10/02/2020 14:04 GMT+7

Toàn dân Nhật đón Olympic

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Nhiều năm trở lại đây, thiếu hụt nhân lực là một trong những yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế tại Nhật. Và nhu cầu lao động đã lớn sẽ càng lớn hơn trong mùa Olympic Tokyo 2020.

Toàn dân Nhật đón Olympic - Ảnh 1.

Xưởng làm giấy ở Gokayama. Đây là một trong những nơi được ngành du lịch Nhật Bản khuyến khích du khách tới thăm dịp Olympic 2020 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Chẳng hạn ở mảng an ninh, Hãng thông tấn Kyodo cho biết con số dự kiến 50.850 nhân viên an ninh nhiều khả năng không đủ. Hiện nay dù có 550.000 nhân viên bảo vệ đang được đào tạo, nhưng nhiều lúc số lượng đăng tuyển vào công việc này lại nhiều gấp... 8 lần so với số hồ sơ xin việc. 

Nguyên nhân được cho nằm ở mức thù lao không tương xứng với rủi ro và điều kiện làm việc. Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trên khiến nhà tổ chức Olympic nghĩ tới việc phải nhờ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tăng cường hoặc sử dụng camera nhận diện hiện đại để hỗ trợ.

Giải pháp trong vấn đề an ninh đang lột tả đầy đủ những giải pháp của người Nhật hiện nay: sử dụng công nghệ, robot và toàn dân chung tay phục vụ Olympic. 

Tại Tokyo và khắp các tuyến cao tốc shinkansen, công nghệ đóng vai trò số một trong việc hỗ trợ du khách.

Nhật Bản nói chung và Tokyo nói riêng từ lâu đã biến thành một guồng máy khổng lồ, nơi người dân có thể dùng bản đồ số dò đường, dùng một tấm thẻ Suica hay Pasmo để mua vé tàu, thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi và cứ thế đi khắp nước Nhật.

Một cô gái người Việt sau chuyến đi Nhật đúc kết rằng dù người Nhật vẫn thích dùng tiền mặt, việc không sử dụng thẻ du lịch khi đến Nhật sẽ khiến chính du khách bị lạc lõng. 

"Khi mọi người cứ quẹt thẻ rồi đi lần lượt, nếu mình dùng tiền mặt và phải tính tiền và thối tiền, có cảm giác như mình đang dùng thời gian của người đi sau và bản thân mình như một miếng ghép sai trong guồng quay đang vận hành rất trơn tru", cô gái kể.

Câu chuyện về những tấm thẻ phần nào chứng tỏ tầm nhìn của lãnh đạo Nhật Bản, nếu biết rằng đa phần người Nhật chọn cách sống khép kín và không quá "quốc tế" như các công ty đa quốc gia khổng lồ của nước này. 

Một thống kê của Nikkei gần đây cho thấy chỉ 23% người Nhật sở hữu hộ chiếu. Họ không có nhu cầu đi nước ngoài nhiều và càng không có nhu cầu học tiếng. Vì vậy, để đón được du khách quốc tế, rõ ràng công nghệ là trợ thủ số một của Nhật Bản.

Do thiếu nhân lực, ở Nhật, người già đảm nhiệm đủ dạng công việc khác nhau, từ nhân viên hàng không, phục vụ quán ăn cho tới những hướng dẫn viên du lịch. 

Đây vừa là cách tận dụng nhân lực hiệu quả, vừa có thể đóng góp vào việc thay đổi dần quan niệm của người Nhật với bên ngoài.

Truyền thông Nhật không giấu giếm quan điểm khó hòa hợp của người Nhật đối với người nước ngoài. 

Nhưng khi sử dụng dịch vụ tại Nhật, du khách sẽ chỉ thấy nụ cười và thái độ niềm nở nơi những ông bà cụ, những người tưởng chừng bảo thủ nhất tại quốc gia từng có thời gian đóng cửa 200 năm.

Nụ cười và thái độ niềm nở ấy là thật lòng hay bị nhiều người xem là sự cố gắng cũng được, vì điều đó chỉ càng cho thấy người Nhật đang cố gắng như thế nào cho một kỳ Olympic thành công.

Giấc mơ Olympic Giấc mơ Olympic 'mắc kẹt' giữa dịch bệnh

TTO - Năm 2020 là một năm quan trọng của thể thao VN với kế hoạch hướng đến Olympic Tokyo. Tuy nhiên, hàng loạt môn thể thao quan trọng của Việt Nam đang bị 'mắc kẹt' vì hệ lụy của dịch cúm corona.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên