07/04/2020 08:19 GMT+7

'Tôi đã thấy nụ cười Việt Nam lấp lánh sau bộ đồ bảo hộ kín mít'

MATT YOUNG (41 tuổi, người Mỹ) - TRƯỜNG TRUNG ghi
MATT YOUNG (41 tuổi, người Mỹ) - TRƯỜNG TRUNG ghi

TTO - Sáng 13-3, tôi về nhà ở Việt Nam sau gần 2 tháng đi công tác qua rất nhiều nước trên thế giới. Khi tôi bay về Đà Nẵng, nhân viên dịch tễ đã cách ly tôi.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước cho việc cách ly này, chỉ có điều là tôi hoàn toàn không hề chuẩn bị cho việc bị nhiễm COVID-19.

Ngày 18-3, khi nhận được thông tin mình nhiễm virus corona, tôi đã sốc và lo lắng.

Tôi là người Mỹ thứ 2 nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, tôi được xác định bệnh nhân có số thứ tự hẳn hoi để không ai có thể nhầm lẫn trong chiến dịch mà toàn xã hội Việt Nam đang tích cực thực hiện để phòng chống dịch COVID-19.

Tôi đã đi đến rất nhiều nơi, bây giờ tôi có trách nhiệm sẽ phải thông báo cho rất nhiều người có nguy cơ bị nhiễm vì họ đã gặp tôi. Tôi đã thức trắng nhiều đêm để gửi email thông báo cho những người có nguy cơ. Tôi thông báo với tâm lý không dễ dàng.

Mặc dù vậy, tôi biết nhiều người bị nhiễm COVID-19 đều được chữa khỏi. Và rồi cũng đến lượt tôi được chữa khỏi.

Tôi muốn tri ân những con người ở Đà Nẵng, những nhân viên y tế đã làm việc không mệt mỏi để giúp tôi điều trị. 

Họ mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, nhưng tôi vẫn dễ dàng nhìn thấy được ở họ sự thân thiện bằng các cử chỉ, lời chào, qua các cuộc trao đổi về tình hình sức khỏe. Tôi nhìn xuyên qua lớp khẩu trang và thấy những nụ cười.

Mặc dù cơ sở vật chất ở đây còn khiêm tốn, nhưng đó cũng là điều tôi yêu thích tại Việt Nam, sống đơn giản - mặc dù là ở khu cách ly trong bệnh viện - nghĩa là sống tốt. Mọi thứ đều vừa đủ để sinh hoạt. 

Phòng bệnh của tôi không bật điều hòa, thay vào đó là rất nhiều quạt, tôi nghĩ họ muốn tốt cho sức khỏe của tôi lúc này. 

Tôi vốn không phải là người hâm mộ các món ăn Việt Nam, thậm chí sau thời gian dài 5 năm sống ở đây, nhưng tôi phải thừa nhận mỗi bữa ăn được cung cấp tại bệnh viện đều rất ngon, thực sự rất hài lòng. Túi đồ thức ăn dự phòng tôi mang theo thực sự không cần thiết.

Toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe đều giao tiếp tốt bằng tiếng Anh và sử dụng công nghệ thành thạo. Tôi có thể thấy điều ấy qua việc bác sĩ phó giám đốc - người nói chuyện với vợ tôi, hay cả những nhân viên y tá nói tiếng Anh với tôi, họ còn nhắn tin trên WhatsApp để hỏi tôi muốn ăn gì.

Lúc nằm viện trong một phòng cách ly đặc biệt, tôi tự hỏi về một chiếc máy quay ở góc phòng. Có lần tôi tò mò quay cái máy oxy để tự xem mức oxy của mình. 

Ngay lập tức vợ tôi đã gọi điện nói bệnh viện yêu cầu tôi quay hướng máy đó về vị trí cũ. Thì ra cái máy quay ở trên đó là để các bác sĩ và y tá có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe cho tôi vào mọi lúc. Họ thực sự để mắt quan tâm đến từng chỉ số điều trị của tôi trong này.

Tôi đã bình phục. Mặc dù trường hợp của tôi chỉ là một phần nhỏ trong công cuộc chăm sóc sức khỏe mọi người lúc này, tôi vẫn muốn nói điều này: Việt Nam đã đạt được vị thế quốc gia phát triển trong việc ngăn ngừa và điều trị COVID-19, điều mà ngay cả quê hương nước Mỹ của tôi cũng không thể nói trước trong tình hình hiện nay.

Có một thời gian, nhiều người đã nghĩ rằng việc một người Mỹ chọn sống ở Việt Nam là một lựa chọn kỳ quặc. Bây giờ có lẽ họ sẽ thôi nghĩ như thế. Tôi muốn nói rằng bây giờ tôi biết ơn nơi này rất nhiều. Việt Nam đã làm rất tốt trong việc cách ly mọi người để chắc chắn rằng virus không lây lan trong cộng đồng. Điều đó đã giúp tôi được cứu sống.

Bệnh nhân người Anh ra viện, mắt đỏ hoe cảm ơn bác sĩ bằng tiếng Việt Bệnh nhân người Anh ra viện, mắt đỏ hoe cảm ơn bác sĩ bằng tiếng Việt

TTO - Mắt rơm rớm, bệnh nhân COVID-19 duy nhất được điều trị tại Quảng Nam đã nói 'cảm ơn' bằng tiếng Việt khi tặng hoa các y bác sĩ đã nỗ lực điều trị cho ông.

MATT YOUNG (41 tuổi, người Mỹ) - TRƯỜNG TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên