05/11/2019 08:23 GMT+7

Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ có bảo tàng nhỏ cho khách tham quan

D.NGỌC HÀ thực hiện
D.NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM sẽ mở cửa cho khách tham quan sau khi được trùng tu xong, đồng thời sẽ có một "bảo tàng" nho nhỏ để giới thiệu cho công chúng biết về lịch sử xây dựng, đặc điểm kiến trúc, công năng...

Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ có bảo tàng nhỏ cho khách tham quan - Ảnh 1.

Trụ sở TAND TP.HCM tại số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM đang được trùng tu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Thái Văn Tuấn - chánh văn phòng TAND TP.HCM - cho Tuổi Trẻ biết như vậy về di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia TAND TP. "Dự định ban đầu của lãnh đạo TAND TP là sẽ mời các nhà sử học, khảo cổ, những người có chuyên môn nghiệp vụ về bảo tàng để viết thuyết minh và liên kết với một đơn vị chuyên về du lịch của TP để giới thiệu về công trình" - ông Tuấn nói.

Trong phòng làm việc của ông Tuấn tại TAND TP có một cái bàn không để tài liệu, công văn giấy tờ mà để toàn mảnh ngói vỡ, con sứ hỏng...

Trong góc phòng có một bó các khóa cửa kiểu cũ với nắm vặn và những chốt sắt dài đã bị hư... Ông Tuấn nói đó là "của để dành" làm phòng trưng bày cho công trình trụ sở TAND TP để thuyết minh về nguồn gốc, xuất xứ của bản gốc những loại vật liệu xây dựng.

Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ có bảo tàng nhỏ cho khách tham quan - Ảnh 2.

Ông Thái Văn Tuấn - chánh văn phòng TAND TP.HCM

* Việc thuyết minh, trưng bày về giá trị kiến trúc, nghệ thuật của trụ sở TAND TP cho công chúng có phải là một hạng mục bắt buộc của dự án trùng tu?

- Đó là ý tưởng của riêng các lãnh đạo TAND TP chứ dự án trùng tu không bắt buộc. Đến giờ này, có thể nói trụ sở TAND TP là một trong rất ít công sở tại TP.HCM được công nhận di tích. Vì vậy nên chúng tôi vừa làm vừa nghiên cứu, học hỏi thêm.

Đây là một công trình có giá trị kiến trúc nên đã tạo được nhiều cảm hứng cho những người trực tiếp thực hiện, các anh em càng làm thì càng đam mê vì liên tục phát hiện những cái mới.

Ví dụ như khi cạo bỏ lớp vôi, sơn tường của những phòng làm việc thì phát hiện những bức tranh cổ trần ở phần tường giáp với trần nhà. Mỗi phòng là một bức tranh có họa tiết, màu sắc, kích cỡ khác nhau.

Đơn vị thi công phải chụp lại, đưa lên máy vi tính phân tích, tìm màu gốc của từng họa tiết để phục hồi. Nhiều bức tranh vẽ 3D ở mặt trong các bức tường và trên trần của các phòng xử án cũng được phát hiện. Mỗi phòng là một bức vẽ khác nhau với các tông màu sáng tối có chủ đích. Những bức vẽ này hiện vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 120 năm nên được giữ lại toàn bộ.

Trong quá trình trùng tu, chúng tôi giữ lại tối đa tất cả những đồ dùng, vật liệu xây dựng nguyên bản của tòa nhà. Những vật liệu, đồ dùng nào hư hỏng đến độ không thể phục hồi thì mới được thay bằng cái mới có hình dáng và chất liệu tương tự.

* Thời gian qua, có ý kiến cho rằng màu sơn ở cổng trụ sở tòa án "hơi sến", hay màu sơn của phần trụ sở đã hoàn thành "quá mới" so với tuổi của công trình?

- Khi chuẩn bị chọn màu sơn cho công trình, rút kinh nghiệm từ việc tòa nhà Bưu điện TP bị dư luận phản ứng về màu sơn mới sau khi sửa chữa và phải sơn lại, chúng tôi cho sơn thử màu được chọn tại cổng trụ sở tòa án để thăm dò phản ứng của dư luận và mời các nhà chuyên môn đánh giá đúng sai.

Trong khi đang thử nghiệm màu sơn tại trụ cổng, những người làm công tác trùng tu đã phát hiện màu sơn cũ của tòa nhà một cách tình cờ. Tòa nhà trụ sở của TAND TP có hai khối: khối nhà phía trước do người Pháp xây năm 1881, khối nhà phía sau được xây năm 1961.

Khi xây dựng khối nhà phía sau, người Mỹ không áp sát bức tường của khối nhà trước mà xây tường riêng. Vì vậy, khi đập bức tường của khối nhà phía sau thì mặt sau của bức tường tòa nhà Pháp với màu sơn gốc và các phù điêu rất lạ lộ ra. Dựa vào đó, các đơn vị liên quan xác định màu sơn cho tòa nhà.

Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ có bảo tàng nhỏ cho khách tham quan - Ảnh 3.

Phòng xét xử tầng 2 của tòa nhà được thiết kế trang trọng với bức tranh trên trần gây ấn tượng - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Yêu cầu của trùng tu là phải tôn trọng tối đa thiết kế nguyên bản của công trình, vậy phía tòa án có tiếp xúc được bản thiết kế của tòa nhà khi xây dựng dự án trùng tu?

- Hồ sơ thiết kế của tòa nhà trụ sở TAND TP do phía Pháp đang giữ. Vụ hợp tác quốc tế của TAND tối cao đã gửi công hàm sang Pháp để xin thông tin về thiết kế trụ sở TAND TP nhưng đến nay chưa nhận được kết quả.

Tuy nhiên, vì đây là trụ sở tòa án quốc gia trước năm 1975 nên hình ảnh và tài liệu về tòa nhà này rất nhiều và công khai. Đến giờ này các đơn vị tham gia dự án trùng tu trên cơ sở những thông tin được công khai...

Vì chưa có hồ sơ gốc của tòa nhà nên chưa thể lý giải được nhiều chi tiết trong cách người ta xây dựng. Tôi hi vọng một ngày không xa, chúng tôi sẽ được tiếp xúc và sử dụng bản gốc thiết kế của công trình này một cách đầy đủ và hợp pháp.

Lúc đó, tất cả các chi tiết của tòa nhà được lý giải một cách cặn kẽ. Cụ thể như tại sao ở khu vực cầu thang sảnh chính lại có rất nhiều cột, các bức tranh tường hay tranh cổ trần của từng phòng xử án khác nhau có ý nghĩa gì, tại sao phòng làm việc có rất nhiều cửa...

Ông Thái Văn Tuấn cho biết hiện dự án trùng tu trụ sở TAND TP.HCM đang vào thời điểm cuối của giai đoạn 1, dự kiến khoảng 3 năm nữa mới hoàn thiện tổng thể. Trong quá trình trùng tu, các hoạt động xét xử vẫn diễn ra bình thường.

Khuôn viên trụ sở TAND TP được công nhận di tích văn hóa nghệ thuận cấp quốc gia có ba vùng: vùng lõi là tòa nhà chính, vùng 1 là toàn bộ phần sân vườn của tòa án đến hàng rào, vùng 2 là phần vỉa hè bên ngoài hàng rào.

Vùng lõi và vùng 1 không được xây dựng bất kỳ kiến trúc lạ nào chen vô. Vì vậy, để giữ gìn tính nguyên vẹn cho công trình thì phải tháo bỏ toàn bộ những dãy nhà cấp 4 xây dựng trong khuôn viên tòa án để trả lại không gian thoáng đãng cho sân vườn.

Tại TP.HCM hiện nay có nhiều nhà công sản được công nhận là di tích như Nhà hát TP, Bảo tàng Mỹ thuật TP, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng TP.HCM... và nhiều trụ sở cơ quan nhà nước có giá trị kiến trúc cần được bảo tồn.

Hiện nay, chỉ có những tòa nhà bảo tàng mở cửa cho du khách vào tham quan nội dung trưng bày bên trong chứ chưa có nội dung thuyết minh, giới thiệu về bản thân công trình di tích.

Tòa nhà trụ sở Bưu điện TP cũng chỉ mở cửa cho khách tham quan trong giờ phục vụ của bưu điện chứ chưa có nội dung giới thiệu về giá trị kiến trúc, lịch sử của tòa nhà.

UBND tỉnh Đồng Tháp đón người dân vào tham quan dịp tết

Ông Nguyễn Văn Dương - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết tỉnh có chủ trương mở cửa đón người dân, du khách vào trụ sở UBND tỉnh tham quan dịp Tết Nguyên đán từ 2016 đến nay. "UBND mà người dân không được thoải mái ra vào tham quan sao gọi là nhân dân được" - ông Dương cho hay.

Trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp được xem là nơi có không khí trong lành và khung cảnh đẹp bậc nhất ở thành phố sen hồng. Với khuôn viên rộng 4ha, trong dịp tết cổ truyền, phần lớn không gian trụ sở được dựng nên một "Đồng Tháp thu nhỏ" bằng các tiểu cảnh đẹp mắt.

Người dân thoải mái ra vào chụp ảnh, tham quan, có thể được lãnh đạo tỉnh chúc tết. Hàng ngàn lượt người đã đến tham quan vào dịp tết trong thời gian qua.

N.TÀI

Cả hội thảo Cả hội thảo 'choáng váng' khi biết 18 di sản nổi tiếng Sài Gòn biến mất

TTO - Đó là cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng (quận 6), tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của TP trong Sở Cảnh sát PCCC, thương xá Tax, Nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường...

D.NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên