01/07/2009 08:32 GMT+7

Tôn vinh trí tuệ và trí thức Việt

LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

TT - VN là một quốc gia nhỏ nhưng đã lập nước và giữ nước thành công suốt hơn hai thiên niên kỷ, cho dù có lúc phải sống dưới ách nô dịch và dã tâm đồng hóa trong gần 1.000 năm Bắc thuộc.

6lig6EMQ.jpgPhóng to
Bà Lê Thị Túy Đại, đại diện gia đình nhà toán học Nguyễn Đình Chung Song, trao đổi với các thành viên của gia đình toán học Nguyễn Đình Chung Song - Ảnh: Minh Đức
TT - VN là một quốc gia nhỏ nhưng đã lập nước và giữ nước thành công suốt hơn hai thiên niên kỷ, cho dù có lúc phải sống dưới ách nô dịch và dã tâm đồng hóa trong gần 1.000 năm Bắc thuộc.

Là một nước nhỏ nhưng nước ta là một nước văn hiến, yêu văn hóa, trọng trí tuệ và đó chính là bí quyết để tồn tại và phát triển của dân tộc này. Một nước nhỏ nếu không biết dùng mưu trí, không biết dụng hiền tài thì làm sao đánh thắng được những đội quân xâm lược hùng mạnh đẳng cấp châu lục, thậm chí toàn cầu, từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, đến Pháp, Nhật, Mỹ và giữ vững một dải non sông thống nhất như ngày nay.

Nhà Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên là nhờ lòng yêu nước của nhân dân, nhưng cũng nhờ có Trần Hưng Đạo đúc kết tinh hoa quân sự của cha ông, nghiên cứu mưu thuật của kẻ thù, soạn sách Binh thư yếu lược để huấn luyện tướng sĩ, phải đâu cứ đánh liều, đánh càn mà thắng được.

Mỗi lần dẹp tan giặc xâm lược, đất nước thanh bình, ông cha ta luôn dốc lòng khôi phục văn hóa, chấn hưng học vấn. Như triều Lý, nước vừa thoát ách đô hộ ngàn năm, bận lập kinh đô mới vẫn cho xây Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tôn vinh sự học và đào tạo người tài ra dựng nước.

Các đời Trần, Lê vừa dạy học, vừa tổ chức thi tuyển quan lại cho cả con em quý tộc và thường dân. Vua cũng phải học để làm vua, quan phải thi đậu mới làm quan, thường dân có thực tài thì cũng có cơ hội trở thành trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Suốt thời phong kiến VN, triều đại nào biết trọng dụng hiền tài, khuếch trương học vấn thì cường thịnh, thái bình; vua chúa nào ham bạo quyền, tham vật chất, chà đạp văn hóa, coi thường trí thức thì sớm muộn gì cũng sụp đổ thảm hại.

Hàng vạn khách nước ngoài từ mọi miền trái đất đến Văn Miếu chắc không khỏi bâng khuâng niềm cảm phục một dân tộc hàng ngàn năm luôn phải đổ xương máu chống ngoại xâm mà vẫn giữ vững nền nếp tôn sư trọng đạo, trân quý hiền tài, dứt khoát lựa chọn cách cai trị đất nước bằng văn hóa và pháp luật chứ không bằng bạo quyền hay ngu dân. Một dân tộc biết gìn giữ và thấm nhuần những triết lý sâu sắc như “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “học thầy không tày học bạn” và “con hơn cha là nhà có phúc” là một dân tộc mà trí tuệ và tài năng đã được yêu trọng đến mức vượt lên trên cả giềng mối “quân - sư - phụ” thống trị đương thời của Nho học.

Hồ Chí Minh là một lãnh tụ chẳng những đã thấu hiểu sâu sắc vai trò hệ trọng của trí thức trong sự nghiệp kháng chiến cũng như xây dựng hòa bình, mà còn là một tấm gương sáng trong quan hệ và ứng xử với nhiều nguồn trí thức khác nhau về cảnh ngộ, xuất thân hay quốc gia, chủng tộc. Tháng 11-1945, Người đăng bài “Nhân tài và kiến quốc”, mời những người tài đức ra giúp nước nhà.

Tháng 11- 1946, Hồ Chí Minh lại cho đăng báo văn bản “Tìm người tài đức”, và yêu cầu “các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức... thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Không chỉ kêu gọi, với những bậc đạo cao, trí cả, mà Người gọi là “tiên tri, tiên giác”, Người viết thư mời đích danh, cho đón rước, chăm lo cho gia đình, thân nhân, và bổ nhiệm những chức vụ rất quan trọng mà không hề kỳ thị thành phần xuất thân hay hoạt động trong quá khứ.

Vị trí và vai trò của trí thức ở VN trong xã hội cũng đã có những bước ngoặt cơ bản: hiến pháp VN lần đầu tiên xác lập mối liên minh công - nông - trí bằng luật pháp, và Đảng Cộng sản đã đề ra thêm một tiêu chí cho mình phù hợp với xu thế của thời đại: Đảng phải là đảng của trí tuệ và đã ban hành nghị quyết về trí thức. Quyết sách đã đúng, cái còn lại là đưa nó từ trang giấy vào cuộc sống. Đảng đang phát động làm theo Hồ Chí Minh, mà một trong những bài học quý báu của Người là: Nói - thì - làm, Làm - nhiều - nói - ít, Nói - thật - làm - thật.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nguồn nhân lực nói chung và trí thức nói riêng là yếu tố then chốt để cạnh tranh và phát triển thành công, cũng là đối tượng của sự săn lùng, mua chuộc hay lôi kéo. Chất xám của dân tộc sẽ không ở lại hay quay về với chúng ta nếu vẫn bị đối xử rẻ rúng, tùy tiện, bị sử dụng chứ không phải được trọng dụng.

Trước sức ép của thời đại, hướng tầm nhìn dài rộng hơn về phía trước, ta như bắt gặp một sự thôi thúc, một câu hỏi của quá khứ: phải chăng đã đến lúc dân tộc ta cần tôn vinh tinh hoa trí tuệ và hiền tài của mình thêm một chút, như là dành một ngày trong năm mang tên Ngày trí thức VN, và phải chăng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long năm 2010 tới đây chính là lúc cùng nhau làm điều đó, không thể trễ hơn nữa.

LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên