Tôi đã "ngộ" ra đạo làm rể Tây ở Việt Nam ra sao!

FRANCK RENAUD 18/01/2004 00:01 GMT+7

TT - Thế mà ba năm đã trôi phéng qua! Trước thềm năm Giáp Thân này, tính ra tôi đã tròn ba năm gắn bó tơ hồng với một phụ nữ Việt - chính xác là vào ngày 21-11 năm Canh Thìn. Tôi ấy à? Một nhà báo Pháp, do những tình cờ của nghề nghiệp mà đến công tác tại Hà Nội để đào tạo các đồng nghiệp người Việt và định cư tại đây.

Gia đình hạnh phúc: chàng rể Tây, con trai Léo Tuấn Việt (chàng trai đất Việt) và "nội tướng" Hương

Thế còn nhà tôi? Một nhà báo, nhất định là thế rồi. Gặp gỡ trong một khóa đào tạo mà tôi tham gia điều hành. Ở xứ tôi đa số các cuộc hôn nhân đến từ chỗ làm, hóa ra chẳng khác biệt gì lắm với ở đây. Ít nhất đó cũng là một lĩnh vực mà các dị biệt văn hóa không hẳn là trầm trọng.

Tất nhiên, cũng nhất thiết phải ghi nhận rằng mỗi người đều cùng phải cố gắng để vượt qua những dị biệt này. Phải cố gắng để học hỏi và thấu hiểu. Trước khi trở thành “chàng rể đất Việt”, tôi nào có ngờ sẽ có ngày phải gọi bố vợ là “bố”, gọi mẹ vợ là “mẹ” (1). 

Người Pháp duy lý theo tinh thần Descartes là “cái thằng tôi” này chỉ có một ba và một má duy nhất là hai đấng sinh thành ra tôi. Thế là tôi bèn ráng mà “nhập tâm” rằng nay tôi còn có thêm một “bố” và một “mẹ” nữa. 

Rồi thì tôi cũng “ngộ” được cái “đạo” (làm rể) này, nhất là khi ông “bố”, bà “mẹ”của tôi hết sức dễ mến và đã tận tình giúp cái anh chàng rể đến từ phương trời Tây xa xôi hội nhập gia đình.

Hội nhập cả quanh mâm cơm gia đình. Một anh chàng “khó ăn, khó uống” thì khó là người chồng tốt được chăng? Cái lập luận ấy may thay lại hạp với tôi, một kẻ rất biết ngồi vào mâm và thưởng thức mọi món được gắp cho. 

Sau 5 năm trời sinh sống tại VN, tôi nghĩ là đã “đánh chén” một cách trên cả mức “tận tình” các món ngon vật lạ của nền ẩm thực VN, từ món mộc tồn (thi thoảng) đến bún thang, món hảo của tôi, cho dù trời Hà Nội nóng như lửa hoặc lạnh đến rét run (2). 

Chính nhờ đó mà tôi rất thường được giới thiệu như là một “anh Tây mắm tôm”, một “tước hiệu” đầy hãnh diện, cho dù tình thật mà nói tôi chỉ nhúng đầu đũa vào chén mắm tôm mà thôi! Tí ti thôi. Phải biết tỏ ra biết điều, đặc biệt là với cái anh mắm tôm này.

Ăn đã đành, còn phải uống nữa chứ - bởi thế mới gọi là ăn uống. Từ bia đến rượu trắng, tôi tin là đã chứng minh được rằng tình hữu nghị Pháp - Việt còn có thể được tôn vinh bằng cách chạm cốc. 

Ngay cả khi đối tác Việt có muốn “lật nhào” người khách mời Pháp bằng những cú “trăm phầm trăm”, thì hãy vẫn cứ chạm cốc nữa đi. Tôi luôn cố bảo vệ “phẩm giá”, dù là trong gia đình, với bạn hữu hay trong giới đồng nghiệp. 

Thú thật là tôi mê “cái nhà anh” rượu nếp cẩm nhất. Ôi, cái món rượu với sắc màu tim tím, như tấm áo dài trên mình cô gái xuân thì! Có lẽ VN cũng có thể nghĩ đến việc xếp hạng đệ nhất tửu này vào danh sách di sản văn hóa thế giới được chăng?

Thế còn các khác biệt văn hóa? Tất nhiên là có. Đó là cái thói quen ép - một điều may mắn vẫn còn sót lại? (3) - các cặp vợ chồng son cứ phải sinh con ngay sau khi họ mới bén duyên. 

Về phần chúng tôi, chúng tôi đã đợi đến hơn hai năm và bản thân tôi hiểu ra rằng “ông bô bà bô” yêu dấu của tôi chắc không ít lần phải bâng khuâng không rõ cái “anh con rể từ phương xa” đến này có “nam nhi chi chí” hay không! Trong khi đó, chúng tôi chỉ muốn thong thả chút đã.

Tôi đã và vẫn đang cố hấp thu những tập tục mà bộ cánh chú rể hoàn hảo (khiêm tốn hơn một chút thì cũng tự xếp hạng là khá hoàn hảo) khoác lên mình tôi. 

Song, tôi cũng phải nhìn nhận rằng đó là một vai rất tuyệt. Do lẽ chàng rể từ phương xa và đang cố hết sức “làm rể” này (thỉnh thoảng cũng va vấp) vẫn luôn là khách quí, người luôn được gắp miếng ngon nhất trên mâm cơm, người được vinh dự cùng “nội tướng” của mình xông đất gia đình vợ, cung chúc tân xuân. 

Ấy chết, xông đất nhà “bố, mẹ” mới đúng.

-----------------------

(1): người Pháp, trong đối đáp trực tiếp không xưng hô thân mật je/tu (theo ý nghĩa ba- má/ con) với bố mẹ vợ/ chồng, tuy khi đề cập đến vẫn gọi “đây là bố- mẹ vợ tôi”.

(2): người Pháp không có thói quen ăn món xúp nóng vào mùa hè.

(3): người phương Tây không còn tha thiết sinh con đẻ cái nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận