03/09/2020 09:53 GMT+7

Tôi từng từ chối bệnh viện quận...

THẢO NGHI
THẢO NGHI

TTO - Vì nhiều lý do, không ít người ngại ngần mỗi khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) quận huyện. Tôi đã quyết không đến BV quận nhà từ nhiều năm nay, nhưng giờ tôi hiểu mình đã lạc hậu tình hình.

Tôi từng từ chối bệnh viện quận... - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện quận 7 Ảnh: DUYÊN PHAN

Chuyện ghi lại ở BV quận 7, TP.HCM.

Như những người thân

Buổi sáng một ngày cuối tháng 8, ba tôi cần đi cấp cứu. Ba tôi vẫn giữ quyền quyết định chọn nơi khám chữa bệnh. Lần này, khi nghe ba tôi nói muốn đến BV quận 7, trong nhà hầu như ai cũng ngại ngần, can ngăn bởi ba tôi có bệnh tim và cao huyết áp. Gần nơi tôi ở không chỉ có BV tim mà còn là hàng loạt phòng khám và BV quốc tế. Nhưng tính ba tôi đã quyết thì chẳng ai dám cãi lời. Nhờ vậy tôi mới có dịp chứng kiến tận mắt những đổi thay ở BV gần nhà mà đã gần chục năm rồi không hề lui tới.

Qua cổng, mọi người khai báo y tế, được cấp phù hiệu nhằm phân luồng khám chữa bệnh đồng thời kiểm soát người ra vào trong mùa dịch bệnh. Tại phòng cấp cứu, y bác sĩ ưu tiên hàng đầu khi tiếp nhận bệnh, khi bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch hoặc tạm ổn mới yêu cầu thân nhân điền phiếu thông tin bệnh nhân.

Bác sĩ, điều dưỡng lẫn người lập phiếu, thu ngân, hộ lý... đều ở độ tuổi khá trẻ. Thật an lòng khi sự trẻ trung, cung cách tận tình của họ đã giúp những thầy thuốc trẻ và các bệnh nhân cao niên càng thêm gần. Tôi đã ngạc nhiên đến cảm kích khi anh bác sĩ trẻ kiên trì thuyết phục ba tôi làm đủ các xét nghiệm trong lúc ông cứ nhất định đòi về sau khi nhận ra mình khỏe hơn nhờ ngậm thuốc hạ huyết áp, truyền dịch và nằm nghỉ ngơi mới khoảng 30 phút. Hay một nữ bác sĩ trẻ vui vẻ chào các đồng nghiệp rồi mau mắn quảy túi cứu thương lên đường nhận nhiệm vụ.

Một cô điều dưỡng trẻ nhẹ nhàng thuyết phục một bệnh nhân tuổi teen hợp tác hơn trong việc cung cấp các thông tin cần thiết, cứ như hai chị em trong gia đình. Một cô điều dưỡng khác lễ phép bưng ly nước giúp một bà cụ uống thuốc khi không có người thân bên cạnh. Và cả sự kiên trì, lễ phép của cô thu ngân khi giải thích về phiếu thu với một bệnh nhân.

Y tế gần dân

Không chỉ vậy, y bác sĩ ở đây còn đảm đương việc ghi nhận các cuộc gọi cấp cứu qua đầu số 115 trên địa bàn quận 7. Dù tất bật nhưng từng lời nói, cử chỉ của những người trẻ mà tôi đã gặp nơi phòng cấp cứu sáng hôm ấy đều tận tình, nhã nhặn, lễ phép và thân thiện tựa những người con, đứa cháu nói với ông bà, cha mẹ, với người thân trong gia đình mình. Ở vị trí công việc nào thì họ đều cặn kẽ tư vấn, giải thích với người bệnh hoặc thân nhân. Thủ tục, hồ sơ, thanh toán viện phí đều tại chỗ khá tiện lợi cho thân nhân lẫn bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân lớn tuổi, đi một mình.

Đem kể chuyện này với đồng nghiệp, bạn bè, hóa ra tôi mới là người lạc hậu. Nhiều bạn bè tôi rất yên tâm và hài lòng chọn các BV quận huyện từ nhiều năm qua, nhờ vậy góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên. Câu chuyện của chúng tôi bàn về chất lượng phòng khám vệ tinh tại BV quận huyện của các BV lớn ở TP.HCM (BV Nhi đồng TP, BV Từ Dũ, BV Bình Dân, BV Tai mũi họng, BV Răng hàm mặt, BV Mắt, BV Da liễu, BV Chấn thương - chỉnh hình...). Người dân không phải đi xa, có thể tiếp cận được chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở y tế gần nhất.

Một đồng nghiệp ở Thủ Đức đầy tự hào kể về BV quận Thủ Đức, BV quận đạt hạng 1 đầu tiên của cả nước với những thành tích y khoa nổi trội. Một người khác nói về BV huyện Củ Chi đang thành BV đa khoa tuyến huyện ở cửa ngõ tây bắc của TP. BV quận 2 ở phía đông đã phát triển nhiều chuyên khoa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân khu vực này.

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, nhằm góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên, nhiều BV tại TP.HCM đã thực hiện mô hình "y tế gần dân" với mục tiêu để người dân bớt thời gian đi lại, chờ đợi. Có những BV quận có phòng khám đa khoa vệ tinh tại một số trạm y tế phường. "Y tế gần dân" không chỉ gần về khoảng cách từ nhà đến BV, mà gần vì những nụ cười cùng sự ân cần của y bác sĩ. Sẽ gần hơn nữa khi người dân tin tưởng hơn về chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương mình.

Thủ Đức có bệnh viện quận đầu tiên cả nước được giao nhiệm vụ Thủ Đức có bệnh viện quận đầu tiên cả nước được giao nhiệm vụ 'chỉ đạo tuyến'

TTO - Từng là “hiện tượng của ngành y tế”, nay Bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM tiếp tục trở thành bệnh viện quận đầu tiên cả nước được giao nhiệm vụ “chỉ đạo tuyến”.

THẢO NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên