09/01/2024 13:33 GMT+7

Tội phạm ảo lộng hành: Tấn công tình dục trẻ dưới 16 tuổi trong Metaverse

Một trường hợp tội phạm tấn công tình dục trẻ vị thành niên trong vũ trụ ảo Metaverse mới đây khiến không ít người lo lắng.

Thế giới ảo Metaverse ngày càng phổ biến, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: ALAMY

Thế giới ảo Metaverse ngày càng phổ biến, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: ALAMY

Theo báo Daily Mail, một bé gái dưới 16 tuổi đã báo cáo với cảnh sát Anh rằng cô bé bị một nhóm đàn ông cưỡng hiếp tập thể trong khi đang tham quan thế giới thực tế ảo Metaverse bằng kính VR.

Mặc dù hành vi tấn công tình dục tập thể diễn ra trong không gian ảo nhưng phía cảnh sát xác nhận cô bé phải trải qua chấn thương tâm lý tương tự những vụ việc ngoài đời thật.

Bà Donna Jones, chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát và ủy viên tội phạm Anh, nói với truyền thông địa phương rằng sự việc được báo cáo lần đầu tiên cho chính quyền vào năm 2023. Họ không thể tìm ra danh tính của những người cưỡng hiếp cô bé.

Metaverse: Thế giới ảo, tổn thương tâm lý thật

Kính VR giúp trải nghiệm trong thế giới ảo trở nên chân thật - Ảnh cắt từ video

Kính VR giúp trải nghiệm trong thế giới ảo trở nên chân thật - Ảnh cắt từ video

Người tham gia vũ trụ ảo Metaverse sẽ điều khiển nhân vật thế thân (avatar) thông qua kính VR - một thiết bị mô phỏng không gian, có khả năng đem lại cảm giác chân thật và sống động cho người sử dụng.

Họ sẽ cảm nhận được mọi thứ giống hệt ngoài đời mặc dù không tiếp xúc hoặc bị động chạm về mặt thể chất, kể cả khi đã tháo chiếc kính ra. Do đó, nạn nhân trong vụ việc nói trên bị tổn thương tâm lý nặng nề dù không hề bị tác động vật lý.

Bà Katherine Cross, nhà nghiên cứu về quấy rối trực tuyến tại Đại học Washington (Mỹ), cho biết cốt lõi của công nghệ VR là đánh lừa não bộ ở cấp độ cơ bản, khiến con người tin vào những thứ diễn ra trước mắt. Người dùng cứ nghĩ rằng họ đang bơi hoặc chạy bộ cho đến khi họ tháo kính và nhận ra bản thân chỉ đang ngồi trên một cái ghế.

“Điều này có nghĩa là mặc dù người dùng biết chắc rằng những thứ có khả năng gây tổn thương tâm lý không xảy ra ở đời thực, họ cũng không thể ngăn chặn cảm nhận đó do não bộ buộc họ phải phản ứng như vậy”, bà Cross khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh James Cleverly - Ảnh: UK TREASURY

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh James Cleverly - Ảnh: UK TREASURY

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh James Cleverly trả lời phỏng vấn Đài LBC về vụ việc: “Chúng ta đang nói về một đứa trẻ vừa trải qua chấn thương liên quan đến lạm dụng tình dục. Chấn thương đó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và chúng ta cần thận trọng khi bàn về vấn đề này”.

Vị bộ trưởng còn cảnh báo: “Những người sẵn sàng làm một đứa trẻ tổn thương trên không gian ảo như vậy hoàn toàn có khả năng làm điều khủng khiếp tương tự ngoài đời”.

Nhiều vụ việc quấy rối tình dục với tính chất tương tự đã xảy ra trong “Horizon Worlds” - một trò chơi thực tế ảo do Meta (công ty mẹ của Facebook) phát hành.

Năm 2022, một nhà phát triển Metaverse cho biết avatar của cô đã bị cưỡng bức gần 1 tiếng đồng hồ trong lúc cô sử dụng nó để tìm hiểu hành vi của người chơi khác.

Trước đó, nhà nghiên cứu Nina Jane Patel cũng chia sẻ trên trang web Medium rằng cô gặp “cơn ác mộng siêu thực” trong lúc thử nghiệm trò chơi vì bị 3-4 avatar nam giới xâm phạm khoảng 60 giây vào năm 2021.

Lằn ranh phạm tội “ảo”

Avatar của Mark Zuckerberg - ông chủ của Facebook, trong trò chơi Horizon Worlds - Ảnh: META

Avatar của Mark Zuckerberg - ông chủ của Facebook, trong trò chơi Horizon Worlds - Ảnh: META

Sau khi nhận được thông tin, phía Meta đã ban hành thêm một số quy định mới trong Horizon Worlds. Một trong số đó là tính năng “bong bóng cá nhân” - bức màn bảo vệ cho phép avatar của người chơi giữ khoảng cách an toàn với các nhân vật khác.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đang xem xét liệu có nên buộc tội hành vi tấn công tình dục “ảo” ngoài đời thật hay không.

Bà Patel ủng hộ phương án lập hệ thống xác minh độ tuổi, kiểm soát quyền riêng tư và cung cấp quyền giám sát cho phụ huynh.

Còn đối với chuyên gia Cross, việc hình sự hóa hành vi sai trái trong Metaverse chỉ giúp xử lý “triệu chứng” (hành vi của người dùng) tạm thời chứ không giải quyết triệt để cội nguồn của vấn đề.

Bà Cross cho rằng các tập đoàn hoặc công ty phát triển Metaverse cần phối hợp, bàn bạc với chuyên gia để đảm bảo an toàn cho thế giới ảo của họ bởi đây là trách nhiệm của doanh nghiệp chứ không phải cá nhân.

Một điều tra viên của sở cảnh sát Anh cho biết mặc dù luật hiện hành nghiêm cấm tội phạm mạng (bao gồm lừa đảo, quấy rối và phân phối tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến), thế nhưng ông không chắc nó có thể áp dụng vào Metaverse.

Trả lời báo Evening Standard, giám đốc Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh Graeme Biggar nói: “Chúng tôi đang bắt đầu suy nghĩ về tội phạm trong Metaverse là gì và tìm ra cách để kiểm soát nó”.

Thành phố đầu tiên trên thế giới ra mắt dịch vụ Vũ trụ ảoThành phố đầu tiên trên thế giới ra mắt dịch vụ Vũ trụ ảo

Chính quyền thành phố Seoul ngày 16/1 cho biết đã chính thức triển khai dịch vụ "Metaverse Seoul" (Vũ trụ ảo Seoul) giai đoạn I từ lúc 13h00 cùng ngày (giờ địa phương).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên