hợp lây trong cộng đồng, chủ yếu bắt nguồn từ nhóm truyền giáo Phục Hưng, 207 trường hợp nhập cảnh.

Đặc biệt, từ ngày 26-5 TP.HCM chỉ có 1 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, sau ngày đó phát hiện 7 trường hợp từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thực hiện truy nguồn mới phát hiện từ nhóm truyền giáo, đến nay là 21/22 quận huyện có ca lây nhiễm, trừ Cần Giờ chưa phát hiện. "Ở đây không dám khẳng định Cần Giờ không có" - ông Phong nói.

Hiện nay TP.HCM đang điều trị 371 bệnh nhân dương tính mới.

"Độ mở của nền kinh tế TP là rất lớn song hiện nay chúng ta cơ bản kiểm soát tình hình và HCDC của TP rất vất vả, lao động miệt mài khi hằng ngày để truy vết. TP hiện có trung tâm chỉ huy phòng chống COVID-19, hoạt động 24/24 giờ", ông Phong thông tin.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh: thời gian vừa qua, cả hệ thống chính trị TP cùng nỗ lực, cùng thực hiện nhiệm vụ phòng chống COVID-19. Đôi lúc phải chấp nhận hi sinh kinh tế ngắn hạn để ưu tiên đảm bảo cuộc sống, hạnh phúc của người dân đặt lên hàng đầu.

Về trường hợp mắc COVID-19 tại Công ty PouYuen Việt Nam với 65.000 công nhân, ông Phong cho hay phân xưởng nơi công nhân này làm việc cách ly hoàn toàn với các phân xưởng khác.

Theo ông Phong, TP.HCM đã kiểm soát hoàn toàn các chuỗi lây nhiễm, chúng ta cần truyền thông đúng, không khéo địa phương khác nhìn vào thấy "TP này ở đâu cũng có dịch, điều này là không đúng".

Chỉ trong 1 ngày, 3 bệnh viện TP.HCM phát hiện 5 bệnh nhân mắc COVID-19 đến khám Chỉ trong 1 ngày, 3 bệnh viện TP.HCM phát hiện 5 bệnh nhân mắc COVID-19 đến khám

TTO - Chỉ trong ngày 8-6, 3 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã phát hiện 5 trường hợp mắc COVID-19 ngay khâu khám sàng lọc. Trong đó Bệnh viện Trưng Vương 2 người, Bệnh viện Thống Nhất 1 người và Bệnh viện huyện Bình Chánh 2 người.

N.BÌNH - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên