03/07/2020 09:40 GMT+7

Tọa đàm: Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu?

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Bệnh bạch hầu lây trực tiếp từ người sang người qua giọt bắn của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng hoặc có thể lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Vậy làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh này?

Tọa đàm: Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu? - Ảnh 1.

Các khách mời tham gia tọa đàm sáng 3-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhằm giúp người dân có thêm thông tin về căn bệnh này cũng như cách phòng ngừa bệnh hiệu quả, sáng 3-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm: "Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu?" với sự đồng hành của Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC với sự tham dự của các bác sĩ, chuyên gia uy tín.

Mở đầu tọa đàm, ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ - chia sẻ bệnh bạch hầu đang được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là những phụ huynh có con nhỏ. Những thông tin của buổi tọa đàm này giúp lan tỏa thông tin phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất đến bạn đọc.  

Các bác sĩ cho biết bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Câu hỏi được người dân quan tâm hiện nay là liệu bệnh bạch hầu có nguy cơ bùng phát mạnh? ThS.BS Lê Hồng Nga - trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, nhắc lại ca bệnh bạch hầu tại TP.HCM (nam thanh niên 20 tuổi), qua điều tra dịch tễ cho thấy lúc phát bệnh, người này chỉ sinh hoạt và học tập tại nơi ở nội trú, không có giao lưu đến môi trường bên ngoài. 

Theo BS Nga, nguy cơ bệnh bạch hầu bùng phát tại TP.HCM không cao nếu mọi người đồng lòng đi tiêm chủng phòng bệnh.

Tọa đàm: Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu? - Ảnh 2.

BS Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Về tỉ lệ tiêm chủng trong thời gian quan, BS Nga cho hay do đại dịch COVID-19, có thời gian hoạt động tiêm chủng phải tạm ngưng. Đồng thời tâm lý lo lắng bị nhiễm bệnh nên một số gia đình chưa đưa trẻ em đi tiêm chủng đúng lịch dẫn đến tiến độ bao phủ vắcxin cho trẻ em bị chậm lại. 

Đến nay COVID-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, hoạt động tiêm chủng đã được tổ chức lại trong trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng vừa phòng lây nhiễm COVID-19, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các liều vắcxin bắt buộc.

BS Nga cho biết thêm, theo thống kê lượt tiêm chủng mở rộng TP.HCM, tỉ lệ bao phủ vắcxin ở trẻ dưới 1 tuổi (đủ 8 mũi cơ bản) thiếu 18% vì thế cần đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng. Về số vắcxin tiêm chủng theo chương trình mở rộng không thiếu, người dân không quá lo lắng.

Tại TP.HCM, hiện có 319 trạm y tế phường, xã tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và hơn 200 cơ sở tiêm vắcxin dịch vụ ở tất cả độ tuổi.

TS.BS Phan Tứ Quí - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho hay 2/3 dân số từng tiêm ngừa phòng bệnh trước đó sẽ không có kháng thể phòng bệnh nếu không tiêm nhắc lại. Vì vậy khuyến khích trẻ lớn, người lớn cần tiêm nhắc, tốt nhất từ 5-10 năm (hiệu quả vắcxin duy trì trong khoảng này).

Khi nhiễm bệnh, vấn điều trị bệnh bạch hầu rất phức tạp và khó khăn với các biến chứng rất nặng kèm theo như: tắc nghẽn đường hô hấp trên, viêm cơ tim (phải dùng máy tạo nhịp tim nhân tạo), tổn thương các tế bào cơ tim...

Tọa đàm: Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu? - Ảnh 3.

TS.BS Phan Tứ Quí - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong việc chẩn đoán bệnh bạch hầu, BS.CKII Nguyễn Tường Đức - phó trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - ví von các bác sĩ tai mũi họng như là "người đưa đò" đến các bác sĩ điều trị tích cực sau đó. Trong các cuộc họp giao ban, các bác sĩ thường xuyên đề cập đến các dấu hiệu bệnh bạch hầu vì chúng tương tự với các bệnh khác.

"Khi bệnh nhân có giả mạc ở hầu họng, thanh quản, mũi cần nghĩ ngay đến bệnh bạch hầu" - BS Đức nói.

Tọa đàm: Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu? - Ảnh 4.

BS CKII Nguyễn Tường Đức - Phó trưởng khoa Nhi - Tổng hợp, bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết vắcxin phòng bệnh bạch hầu thường là vắcxin 3 trong 1 ( bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong đó ho gà, bạch hầu lây qua đường hô hấp, uốn ván lây qua vết thương. Phòng bệnh bạch hầu là ngừa độc tố chứ không phải virus. Theo đó, tỉ lệ độ phủ cộng đồng tiêm ngừa rất quan trọng, tỉ lệ này càng cao thì tỉ lệ cá nhân nhiễm trong cộng đồng càng thấp.

Tọa đàm: Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu? - Ảnh 5.

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trước thực tế nhiều người lo ngại bị lây bệnh khi đến các cơ sở y tế, BS.CKII Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - khuyên người dân không cần lo lắng vì bệnh lây qua giọt bắn, có vắcxin phòng bệnh. Khi thấy bất kỳ biểu hiện khởi phát bệnh như sốt, ho nhiều, đau họng… cần đến các cơ sở y tế khám để loại trừ bệnh này, không tự ý mua thuốc điều trị.

Tọa đàm: Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu? - Ảnh 6.

BS.CKII Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - phó giám đốc Y khoa hệ thống Trung tâm VNVC - cho hay đối với trẻ em hiện nay trong chương trình tiêm chủng dịch vụ và mở rộng đều có những vắcxin phòng bệnh bạch hầu với độ bao phủ vắcxin rất cao.

Tuy nhiên, ở trẻ lớn và người lớn dần quên những mũi nhắc cũng như không đi tiêm chủng đầy đủ, vì thế hiện nay xuất hiện những ca bạch hầu ở độ tuổi này tại vài tỉnh thành. Tiêm vắcxin sẽ phòng được những bệnh nguy hiểm và chống bệnh tật tốt hơn.

Tọa đàm: Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu? - Ảnh 7.

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - phó giám đốc Y khoa hệ thống Trung tâm VNVC - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các bác sĩ, chuyên gia tham gia tọa đàm:

- BS.CKII Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

- BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

- ThS.BS Lê Hồng Nga - trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM.

- BS.CKII Nguyễn Tường Đức - phó trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM.

- TS.BS Phan Tứ Quí - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

- ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - phó giám đốcY khoa hệ thống Trung tâm VNVC.

Ngăn bệnh bạch hầu ra sao? Ngăn bệnh bạch hầu ra sao?

TTO - Gần đây, khi xuất hiện hàng chục ca bạch hầu ở các tỉnh và một ca tại TP.HCM, nhiều người dân lo lắng về sự lây lan của căn bệnh này. Số người đến tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu ở một số trung tâm tiêm chủng tăng đột biến.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên