20/08/2019 13:55 GMT+7

Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 1: Rưng rưng đặt chân lên đảo

NGUYỄN HỮU PHÚ
NGUYỄN HỮU PHÚ

TTO - LTS: Tình nguyện ra Trường Sa để dạy học cho trẻ thơ nơi đầu sóng ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc, thầy Nguyễn Hữu Phú đã xem gần 2 năm gắn bó ở đảo Song Tử Tây là tháng ngày hạnh phúc nhất của đời mình.

Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 1: Rưng rưng đặt chân lên đảo - Ảnh 1.

Đảo Song Tử Tâ y máu thịt của Tổ quốc Việt Nam - Ảnh: Q.ĐỊNH

Vậy là sau bao ngày chờ đợi, đơn tình nguyện của tôi cũng được Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa xét duyệt đồng ý cho ra Trường Sa dạy học.

Hải trình sóng gió

Ước nguyện được cầm phấn dạy dỗ trẻ thơ nơi quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc lâu nay trong tôi đã thành hiện thực. Lòng tôi dâng lên nỗi niềm lâng lâng khó tả.

Niềm vui sướng, tự hào được ra nơi đầu sóng ngọn gió tiền tiêu của Tổ quốc là một vinh hạnh rất lớn không riêng với bản thân tôi mà còn đối với cả gia đình, đặc biệt là ước mơ của cha tôi trước khi mất.

Trước ngày lên tàu đầu năm 2018, nhiều đêm tôi thức đến sáng, không tài nào ngủ được. Niềm vui mừng và sự lo lắng cứ lẫn lộn vào nhau. Vui mừng là được đi dạy học nơi phên giậu hào hùng của Tổ quốc, lo lắng là không biết ngoài đảo xa đó sóng gió và cuộc sống thế nào, bởi đây là lần đầu tiên tôi được đi.

Nhiều câu hỏi không đầu không cuối cứ dần hiện lên chưa kịp rõ thì liền tan biến cuốn tôi theo nhiều cảm xúc khó tả.

Và ngày lên tàu ra đảo cũng đã đến. Tôi mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc, vì ở nhà anh chị tôi thấy cái gì cần thiết hoặc ít dùng đến đều nhét cho đứa em đi xa. Anh chị nói ngoài đảo tít mù nên đem theo dư còn hơn không.

Ngoài vật dụng dành cho cá nhân, tôi còn cẩn thận mang theo nhiều sách vở, dụng cụ phục vụ việc dạy học.

Trước khi tàu nhổ neo rời cảng Cam Ranh, các cán bộ, chiến sĩ hải quân dàn hàng ngang vẫy tay tiễn chúng tôi đi làm nhiệm vụ.

Đứng trên mạn tàu, lặng nhìn khung cảnh ấm áp nghĩa tình đó, lòng tôi cảm thấy vô cùng thiêng liêng, hạnh phúc, tự hào và càng yêu đất nước Việt Nam mình hơn.

Sau hai ngày rời cảng, sóng gió yên bình, mọi người trên tàu ăn uống sinh hoạt bình thường. Riêng tôi thường ra boong tàu đứng hóng gió, nhìn biển, nhìn mây trời, để cảm nhận hết sự bao la của đại dương đất nước mình. Lâu lâu, tôi thấy đôi cánh hải âu bay vờn cánh sóng, cảm giác thật nên thơ yên bình.

Nhưng đến ngày thứ 3, tàu phát loa thông báo cơn áp thấp nhiệt đới đang hình thành và di chuyển theo hướng tàu.

Rồi những ngày liên tiếp sau đó, sóng gió quăng quật dữ dội. Mặc dù từng đi ghe biển nhưng tôi cũng không thể nào trụ vững. Những con sóng cao cứ liên tiếp dội ầm ầm vào mạn tàu làm bọt bắn tung trắng xóa, nhiều con sóng còn phủ tràn lên cả boong tàu.

Nhiều người trên tàu say sóng, mệt lử, lắc lư theo từng con sóng, trong đầu nhiều khi cứ quay vòng vòng như chong chóng. Ai cũng ăn uống cầm chừng, chỉ cố gắng một chén cơm hoặc nửa chén để đỡ kiệt sức.

Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 1: Rưng rưng đặt chân lên đảo - Ảnh 2.

Góc đảo Song Tử Tây với tượng thờ danh tướng Trần Hưng Đạo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau một tuần chịu sóng gió và qua mấy đảo khác, tôi rưng rưng xúc động nhìn thấy Song Tử Tây. Hòn đảo hiện lên rất gần ngay trước mặt, rợp bóng cây xanh, nhưng tôi chưa thể lên được vì sóng biển còn lớn cấp 6, cấp 7, có khi giật lên đến cấp 8.

Tàu chạy vòng quanh đảo tránh trú, canh thời điểm sóng hạ xuống cấp 4 để đưa chúng tôi vào. Nhưng cũng phải mất hai tuần tàu mới đưa tôi lên đảo được. Các anh hải quân tâm sự đây là chuyến hải trình đầy sóng gió, trắc trở.

Việc đưa tôi lên đảo cũng vô cùng khó khăn, vất vả. Sóng còn rất mạnh, chiếc xuồng dội ngược dội xuôi. Từ trong đảo, anh em chiến sĩ chạy chiếc xuồng CQ ra chở chúng tôi.

Việc đưa người từ tàu lớn xuống xuồng CQ cũng là một quá trình đầy thách thức trong sóng gió quăng quật. Các con sóng cao nhồi lên dập xuống liên tục. Anh em chiến sĩ phải ra sức căng kéo dây giằng quần thảo với sóng để giữ xuồng.

Có chiến sĩ bị bong tróc da tay đến chảy máu vì giữ dây cho chúng tôi xuống xuồng lên đảo. Thấy anh bị thương như vậy, tôi hỏi thì nhận được câu trả lời vô tư vui vẻ: "Anh em ở đây đã quen như vậy vào những mùa biển động và chuyện này cũng thường xuyên. Có khi còn nặng hơn thế nữa".

Nghe các anh lính tâm sự, chúng tôi lặng nhìn và thầm cảm phục. Khi tôi vào được đến đảo thì mình mẩy, đồ đạc ướt nhẹp. Vậy mới thấm thía nỗi khó khăn và sức chịu đựng mãnh liệt của chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.

Những người lính chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc máu thịt, còn tôi ráng lo cho tương lai thế hệ mai sau. Sự gần gũi, đồng cảm đó đã làm nỗi nhớ nhà trong tôi vơi dần.

NGUYỄN HỮU PHÚ

Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 1: Rưng rưng đặt chân lên đảo - Ảnh 4.

Thầy Phú tận tình dạy trẻ ở đảo Song Tử Tây - Ảnh: NVCC

Đầm ấm nghĩa tình

Rưng rưng xúc động bước chân lên đảo, tôi được người dân và các cán bộ, chiến sĩ với nước da sạm nắng chào đón thân tình. Những cái bắt tay ấm áp. Những nụ cười thân thiện rạng rỡ trên môi.

Cái nghĩa cái tình của lần đầu gặp nhau nơi đảo xa thiêng liêng của Tổ quốc làm cho những trái tim xa lạ gắn kết, đồng cảm với nhau nhanh hơn và làm bao mệt mỏi, say sóng vật vã trong tôi tan biến như chưa từng xảy ra.

Anh em lực lượng trên đảo nhiệt tình mang vác, xách đồ giúp chúng tôi đến tận chỗ ở. Tuy chưa kịp biết tên nhau, nhưng chỉ qua ánh mắt, nụ cười thôi mà lòng đã cảm thấy thân thuộc tự lúc nào.

Còn các em học sinh thì vòng tay chào tôi rất lễ phép, rồi nhanh chóng nắm níu tay tôi vui vẻ cười đùa như tôi đã từng dạy chúng từ lâu lắm rồi. Mắt tôi tự dưng thấy cay cay, nhòe đi.

Những ngày đầu tiên sống trên đảo của tôi đầm ấm trong cái tình của bà con và anh em chiến sĩ. Họ biết chúng tôi thế nào cũng nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gia đình vì ai đi xa quê hương mà không nhớ!

Đặc biệt là chúng tôi lại ra nơi đầu sóng ngọn gió hải đảo xa xôi, đâu phải muốn về thăm nhà khi nào cũng được.

Hầu như hôm nào nhà hộ dân số 1 của anh Khai, hộ số 4 anh Cường hay hộ số 7 anh Đoạn cũng mang cà phê, trà lá, bánh kẹo đến trường ngồi hàn huyên tâm sự với tôi đến tận khuya mới về.

Rồi thì hôm nhà hộ dân số 2, số 3 lại thân tình mời tôi dùng cơm gia đình cho đầm ấm. Có khi thì nhà hộ dân số 5, số 6 còn làm đĩa gỏi ốc bưng qua trường chúng tôi. Các anh em cán bộ, chiến sĩ vào những ngày nghỉ cũng thường xuyên lui tới chia sẻ hoàn cảnh gia đình, bạn bè.

Mọi người kể cho nhau nghe những vui buồn nơi biển đảo.

* Kỳ tới: Thương lắm, tiếng trẻ nơi đảo xa

Gặp những chàng trai Đà Nẵng ở Trường Sa Gặp những chàng trai Đà Nẵng ở Trường Sa

TTO - Những ngày biển Đông đang "nóng" lên bởi các hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam, tôi lại nhớ đến hình ảnh những chàng lính Trường Sa.

NGUYỄN HỮU PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên