11/08/2019 15:00 GMT+7

'Tôi viết cuốn sách đầu tay năm 75 tuổi'

D.KIM THOA chuyển ngữ
D.KIM THOA chuyển ngữ

TTO - Đây là dòng chia sẻ thực sự ấn tượng của bà Susan Moore Jordan, nhà văn nữ của Mỹ nay đã 81 tuổi, đã xuất bản 10 cuốn sách và vẫn đang say sưa sáng tạo trong bản thảo cuốn thứ 11.

Tôi viết cuốn sách đầu tay năm 75 tuổi - Ảnh 1.

Nhà văn Mỹ Susan Moore Jordan - Ảnh: SELFPUBLISHERSSHOWCASE

Những chia sẻ đầy cảm hứng của nữ nhà văn cao niên khởi đầu sự nghiệp viết lách ở độ tuổi hiếm thấy đã được đăng trên báo Guardian (Anh) gần đây.

Chúng tôi xin dẫn lại bài viết này và giữ nguyên ngôi trần thuật thứ nhất của bài viết gốc để bạn đọc cảm nhận trọn vẹn hơn những chia sẻ đầy cảm hứng của bà Susan Moore Jordan, đang sống tại vùng núi Pocono ở đông bắc bang Pennsylvania, Mỹ.

"Tất cả chúng ta đều thích những ngày sinh nhật mang tính "dấu mốc". Ở tuổi 16, chúng ta đủ tuổi để lái xe. Sau đó không lâu, chúng ta đủ tuổi để uống rượu (hợp pháp). Tiếp theo, chúng ta bắt đầu đánh dấu với những thập kỷ, và 50 là một dấu mốc quan trọng khác: nửa thế kỷ.

Nhưng với tôi, ngày sinh mang tính dấu mốc lớn hơn tất thảy là khi tôi chạm ngưỡng 3/4 thế kỷ. Ở tuổi 75, tôi đã viết và xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình. Và nay tôi ở giai đoạn 6 năm sau dấu mốc đó, đang viết cuốn sách thứ 11 và vô cùng yêu thương niềm đam mê mới mình đã tìm ra.

Tôi vẫn nhớ y nguyên cái ngày tôi đã quyết định sẽ viết cuốn sách đầu tiên của mình, ngày 6-5-2013. Khi đó, tôi vừa hoàn thành việc làm đạo diễn cho vở nhạc kịch mà tôi rất yêu thích, vở Carousel của Rodgers và Hammerstein, với một nhóm các bạn trẻ tuổi teen tại một trường trung học.

Lần đầu tiên trong 20 năm, tôi không có tác phẩm nào để làm trong mùa hè. Tôi than thở với một người bạn thân về việc không biết nên làm gì trong một mùa hè không có chương trình biểu diễn nào như vậy.

"Tại sao cậu không viết sách?" - cô bạn nói. Tôi nhìn chằm chằm cô ấy như thể cô ấy có tới 2 cái đầu, rồi lầm bầm: "Chắc mình phải cố giống như leo lên đỉnh núi Everest vậy". Nhưng quý cô khôn ngoan này phản đối, nói: "Đừng nghĩ to tát thế. Hãy nghĩ về một sự việc, một điều gì đó thực sự ý nghĩa trong đời cậu".

Phần hướng dẫn của tôi cho vở nhạc kịch Carousel là một tác phẩm dành cho trường trung học năm 1954. Vào một đêm tháng 1 năm đó, bố mẹ người bạn gái thân của tôi đã bị người anh rể của cô ấy bắn chết.

Hai tháng sau, cô ấy đã diễn xuất vô cùng xuất sắc trong vai Julie Jordan của vở Carousel, và tôi đã trực tiếp chứng kiến sự sáng tạo tuyệt vời được sinh ra trong một tình cảnh khủng hoảng không thể hình dung đó như thế nào.

Điều đó vẫn luôn sống động trong tâm trí tôi, bởi tôi đã chia sẻ câu chuyện này với các bạn diễn viên trẻ của mình. Người bạn tôi nói tiếp: "Vậy hãy viết ra câu chuyện đó ở ngôi thứ nhất".

Tôi về nhà, ngồi xuống máy tính và 5 tháng sau có được bản thảo cuốn How I grew up (tạm dịch: Tôi đã lớn lên thế nào) trong tay. Tôi đã thay Anita (người bạn gái năm xưa) kể lại câu chuyện của cô ấy, vì cô ấy đã không còn nữa để có thể tự kể chuyện mình.

Tôi đã dùng một thể loại tiểu thuyết ám chỉ (nguyên văn tiếng Pháp là "roman à clef"), một thể loại tiểu thuyết kể câu chuyện thực của một người có thực nhưng sử dụng các tên bịa, để viết cuốn sách này.

Thật tuyệt vời! Tôi đã viết được một cuốn sách. Mọi người đã mua và đọc nó. Họ thích nó. Nhưng tôi biết sẽ còn có thêm những chuyện khác nữa. Một phần phát triển thêm từ cuốn sách là câu chuyện về người bạn thân nhất của bạn gái tôi, người đã gặp một thần đồng piano bị bệnh tim bẩm sinh.

Giữa họ đã có một tình bạn. Nhưng sẽ thế nào nữa nếu điều đó trở thành một thứ khác hơn? Một hạt mầm đã được gieo cho cuốn sách thứ hai. Kiểu tư duy ấy cứ tiếp tục diễn ra qua suốt 10 cuốn sách... và nay tôi đang viết cuốn thứ 11.

Điều tuyệt vời nhất khi viết là gì ư? Đó là một cách khác để tôi chia sẻ về âm nhạc, một thứ luôn là tâm điểm trong cuộc sống của tôi. Rất nhiều trong số các nhân vật của tôi đã tìm đến âm nhạc để ứng phó với những thách thức họ phải đối mặt. Các nhân vật tôi tạo ra trở nên rất thực với tôi, và theo đó cũng trở nên rất thực với các độc giả của tôi.

Đôi khi họ đổi hướng hoàn toàn bất ngờ, nhưng điều đó khiến họ trở nên thú vị.

Một độc giả nói các tiểu thuyết của tôi "lấy âm nhạc làm trung tâm", và đó là sự mô tả khá chính xác ngay cả với những cuốn tiểu thuyết trinh thám gần đây tôi đã xuất bản.

Ở tuổi 81, tôi rất yêu cuộc sống của mình. Lần đầu tiên trong đời, tôi đang sáng tạo, đang tạo ra một thứ mới mẻ với chính tài năng và trí tưởng tượng của mình. Tôi đã đạt được một chút thành công khiêm tốn và cũng đã có một số bài đánh giá khá tốt. Nhưng tôi không nghĩ tới sự giàu có và nổi tiếng. Tôi đang viết vì lúc này tôi không thể không viết. Nó cần thiết với tôi giống như là thở vậy".

Với 10 cuốn sách đã có trong tay, nữ nhà văn cao niên đã hoàn thành được khối lượng công việc có thể là những gì làm được cả đời với một người khác chỉ trong 6 năm qua, khởi đầu từ cuốn sách đầu tay năm 75 tuổi.

Người tị nạn viết sách bằng điện thoại đoạt giải thưởng 90.000 USD Người tị nạn viết sách bằng điện thoại đoạt giải thưởng 90.000 USD

TTO - Một người Iran bị giam giữ tại trại tị nạn của Úc vừa giành được giải thưởng văn chương có giá trị lớn nhất nước này, nhưng lại không thể tham dự lễ trao thưởng.

D.KIM THOA chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên