26/07/2020 10:36 GMT+7

Tội nghiệp cá voi sắp chết đói vì bị cụt đuôi

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - "Nó đang trong tình trạng gầy nhom, đến mức có cảm giác nó không bơi được nữa", ông Arnaud Gauffier, giám đốc Chương trình của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) Pháp, nói với hãng tin AFP.

Hình ảnh cá voi cụt đuôi Fluker gầy nhom lờ đờ dưới nước - Nguồn: WWF


Con cá voi vây được đặt tên Fluker đã trở nên quen thuộc với các chuyên gia làm việc tại khu bảo tồn biển Pelagos, vùng biển được bảo vệ ngoài khơi nước Pháp, Ý và Monaco, trong hơn 20 năm qua.

Ngày 24-7, nhiếp ảnh gia dưới nước Alexis Rosenfeld đã đăng một số ảnh chụp Fluker hồi đầu tháng 7 ở vùng biển ngoài khơi thành phố Toulon, miền nam nước Pháp, trong chuyến đi trên tàu Blue Panda của WWF.

Trong loạt ảnh này, người ta thấy con cá voi lộ rõ vẻ gầy gò. Dù cá voi vây có thể sống nhiều tháng không cần thức ăn, nhưng việc mất toàn bộ cái đuôi khiến Fluker không thể lặn bình thường, cản trở hoạt động săn nhuyễn thể.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, ban quản lý khu bảo tồn biển Pelagos đã nhìn thấy lại Fliker và đã cảnh báo về tình trạng gầy gò của nó cùng một số vết lở loét trên cơ thể. Lúc đó nó còn bơi được khoảng 100 km mỗi ngày. Họ cũng đã yêu cầu các tàu thuyền trong khu vực tránh lại gần Fluker.

Tội nghiệp cá voi sắp chết đói vì bị cụt đuôi - Ảnh 2.

Hình ảnh cá voi cụt đuôi Fluker qua ống kính của nhiếp ảnh gia dưới nước Alexis Rosenfeld - Ảnh: WWF

Cá voi vây, động vật lớn thứ hai trên thế giới sau cá voi xanh, sinh sống ở vùng biển sâu thuộc những đại dương lớn, chủ yếu ở khu vực ôn đới và vùng cực, theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ.

Cá voi vây nhờ vào đuôi để di chuyển dưới nước và sống nhờ loài nhuyễn thể lọc ra dưới nước khi bơi lặn.

Vào cuối thập niên 1990, các nhà nghiên cứu trong khu vực lần đầu tiên trông thấy Fluker, và đặc biệt chú ý đến nó bởi nó bị mất một nửa chiếc đuôi.

Nó vẫn sống sót qua nhiều năm, nhưng giờ đây, thời gian tồn tại của nó có vẻ như chỉ còn tính bằng ngày.

Đến cuối năm ngoái, các nhà chuyên môn đã thấy nó đã mất cả chiếc đuôi. Các chuyên gia cho rằng nửa đuôi còn lại của nó bị chân vịt tàu biển cắt lìa hoặc bị lưới đánh cá cứa mất.

"Mất đi bộ phận tạo lực đẩy, Fluker không thể lặn xuống những vùng biển sâu để tìm nhuyễn thể nữa. Hoạt động của con người đã đẩy con cá voi tới tình trạng này", ông Gauffier lên án.

Ở quần đảo Pelagos, tổ chức phi chính phủ WWF ước tính khoảng 10 - 40 con cá voi vây chết mỗi năm do va chạm với tàu biển.

Từ chỗ là "kho báu sinh học biển", theo nghị sĩ Pháp Jean-Christophe Lagarde, khu vực quần đảo Pelagos nay trở thành vùng biển nhộn nhịp của tàu dầu và phà chở khách - tăng gấp đôi cường độ đi lại chỉ trong 20 năm qua.

Khó khăn nhất là không ai có thể kiểm soát được vận tốc của các tàu này. Theo AFP, ông Arnaud Gauffier đang đề nghị thiết lập "vùng biển đặc biệt dễ tổn thương" ở phía tây bắc biển Địa Trung Hải nhằm buộc tàu thuyền giảm tốc độ, giảm thiểu sự gây hại cho động vật biển.

Đại tuyệt chủng lần 6 diễn ra quá nhanh, lỗi hoàn toàn do con người Đại tuyệt chủng lần 6 diễn ra quá nhanh, lỗi hoàn toàn do con người

TTO - Trận đại tuyệt chủng lần 6 trên Trái đất không phải một tương lai nào đó, nó đang diễn ra và nhanh hơn mọi dự đoán. Rất tiếc con người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên